Người từng mắc COVID-19 dễ bi quan, chán nản, rối loạn tâm thần

04/10/2021 - 15:59

PNO - Hội chứng tâm lý hậu COVID-19 có thể làm đảo lộn hoàn toàn đời sống bệnh nhân, khiến họ rơi vào chán nản, tuyệt vọng, thậm chí tâm thần.

Thế giới đang dần bước vào trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch, nhưng đối với nhiều bệnh nhân sống sót sau khi nhễm COVID-19, cuộc chiến của họ chưa hề kết thúc. 

Một nghiên cứu ở Ấn Độ đã chỉ ra rằng, so với các bệnh cúm thông thường, COVID-19 để lại ảnh hưởng về tâm lý nhiều hơn đến 44%; và so với các bệnh truyền nhiễm theo đường hô hấp khác, con số này là 16%.

Y tá Harvard Graham của Trung tâm Y tế Đông Alabama kiểm tra chất lỏng cho một bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt (Ảnh: AP)
Nhân viên y tế của Trung tâm Y tế bang Đông Alabama (Mỹ) đang kiểm tra việc truyền dịch cho một bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt (Ảnh: AP)

Tương tự, một khảo sát ở Mỹ cho ra kết quả: 37% trong 270.000 bệnh nhân vừa khỏi COVID-19 mắc phải các vấn đề về tâm lý trong vòng 6 tháng, kể từ lúc bắt đầu điều trị.

Đại học Oxford Anh Quốc cũng cho biết, cứ mỗi 3 bệnh nhân sống sót sau COVID-19, sẽ có 1 người gặp vấn đề với sức khỏe tinh thần. Điều này còn trầm trọng hơn đối với những ai từng phải điều trị trong phòng chăm sóc tích cực (ICU). Thậm chí, dù đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi bình phục, nhiều người vẫn cần đến sự giúp đỡ về tâm thần. Ngoài các triệu chứng điển hình của COVID-19 như sốt, ho, khó thở; người bệnh còn gặp phải các tình trạng chóng mặt, đau đầu, suy nhược, suy giảm nhận thức...

Những triệu chứng này không mất đi, kể cả khi họ đã nhận kết quả âm tính, và đây được gọi là hội chứng tâm lý hậu COVID-19. Ngoài các vấn đề về sức khỏe như suy giảm chức năng miễn dịch và hô hấp, bệnh tim mạch và thần kinh, đột quỵ, mất trí nhớ, mê sảng; bệnh nhân còn có nguy cơ cao đối mặt với trầm cảm, rối loạn lo âu, sang chấn, mất ngủ, mệt mỏi kéo dài, chán nản, khó tập trung.

Thậm chí, hội chứng tâm lý hậu COVID-19 còn có khả năng gây ra các bệnh lý hiếm gặp như rối loạn điều chỉnh, rối loạn chuyển đổi, rối loạn lưỡng cực, rối loạn tâm thần... đảo lộn hoàn toàn đời sống của bệnh nhân.

Theo nhóm nghiên cứu của bệnh viện SevenHills (Ấn Độ), nhiều người dù đã khỏi bệnh nhưng thường bị ám ảnh bởi sự bi quan, tuyệt vọng, lo lắng về tài chính và việc làm. Họ cũng rơi vào cảm giác thấy mình tội lỗi vì đã lây nhiễm virus cho người thân, bạn bè.

Điều đó cho thấy, dù đã không còn dương tính với COVID-19, nhiều bệnh nhân vẫn phải tiếp tục chiến đấu để tìm lại cuộc sống bình thường của mình suốt nhiều tháng trời. 

Nếu người thân của bạn từng mắc COVID-19 ở mức độ nặng, hãy chăm sóc tinh thần họ thật tốt (Ảnh minh họa)
Nếu người thân của bạn từng mắc COVID-19, hãy chăm sóc tinh thần họ thật tốt (Ảnh minh họa)

Nhận thức tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần trong và sau đại dịch, ngày càng nhiều tổ chức phi lợi nhuận được lập ra để chung tay hỗ trợ cho những người đang vật lộn với hội chứng tâm lý hậu COVID-19.

Một tổ chức mang tên Survivor Corps với hơn 175.000 thành viên ở Mỹ đã mang sứ mệnh kết nối, đồng hành cùng những bệnh nhân sống sót sau COVID-19 trong hành trình "làm lại cuộc đời" của họ.

Trong số hàng triệu người đã là nạn nhân của COVID-19 và hội chứng tâm lý hậu COVID-19, khoảng 20% trong số họ sẽ phục hồi hoàn toàn sau 3-4 tháng; mở ra hi vọng mới cho nhân loại trong việc viết cái kết cho đại dịch.

Tuy nhiên, chúng ta chưa hiểu hết về COVID-19 cũng như những di chứng, ảnh hưởng lâu dài của bệnh. Mọi thứ vẫn còn ở phía trước, và có lẽ chặng đường để thế giới hoàn toàn phục hồi sau đại dịch còn rất dài, đầy chông gai...

Thuỵ An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI