Người truyền lửa

20/11/2024 - 06:04

PNO - Cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Nhưng với đà tăng số học sinh, số lớp, nhiều tỉnh, thành vẫn thiếu giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân khác, trong đó có nguyên nhân lương thấp, công việc cực nhọc, nhiều giáo viên bỏ nghề.

Thầy và trò Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp, TPHCM) cùng múa hát trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: Trang Thư
Thầy và trò Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp, TPHCM) cùng múa hát trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: Trang Thư

Sự phát triển của xã hội dẫn đến nhiều thay đổi trong mối quan hệ thầy - trò, quan hệ trường học - phụ huynh học sinh… Việc “tận thu” do xã hội hóa giáo dục không đúng cách; hiện tượng trò - thậm chí phụ huynh - bạo hành thầy cô dù cá biệt cũng khiến dư luận thực sự lo lắng. Liệu trong xã hội hiện đại, truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam có được duy trì?

Theo nghiên cứu, đánh giá của các chuyên gia nước ngoài từ kết quả các kỳ thi quốc tế, từ chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của tổ chức OECD, chất lượng nền giáo dục của Việt Nam ngày càng được cải thiện, trong khi nhiều nước đang phát triển vẫn giậm chân tại chỗ. Điều này phần lớn là nhờ việc giảng dạy của giáo viên ngày càng hiệu quả hơn. Giáo viên Việt Nam được tập huấn thường xuyên và tự do sáng tạo để làm cho buổi học trở nên hấp dẫn hơn. Sự xem trọng giáo dục của các gia đình Việt Nam cũng góp phần quan trọng vào kết quả học tập của học sinh.

Quả thực, trong văn hóa Việt Nam, xã hội Việt Nam, người thầy luôn có vị trí. Người thầy được phụ huynh đặt hết niềm tin: “Trăm sự nhờ thầy”. Ngày Nhà giáo Việt Nam cả xã hội tôn vinh người thầy. Dịp 20/11 năm nay, 1.188 nhà giáo đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Bộ GD-ĐT tuyên dương 251 nhà giáo tiêu biểu của năm, qua đó ghi nhận sự tận tụy, yêu nghề, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của thầy cô.

Thực tế, sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo nhưng chất lượng của nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có các chính sách, môi trường làm việc. Dư luận đang quan tâm đến dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và nhà giáo được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề… Điều này nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 29-NQ/TW. Hiện nhiều tỉnh, thành đã thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để thu hút, “giữ chân” giáo viên. Các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản… cũng đã tác động tích cực đến việc lựa chọn học ngành sư phạm của học sinh.

Vấn đề quan trọng nữa chính là xây dựng được môi trường giáo dục mà ở đó, “thầy ra thầy, trò ra trò”. Nhưng để thầy ra thầy thì trước hết, cần thay đổi cách dạy học, kiểm tra, đánh giá. Chương trình phải được giảm tải, chỉ tập trung dạy những thứ cần thiết, thực tế, quan tâm đến hứng thú của người học hơn là điểm số, thi cử, thành tích.

Cuối cùng, chính nhà giáo là yếu tố quan trọng trong việc củng cố, giữ gìn vị thế và sự tôn nghiêm của nghề. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhiều lần nhấn mạnh, kết quả của sự đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo. Kinh nghiệm là điều đáng quý nhưng trước những thay đổi của thời đại, người thầy không thể không đổi mới, số hóa trong giảng dạy, soạn giáo án. Đổi mới không phải là để theo kịp các giáo viên trẻ mà là đổi mới chính mình, nêu gương học tập suốt đời cho học sinh.

Cho nên, thời nào, người thầy cũng là tấm gương, khích lệ học trò phấn đấu vươn lên không ngừng. Đó chính là đặc trưng cốt lõi của nghề giáo mà kể cả AI cũng không thể theo kịp. Xã hội dù có thay đổi đến thế nào, công nghệ dù phát triển đến đâu thì vai trò “thắp lửa” của người thầy vẫn còn nguyên vẹn.

Quế Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI