Người trưởng khu phố làm cầu nối giúp dân thoát nghèo

19/04/2021 - 09:11

PNO - Từ xe bánh mì ban đầu, đến nay cô Hồ Thị Được đã bán thêm cà phê, nước ngọt.

Cách đây 5 năm, cô Được gần như kiệt quệ khi vừa nuôi chồng bị tai biến, vừa chăm lo cho đứa cháu nội khi con trai vướng vào ma túy. Biết rõ hoàn cảnh của cô Được, bà Trần Thị Hoa (70 tuổi) - Trưởng khu phố, kiêm Tổ trưởng Tổ vay vốn tiết kiệm khu phố 2, P.6, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - nhiều lần đến nhà gợi ý cô Được vay vốn của ngân hàng chính sách để có tiền trang trải bán buôn. “Nhà đang không mắc nợ, bỗng dưng thành mắc nợ. Tôi lại phải nuôi chồng nằm bệnh, nuôi cháu học hành, làm sao trả nổi” - nghĩ vậy nên cô Được lắc đầu, xua tay. 

Nhưng bà Hoa lại nhìn ra hướng phát triển nếu như cô Được có vốn. Vả lại, nhiều năm làm trưởng khu phố, bà Hoa biết rõ chuyện những hộ nghèo khi túng dễ dính vào “tín dụng đen” và càng trở nên bế tắc. Vì vậy, bà Hoa kiên trì phân tích để thuyết phục cô Được vay. Bà Hoa nói: “Hiện tại, chị chỉ bán có xe bánh mì, mất thời gian mà không được nhiều. Nếu chị vay vốn rồi tăng cường bán thêm cà phê, nước ngọt, trà tắc… Mỗi tháng chỉ cần đóng hơn 500.000 đồng, cả vốn lẫn lãi, thì tôi thấy dư sức trả. Trong nhà cũng cần phải có tiền để dành khi ốm đau”. 

Sự phân tích ấy là quá hợp lý nên cô Được không thể từ chối. Cô mạnh dạn vay 30 triệu đồng trong 60 tháng, mỗi tháng trả hơn 500.000 đồng cả gốc lẫn lãi.

Bà Hoa luôn thể hiện sự cẩn trọng và hiệu quả trong vai trò tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm

Nhận được vốn, cô Được trích một phần để đầu tư bán thêm các loại nước giải khát như gợi ý của bà Hoa. Thu nhập bắt đầu tăng lên nên chỉ vài tháng sau vay vốn, cô Được chủ động tăng tiền góp hằng tháng lên một triệu đồng. Cô trả dứt nợ trước thời hạn và được đề xuất vay mới với 50 triệu đồng. Từ chỗ sợ vay vốn thì nay, cô Được lại bảo con gái sang gặp bà Hoa xin vay để đầu tư một xe bún bò. Hiện tại, hai mẹ con cô mỗi người bán một xe ở đầu hẻm 105 Hoàng Hoa Thám. 

Là Tổ trưởng tổ vay vốn, bà Trần Thị Hoa cảm thấy yên lòng và có niềm tin hơn về công việc mình đang làm khi thấy việc buôn bán của cô Được khá lên. Vì sợ phiền phức nên trước đó, bà đã nhiều lần từ chối công việc liên quan đến tiền cho đến khi UBND P.6 đặt niềm tin vào bà sau nhiều năm được tổ chức và nhân dân tin cậy trong vai trò trưởng khu phố. Không phụ lòng tin đó, kể từ ngày bà phụ trách, Tổ vay vốn tiết kiệm khu phố 2, có 37 thành viên với tổng dư nợ lên đến hơn 1,4 tỷ đồng nhưng tỷ lệ nợ quá hạn luôn đạt 0%. Cũng nhờ “cầu nối” là bà Hoa mà đồng vốn của ngân hàng chính sách đã giúp nhiều hộ trong khu phố thoát nghèo.

Nói về bí quyết, bà Hoa cho biết, bà rất kỹ lưỡng trong việc tìm hiểu đối tượng, để đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng. Khi có người xin vay vốn, bà tìm hiểu thông tin từ tổ trưởng tổ dân phố rồi mới đến nhà để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh cũng như mục đích vay. Trước khi làm hồ sơ vay, bà hỏi rất kỹ về kế hoạch sử dụng vốn, đặt ra điều kiện cụ thể như mỗi tháng phải trả bao nhiêu, trả từ ngày nào… 

Ngày 22 hằng tháng phải làm việc với ngân hàng, thì ngày 16, 17 bà đi nhắc người vay chuẩn bị. Ở các tổ khác, người vay đến nhà tổ trưởng để trả, còn bà Hoa lại thích đi thu từng nhà. “Việc đó tuy mất thời gian nhưng rất có lợi. Đó là cơ hội để tôi tiếp cận, chuyện trò để hiểu rõ hơn về công ăn việc làm, cách sử dụng đồng vốn đã ổn chưa, có cải thiện được cuộc sống hay không. Cũng nhờ đó mà tôi nắm được tình hình của những gia đình kín tiếng, kéo thêm được những phụ nữ nội trợ tham gia sinh hoạt khu phố để thay đổi nhận thức, lối sống”, bà chia sẻ. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI