Người Trung Quốc làm du lịch giá rẻ như thế nào?

15/05/2023 - 06:20

PNO - Mở cửa lại thị trường du lịch sau thời gian dài thực hiện chính sách “zero COVID-19”, ngành du lịch Trung Quốc đã tung nhiều tour giá rẻ để nhanh chóng thu hút khách quốc tế.

“Rẻ” nhưng thu được nhiều tiền

 Dự định sẽ có chuyến du lịch trong tháng Tư với chi phí không quá 10 triệu đồng, anh Nguyễn Trung Tín (quận 3, TPHCM) rất ưng ý khi tìm thấy tour đi Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) 6 ngày 5 đêm với giá trọn gói 8 triệu đồng. Mức giá này rẻ hơn nhiều tour đi các tỉnh miền Bắc, ngang bằng tour đi Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia...  

Anh Tín đã chọn tour đi Trung Quốc từ ngày 13 - 18/4, tham quan các điểm như Thiên Môn Sơn, Phượng Hoàng cổ trấn, Vũ Lăng Nguyên, Thiên Hộ Miêu Trại… Những du khách chọn tour trọn gói như anh Tín sẽ đi theo lịch trình, sự sắp xếp của đơn vị tổ chức tour. Với những tour như thế này, trong lịch trình sẽ có các điểm mua sắm. 

Thợ kim hoàn Trung Quốc làm trang sức để du khách tham quan
Thợ kim hoàn Trung Quốc làm trang sức để du khách tham quan

Giống như những lần đi tour trước, anh Tín dự định sẽ không tốn tiền ở những điểm dừng chân như vậy. Những lần du lịch trước, anh từng bị những người dẫn đoàn tìm cách ăn bớt thời gian hay địa điểm tham quan. Lần này thì ngược lại. Khi đến Phượng Hoàng cổ trấn, anh Tín và những người trong đoàn được khuyến khích đi thật nhiều. Sau một ngày đi bộ, những người khỏe nhất trong đoàn cũng rã rời chân tay. Lúc này, đoàn đến “điểm dừng chân” được bố trí đầy đủ máy mát xa chân và nhân viên mát xa cổ vai gáy. Anh Tín và nhiều du khách đã chọn dịch vụ mát xa để giải mỏi. 

“Dường như mọi mệt mỏi tan biến nhờ các bài day, ấn huyệt kết hợp với các loại dầu, thuốc đông y của họ” - anh Tín kể. Không đợi khách thắc mắc về các loại dầu hay thuốc, nhân viên dẫn tour giới thiệu luôn các sản phẩm có sẵn ở quầy với rất nhiều công dụng. Anh Tín và nhiều khách trong đoàn đã bỏ tiền mua các sản phẩm này. Hơn 1 giờ ở điểm dừng chân, anh Tín thấy 3-4 đoàn khách Việt cũng vào đây, đa số đều trả tiền cho dịch vụ mát xa và mua các loại dầu, thuốc xoa bóp như vậy. 

Ở khu danh thắng Vũ Lăng Nguyên, đoàn khách cũng mất một ngày để khám phá các điểm tham quan. Trong đó, đoàn được dẫn vào khu nhà cổ tham quan, tìm hiểu cách thức làm nhà, phong tục thờ cúng, cưới xin… Trong phần thuyết minh, hướng dẫn viên nói về các loại trang sức, dụng cụ được chế tác từ bạc mang lại sự may mắn, sức khỏe. Khi đến cuối dãy nhà cổ, du khách được tham quan khu vực kinh doanh trang sức bạc và rất nhiều người tiếp tục móc hầu bao mua những món đồ được cho là “có giá trị tâm linh” đó. 

“Kết thúc chuyến đi, chi phí trải nghiệm các dịch vụ, mua quà lưu niệm ngang bằng hai phần ba tiền mua tour. Dù có tiếc nhưng tôi vẫn thấy hài lòng, không hề có cảm giác bị ép buộc” - anh Nguyễn Trung Tín kể.

Chị Kim Phương (quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng vừa đi tour Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn với lịch trình tương tự. Chị cho hay, khi được hướng dẫn viên báo trước về các điểm mua sắm trong chương trình tour, chị nghĩ chỉ ghé tham quan  thôi nhưng cuối cùng, chị đã mua sắm rất nhiều vì dường như họ bán toàn thứ mà chị cần. 

Được biết, khi thị trường du lịch Trung Quốc mở cửa trở lại, du khách Việt Nam có thể tự túc xin visa đến Trung Quốc hoặc đi tour trọn gói (visa đoàn). Nhưng do phần lớn dịch vụ của Trung Quốc không giao tiếp bằng tiếng Anh, thủ tục xuất nhập cảnh khá rườm rà nên khách Việt Nam thường chọn đi tour trọn gói. Trong khi nhiều thị trường du lịch tăng giá tour, nhiều đối tác ở Trung Quốc của doanh nghiệp du lịch Việt Nam lại đẩy mạnh chào bán các tour trọn gói có giá khá thấp. Bù lại, họ “ăn” hoa hồng từ doanh thu bán hàng, dịch vụ đi kèm tour.

Có nhiều cách làm du lịch giá rẻ

Theo đại diện một số doanh nghiệp lữ hành, du lịch ở TPHCM, không chỉ Trung Quốc, giá tour du lịch Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore… cũng có xu hướng rẻ hơn nhưng lại lồng ghép nhiều điểm mua sắm, trải nghiệm dịch vụ hơn.

Chẳng hạn, tour đi Trung Quốc 5 ngày 4 đêm có giá trọn gói 14 triệu đồng/khách nhưng khách phải vào 4 khu mua sắm, nếu không chấp nhận thì giá tour sẽ là 16 triệu đồng/khách. Tour đi Thái Lan có giá trọn gói khoảng 7 triệu đồng/khách, nhưng không vào trung tâm mua sắm thì giá có thể gần gấp đôi.

Ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour - cho biết, việc đưa các trung tâm mua sắm vào chương trình tour giúp hạ giá tour, nhất là các tour quốc tế. Tất nhiên, các đơn vị tổ chức tour uy tín sẽ đi tiền trạm, kiểm duyệt trước các điểm mua sắm sau đó mới giới thiệu đến du khách.

Theo ông Từ Quý Thành - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang - nếu nhìn theo hướng tích cực thì việc mua sắm trong chương trình tour cũng là yếu tố thu hút du khách, với điều kiện các mặt hàng kinh doanh phải phù hợp với tour: “Nếu  những điểm kinh doanh đồ trang sức, đá quý không bảo đảm chất lượng, không cho đổi trả hàng, sẽ ảnh hưởng đến công ty tổ chức tour trong nước”.

Cũng theo ông Từ Quý Thành, ở Việt Nam, chưa có nhiều điểm mua sắm chuyên phục vụ du khách như các nước khác. Hiện có một số ít trung tâm mua sắm dành cho khách nước ngoài, như Miss Áo Dài chủ yếu phục vụ du khách Nhật Bản. “Việt Nam chỉ có vài trạm dừng chân bán bánh, mứt, tài xế hoặc hướng dẫn viên đưa khách vào thì được chia hoa hồng. Nếu có các trung tâm mua sắm được đầu tư bài bản để đưa vào chương trình tour, sẽ vừa giúp gia tăng giá trị sản phẩm địa phương, vừa giúp hạ giá tour trong nước, giúp khách du lịch có trải nghiệm tốt hơn về sản vật vùng, miền” - ông Từ Quý Thành nói thêm. 

Khánh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI