Người Trung Đông chưa biết Việt Nam có gì để du lịch

09/09/2022 - 16:33

PNO - Việc quảng bá du lịch tại Trung Đông, Ấn Độ còn hạn chế khiến du lịch Việt Nam đang bỏ lỡ nguồn khách giàu có, chịu chi tiêu.

Đó là một trong những nội dung được ông Trần Đức Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Qatar chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy thị trường khách du lịch Trung Đông và Ấn Độ” sáng 9/9. Sự kiện nằm  trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM lần thứ 16 (ITE -HCMC 2022) do Tổng Cục du lịch, Sở Du lịch TPHCM  tổ chức.

Theo ông Trần Đức Hùng, khu vực Trung Đông bao gồm 16 nước có dân số 453 triệu người, trong đó Hội đồng các nước vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước Ả Rập Xê Út, UAE, Oman, Qatar, Kuwait và Bahrain có dân số 54 triệu và tổng thu nhập hơn 3.464 tỷ USD. Đây là thị trường khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và đi du lịch dài ngày.

Ông Trần Đức Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Qatar trình bày tại Hội thảo.
Ông Trần Đức Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Qatar trình bày tại Hội thảo

Khách du lịch Trung Đông theo đạo Hồi, có khả năng chi trả cao và thích đi nghỉ dưỡng biển, tiện nghi, riêng tư, có spa, safari cho trẻ con, kết hợp đi du lịch để tìm cơ hội thương mại, đầu tư. Họ có xu hướng đi theo gia đình khoảng 6-8 người, hoặc theo nhóm nhỏ (nam, nữ riêng), sử dụng dịch vụ hạng sang. Họ có thể lưu trú thời gian dài tại một điểm nếu ưa thích và không thích đi theo tour hay ghép đoàn. Mùa hè tại Trung Đông rất nóng nên người dân thường đi nghỉ tránh nắng, kéo dài khoảng 2 tháng (từ tháng 7 đến tháng 8, cũng là thời gian nghỉ hè của trẻ em). Sau dịch COVID-19 nhu cầu đi du lịch của người dân các nước Trung Đông rất lớn.

Tuy nhiên, rất nhiều khách du lịch Trung Đông chưa biết rõ Việt Nam nằm ở đâu và có gì.  Điều đó cho thấy thông tin quảng bá du lịch Việt Nam chưa tốt. Khách du lịch đến từ các nước Trung Đông chiếm tỉ lệ không đáng kể, đặc biệt lượng du khách là công dân từ các nước GCC. Trong khi đó, các thị trường du lịch Singapore, Malaysia, Thái Lan... lại thu hút mạnh lượng du khách từ các nước đạo Hồi, chủ yếu là khách hạng sang và có khả năng chi tiêu ở mức cao.

 Ông Trần Đức Hùng, du lịch Việt Nam cần tiếp cận nguồn khách này vì gần đây họ thường tìm kiếm những địa điểm du lịch mới do những địa điểm du lịch truyền thống như châu Âu đã bão hòa. Việt Nam lại có lợi thế là một số hãng hàng không trong nước và quốc tế như Vietnam Airlines, Qatar Airways, Emirates đã mở nhiều đường bay thẳng từ thủ đô các nước Trung Đông đến TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

“Việt Nam có nhiều lợi thế với thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, cởi mở, mến khách và sự ổn định chính trị, an toàn. Chúng ta cũng có nhiều loại hình du lịch, từ du lịch nghỉ dưỡng đến du lịch trải nghiệm, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách du lịch.”, ông Hùng nhận định.

Để thu hút nhóm khách này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Qatar cho rằng các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan chính phủ cần thường xuyên tổ chức các hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế ở quy mô lớn, mời các doanh nghiệp lữ hành các nước Trung Đông tham dự; Tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam bằng các video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của khu vực, kết hợp với các travel blogger… Và cần thiết kế những chương trình du lịch riêng cho đối tượng khách Ả Rập, đảm bảo yếu tố tôn giáo như: yêu cầu về thực phẩm Halal, phòng cầu nguyện, sự riêng tư…

Một số ý kiến cho rằng, việc thu hút khách du lịch từ Ấn Độ phát huy hiệu quả trong những năm gần đây có thể dùng làm kinh nghiệm để tiếp cận nguồn khách từ Trung Đông.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho hay, khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tháng 7/2022 đạt 11.700 lượt và là một trong những thị trường phục hồi nhanh nhất.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM cho hay để tiếp tục hút khách Trung Đông, Ấn Độ sẽ tích cực tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến của các nước này đồng thời tăng cường mời gọi các nước tham gia
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM, để thu hút khách Trung Đông, Ấn Độ, Sở sẽ cùng các doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình xúc tiến của các nước này. Trong ảnh: Nhiều du khách, doanh nhân Ấn Độ, và một số nước Trung Đông tham gia Hội chợ ITE tại TPHCM năm 2022 - Ảnh: Quốc Thái

"Thành phố đang có một số nhà hàng, khách sạn có các dịch vụ thiết yếu cho khách du lịch Ấn Độ và khách theo đạo Hồi nhưng còn nhỏ lẻ và chưa thực sự chuyên nghiệp. Du lịch Halal (Du lịch Halal là một tiểu thể loại du lịch hướng đến các gia đình Hồi giáo tuân thủ các quy tắc của đạo Hồi - theo PV) sẽ là một trong những ngành du lịch phát triển nhanh nhất thế giới và du khách Halal sẽ là một phân khúc chính của thị trường du lịch khi dân số Hồi giáo được dự báo đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030. Thế nên, TP xác định cần có sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài vào cơ sở hạ tầng với các nhà hàng phục vụ ẩm thực Ấn Độ, ẩm thực đạt chuẩn Halal, các khách sạn, sân bay cần bố trí phòng cầu nguyện… để hấp dẫn được khách du lịch từ thị trường này.", bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho hay.

Đồng thời, các đơn vị sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn viên thông thạo tiếng Ả Rập, am hiểu văn hóa và thói quen sinh hoạt của du khách các quốc gia Trung Đông và Ấn Độ cũng là một nhiệm vụ mà ngành du lịch cần phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch tiến hành trong thời gian tới. TP cũng tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông trong việc xúc tiến du lịch hai chiều giữa hai bên.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI