PNO - May mắn là thứ không thể chọn, nhưng “không bỏ cuộc” là quyền lựa chọn của mỗi người. Có phải ý chí sắt đá được tôi rèn giữa trùng trùng gian nguy đã làm nên bản năng “không bỏ cuộc” của đồng bào miền Trung.
“Phải sống chớ”, cụ Lê Bao, 75 tuổi, ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nói dưới trời mưa. Di chứng chiến tranh khiến chân phải cụ Bao khập khiễng, cứ bước vài bước cụ lại ngồi nghỉ mệt. Bão vào, mái tôn bay, chái bếp sập, vợ chồng già 74, 75 tuổi nương tựa vào nhau. Cụ nói với tôi: “Nhà vẫn chưa sửa, vì sợ hắn (bão) còn vô nữa. Thôi, từ từ đi. Ăn nhiều chớ ở bao nhiêu. Để hắn đi hẳn, mình sửa lại nhà rồi làm ăn tiếp”. Và như tôi biết, ăn cũng chẳng bao nhiêu. Tháng Mười, bão, lũ liên miên, như phần đông bà con trên dải đất miền Trung, vợ chồng cụ Bao bữa cơm mắm muối, bữa mì tôm lần lữa qua ngày.
Những cụ già ở miền Trung khắc khổ, kiên cường vượt qua gian khó
Thôn Trung An của cụ Bao chủ yếu làm nghề nông, trồng lúa, bắp, đậu phộng. Mùa này, lúa đang vươn mình lên xanh thì siêu bão số 9 tràn vào quật ngã và nhấn chìm. “Tài sản không còn chi, nhưng còn mình”, cụ Bao nói. Và bao con người ở vùng quê nghèo miền Trung mà tôi gặp đều chung suy nghĩ “còn mình” nghĩa là còn ngày mai, còn hy vọng. Chẳng hạn như cụ bà Đoàn Thị Xứng, 78 tuổi, ở thôn Trung An. Sống một mình trong căn nhà cấp bốn, cụ Xứng chẳng khỏi thót tim theo từng hồi gió giật, mưa gào. Nhà tốc mái, cụ nhờ đứa cháu về sửa tạm để có chỗ khô ráo ngả lưng. Cụ Xứng bước thấp bước cao đến trụ sở thôn Trung An lãnh quà từ thiện. Nhận túi quà và phong bì tiền mặt, cụ nheo mắt, cảm ơn đoàn và rằng: chừng đó cũng đỡ cho những ngày mưa. Còn nhà cửa, ruộng vườn… hễ mình còn sẽ làm lại được.
Tương tự là cụ Huỳnh Thị Láng, 81 tuổi, lưng còng như dấu chấm hỏi. Cụ Láng lúi húi buộc túi quà lên yên xe đạp rồi kể lại những ngày đi tránh bão, khi trở về thì… màn trời chiếu đất. Mà cả xóm, cả thôn ai cũng trong cảnh ấy thì than vãn chi thêm cực lòng.
“Của đau con xót”, ai mà không có lúc thẫn thờ trước cảnh mất mát, hoang tàn, rồi thầm trách con nước, ngọn gió vô tình cuốn phăng nhà cửa, hoa màu và lòng trĩu nặng “ngày mai lấy chi ăn”. Nhưng rồi những người lớn tuổi như cụ Bao, cụ Xứng, cụ Láng… giữa những cuồng phong vẫn tin “còn người còn của”, mọi chuyện rồi sẽ ổn. Niềm tin đó, sự kiên định đó đã lan tỏa, giúp bà con gắn bó, bám đất bám làng và dìu nhau vượt qua những cuồng phong để gầy dựng lại mái nhà, sào lúa, luống khoai.
2.
“Tú và Hải vừa trở lại trường chiều nay, lúc 16g30” - thầy Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My, H.Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - nhắn tin. Nhiều lần trong cuộc chuyện trò, thầy ngừng rất lâu để kìm nén cảm xúc. Là đứa con của phố Tam Kỳ lên miền núi Nam - Bắc Trà My “ăn cơm với đồng bào” hơn suốt 20 năm, đã trải qua nhiều thiên tai, nhưng lần này, mỗi khi nghe còi báo động di dân, thầy lại nơm nớp, nhói lòng.
Nhiều ngày sau vụ sạt lở đất kinh hoàng vùi lấp nóc Ông Đề ở thôn 1, xã Trà Leng, gió vẫn thốc, sấm vẫn rền, trời vẫn trút nước và đất vẫn rục rịch đe dọa. Trong nỗi đau Trà Leng, có Hải, có Tú, có hai chị em Quý và Quyền - học trò thầy Luận.
Em Hải mất tám người thân. Ba em Tú - ông Lê Hoàng Việt, Bí thư xã Trà Leng - vẫn còn mất tích. Còn mẹ của hai em Quý, Quyền đã nằm lại với đất. Gượng dậy trong giông bão, Quý và Quyền đã đi học từ mấy ngày qua. Riêng Tú và Hải, các thầy các cô vẫn khắc khoải ngóng trông. Giây phút hai em trở lại trường, tất cả thầy cô đã đến ôm mà không nói lên lời. Hải, cậu học trò lớp Mười, đã chủ động lên tiếng: “Con sẽ sống, sẽ cố gắng học, các thầy các cô đừng lo”. Câu nói ấy như ngọn lửa nhỏ nhen nhóm niềm tin về một ngày mai, dẫu gian nan, đau đớn, cậu học trò nhỏ sẽ kiên cường bước tiếp, sẽ không bị đánh gục bởi số phận.
Câu nói ấy như một lời hồi đáp những dòng nhắn gửi đầy nước mắt mà thầy Luận viết riêng cho Hải ngày 31/10: “Thầy thấu hiểu nỗi đau em đang phải gánh chịu. Ngồi bên em đêm trước khi thầy cô đưa em về nhà, thầy đã cắn chặt răng để không bật lên thành tiếng khóc, để gắng dỗ dành em uống thêm miếng sữa vì hành trình về nhà và những gì em phải đối mặt ngày mai. Thầy xin lỗi vì đã giấu em đến đêm hôm đó - vì thầy lo, rất lo Hải ạ! Giờ đây, tất cả thầy cô trường mình đều luôn ở bên em, bên những học trò đang phải gánh chịu nỗi mất mát vô cùng lớn. Nghe thầy Hải nhé, dù cho sự việc có như thế nào nữa thì em hãy gắng kiên cường em nhé. Dù con đường phía trước chắc chắn nhiều chông gai thì trong vòng tay yêu thương, chở che của thầy cô và bạn bè, mình cùng nhau đi tiếp Hải nhé!”.
Những người phụ nữ ở thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị sống chung với lũ - Ảnh: Thuận Hóa
Thầy Luận bảo học trò trường quê còn khờ lắm, thấy bạn mất mát, trước ngày bạn quay lại, tụi nhỏ ngơ ngác hỏi thầy cô “chừ tụi em biết làm chi cho bạn đây?”. Câu trả lời là: đừng để bạn một mình! Bọn trẻ làm đúng như vậy. Về trường, buổi tối 7/11, Tú và Hải ăn cơm, ngồi coi bài vở cùng các bạn. Những ngày Tú, Hải nghỉ học, sau mỗi giờ học, bạn cùng lớp đã chia nhau chép bài giúp. Dừng lại một chút trong lúc chuẩn bị bài học hôm sau, Quý mở điện thoại nhắn tin cho thầy Luận: “Em cảm ơn thầy cô đã bên cạnh tụi em những ngày khó khăn. Hai chị em sẽ cố gắng học cho tương lai sau này”.
Mưa. Lạnh. Và, đau. Song, cái cảnh học trò ngồi lại bên nhau và dòng tin đó khiến thầy Luận ấm lòng. “Biết rằng sẽ chẳng bao giờ có thể trở lại như ngày cũ. Cũng biết bề ngoài các em trông có vẻ ổn mà trong lòng đang quặn đau. Nhưng, chỉ cần Tú, Hải, Quý, Quyền gượng dậy, từ nay, trường là nhà, thầy cô, bạn học là người thân của các em. Chúng tôi sẽ đi cùng, sẽ dõi theo bọn trẻ mãi về sau. Ngày các em vô cao đẳng, đại học, ngày ra trường tìm được việc làm, ngày nên duyên chồng/vợ, ngày sinh đứa con đầu lòng, sẽ luôn có thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My kề bên”, người thầy của núi khẳng định chắc nịch.
3.
“Mình buồn”, chị Trần Thị Dân, một bà nội trợ ở Q.11, TP.HCM chỉ nói một câu duy nhất trong suốt hành trình dài lặng lẽ hướng mắt ra ô cửa kính. Không như những chuyến từ thiện đầy ắp tiếng cười, trên chuyến xe về H.Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) và H.Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) lần này, chị Dân, chị Mỹ Hương và những người bạn đồng hành đều lặng lẽ. Các chị đã gói ghém mở sổ tiết kiệm cho Tú, Hải, Quý, Quyền và em Hồ Thị Điệp (lớp 11, Trường THPT Nam Trà My).
Người dân xã Phước Thành, H.Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cắt rừng, leo dốc gùi lương thực về làng
Sáng 6/11, mưa kéo dài khiến giao thông tới các xã vùng cao của H.Bắc Trà My và H.Nam Trà My bị chia cắt, đứng bên này cầu Nước Oa nhìn qua bên kia chỉ thấy nước mênh mông, đục ngầu. Thấy đoàn, bà con ra ngăn cản: đừng qua, rất nguy hiểm. “Có khúc rứa thôi mà nhiều khi đi miết không tới”, một người trong nhóm những người cha, người mẹ choàng áo mưa, đội nón cời, mắt đăm đăm dõi theo con nước và ngóng chờ con, cháu đang ở bờ bên kia thốt lên. Ở bên này, những đoàn xe thiện nguyện khắp mọi miền đất nước vẫn đang hướng sang bên kia sông và mong chờ nước rút.
Từ H.Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), một người bạn gửi cho tôi những tấm hình chụp bà con xã Phước Thành cắt rừng, vượt qua những bãi đá và dốc cao để đến điểm nhận hàng cứu trợ ở xã Phước Kim rồi cõng ngược về. Trận lũ quét sau bão số 9 khiến xã Phước Thành bị cô lập. Hơn 500 người dân, già trẻ, gái trai, đàn ông, đàn bà… đã xung phong nhận lãnh trách nhiệm đi “cõng” sự sống về cho dân làng.
Bạn tôi nói, may mắn là thứ không thể chọn, nhưng “không bỏ cuộc” là quyền lựa chọn của mỗi người. Có phải ý chí sắt đá được tôi rèn giữa trùng trùng gian nguy đã làm nên bản năng “không bỏ cuộc” của đồng bào miền Trung, để hôm qua, hôm nay, và ngày mai nữa, những phận người trong tâm bão tưởng như nhỏ bé, mong manh ấy vẫn âm thầm, rắn rỏi vượt qua gian khó, vẫn sẽ xuyên núi cõng gạo về cứu dân làng, cũng là nuôi hy vọng về một ngày mai làm lại từ đầu!
Ngày 10/12, quận Tân Bình phối hợp với Ban quản trị chung cư K300, Phòng VH-TT Tân Bình khánh thành khuôn viên hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.