Người trong nhà sao lại so đo tính toán

17/02/2024 - 06:24

PNO - Tôi gói ghém từng món quà mang về cho gia đình. Thế nhưng chưa hết mùng, má đã đem quà ra chia hết cho con cháu và hàng xóm.

 

Món ngon nào má cũng mang cho cháu con và cả hàng xóm mà không chịu giữ riêng cho ba má. Ảnh minh họa
Món ngon nào má cũng mang cho cháu con và cả hàng xóm (ảnh minh họa)

Hồi đi học, hình ảnh tôi nhớ lâu nhất là mỗi sau một cái tết, ba má gom nào bánh và mứt, bánh ít, bánh tét... để tôi mang lên thành phố. Thuở đi học và mới đi làm, chưa có nhiều tiền, tôi cũng cố gắng lấy đồ chất đầy xe. Ấy là khi tôi và các anh em tôi còn nhiều khó khăn.

Nhưng hiện tại, tôi và các anh chị em ai cũng có gia đình riêng, của ăn của để. Các anh chị tôi rõ ràng đã giàu hơn tôi, đặc biệt là điều kiện sống khá hơn hẳn ba má tôi. Vậy nhưng mỗi dịp tết nhất hoặc đám giỗ, các anh chị cứ hồn nhiên đùm túm mang đồ từ nhà cha mẹ đi, hồn nhiên nhận quà bánh và cả tiền bạc từ ba má.

Có người còn mở miệng xin thêm món này, thứ kia, đúng kiểu "con gái cái bòn".

Mấy lần tôi đã nói gần nói xa, đại ý con cái bây giờ ai cũng đủ đầy cả rồi. Cái gì tốt nhất có thể mang về thì hãy đem về cho ba má. Hãy nhớ là mang về chứ đừng bòn rút mang đi, vì ba má còn khó khăn. Tuổi già sức yếu, ba má đâu thể làm gì ra tiền ngoài mớ hoa lợi từ cây trái, tre trúc trồng quanh nhà.

Người đùm túm mang về cho ba má, kẻ hồn nhiên gom góp mang đi. Ảnh minh họa
Người đùm túm mang về cho ba má, kẻ hồn nhiên gom góp mang đi (ảnh minh họa)

Tết này, kinh tế của tôi gặp cơn cạn kiệt. Mặc dù vậy tôi cũng ráng mua món ngon mang về cho ba má. Mấy hộp kẹo, túi mứt sấy người ta cho, tôi cũng dành dụm đem về. Lúc gói ghém từng món đóng thùng các-tông, tôi hình dung trong đầu ba tôi sẽ thích thú ra sao, má tôi sẽ hăm hở như thế nào, và ông bà sẽ để dành chúng ăn dần khi uống trà hoặc trà dư tửu hậu với bạn bè lối xóm...

Nhưng thật không ngờ, sau khi ăn uống thỏa thích 3 ngày tết, các anh chị em của tôi còn khen món này, xin ông bà món kia, và má tôi lại đem bày ra chia cho bằng hết.

Tôi nhắc má món mứt sấy đó hạn sử dụng đến 90 ngày, nghĩa là ba má còn có thể ăn dần trong hơn 2 tháng nữa. Hay như cái bánh tét, bánh chưng có thể để ngăn đông, khi ăn hấp lại. Với khô, thịt nguội, ba má có thể để dành ăn dần đến mấy tháng hoặc nửa năm. Bánh kẹo, sô-cô-la má có thể cất ăn trong 12 tháng.

Vậy nhưng nghe tôi nhắc thì má giận. Bà bảo, cùng là con cháu trong một gia đình, sao lại so đo tính toán với nhau. Ông bà nay đã già rồi, ăn uống có là bao, vậy nên má chia và cho con cháu, chứ không phải là không trân quý tấm lòng của tôi.

Có miếng ngon nào ba má cũng sẻ chia cho con cháu và người thân, hàng xóm láng giềng bởi người lớn nhìn thấy ở đó niềm vui tuổi già. Ảnh minh họa
Có miếng ngon nào ba má cũng chia cho con cháu và láng giềng bởi đó niềm vui tuổi già (ảnh minh họa)

Tôi chia sẻ câu chuyện nhà mình với bạn thân, không ngờ cô ấy kể chuyện gia đình chồng cô ấy cũng giống hệt. Bạn nói, các ông bà ở quê có thói quen thơm thảo, chia sẻ. Món ngon nhất chính là món cho đi, dành tặng người này người kia, chứ không phải là món để dành ăn. 

Cô bạn còn giải thích, với người lớn tuổi, con cháu là tình thương và cả tương lai của họ. Nên có của ngon vật lạ, họ thường chia sẻ, dành dụm cho con cháu. Quan trọng là mình biết vậy thì đừng để ba má thiếu thốn, đừng để họ buồn lòng, miễn gia đình ấm yêm và hạnh phúc là đã vui. Nghe bạn giải thích, tôi cũng xuôi xuôi, và thôi không còn giận sự vô tư của các anh chị mình nữa.

Sử Quân Tử

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI