Người trong ngành nói gì về việc Bộ Y tế đề xuất đưa hiến máu bắt buộc vào luật?

26/08/2017 - 21:17

PNO - Trong dự án Luật về máu và tế bào gốc vừa được Bộ Y tế gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, có đề xuất ý tưởng mỗi công dân phải thực hiện hiến máu bắt buộc mỗi năm 1 lần. Người trong ngành nói gì?

Bộ Y tế đề xuất 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu:

Giải pháp 1: Quy định hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần,  trừ một số trường hợp không thể hiến máu.

Giải pháp 2: Quy định hiến máu là tự nguyện, kết hợp với tăng kinh phí cho hoạt động vận động hiến máu.

Nguoi trong nganh noi gi ve viec Bo Y te de xuat dua hien mau bat buoc vao luat?
Theo Bộ Y tế, nếu chọn giải pháp đầu tiên thì với dân số khoảng khoảng 90 triệu người, Việt Nam có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu người dưới 18 tuổi và 14,2 triệu người mắc bệnh không thể hiến máu).


PGS.TS bác sĩ Trần Văn Bình, nguyên Trưởng khoa Huyết – Sinh học, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM: "Máu cũng như các cơ quan nội tạng trong cơ thể, phải xuất phát từ sự tình nguyện của người hiến.

Từ ngữ “hiến máu” đã thể hiện ý thức cứu người, hành động nhân đạo, nhân văn, do đó không nên ép buộc “lấy máu” như nghĩa vụ đóng thuế. Tôi làm trong lĩnh vực huyết học nhiều năm nhưng chưa nghe quốc gia nào trên thế giới đưa quy định bắt buộc hiến máu vào luật, kể cả Trung Quốc với dân số rất đông.

Và theo tôi, ngành y tế không khuyến khích việc người dân bán máu. Chỉ có người nghèo mới bán máu. Người nghèo thường ăn uống thiếu chất, nên chất lượng máu không tốt, khó đạt chỉ chuẩn sinh lý. Chưa kể, người nghèo thường bán máu cho cơ sở này, lại bán cho cơ sở khác, không đủ thời gian để nguồn máu cơ thể phục hồi".

Nguoi trong nganh noi gi ve viec Bo Y te de xuat dua hien mau bat buoc vao luat?
Nhiều người dân đến hiến máu tự nguyện tại Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM


Bác sĩ Trần Thị Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu Nhân đạo TP.HCM: "Việc đưa quy định hiến máu tình nguyện chuyển sang hiến máu bắt buộc hoàn toàn không khả thi! Cụ thể, theo Thông tư 26/2013/TT-BYT ngày 16/9/2013 Hướng dẫn hoạt động truyền máu có quy định rõ, ngoài độ tuổi, cân nặng, bệnh về máu thì người hiến máu không bị tăng huyết áp, khó thở, tiêu chảy...

Do đó, nếu một người đã không muốn hiến máu thì họ chọn những thời điểm mắc bệnh hoặc chỉ đơn giản thức khuya để cao huyết áp, hay cho chóng mặt, hoa mắt... thì sẽ không đủ tiêu chuẩn để lấy máu. Và liệu có ai sẽ xử phạt khi người đó không hiến máu?

Tôi tham khảo ý kiến của nhiều người, họ đều không đồng tình với đề xuất này. Thực tế, việc kêu gọi người hiến máu tình nguyện không khó, quan trọng là mỗi địa phương phải nhiệt tình vận động và lên kế hoạch kêu gọi người dân hiến máu".

Nguoi trong nganh noi gi ve viec Bo Y te de xuat dua hien mau bat buoc vao luat?
Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi mỗi quốc gia phải có đủ 2% dân số hiến máu mới đảm bảo nguồn máu cứu người. Hiện Việt Nam chỉ có khoảng 1,3% dân số nhưng riêng TP.HCM lại có đến 2,35%, hoàn toàn vượt mức trung bình chung của cả nước.


Thành công trong việc vận động hiến máu tự nguyện tại TP.HCM, theo bác sĩ Trần Thị Như Tố là do nhiều tỉnh/thành triển khai quá ít ngày ra quân lấy máu từ người hiến tặng trong tháng, trong khi TP.HCM ngày nào cũng có đội ngũ bác sĩ lấy máu.

Mỗi ngày Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM triển khai từ 7-8 đội nhận máu từ người cho, trong đó một đội tiếp nhận cố định tại trung tâm, còn 6-7 đội lại triển khai về các quận/huyện. Và phong trào này đã được TP.HCM “ăn sâu” vào ý thức người dân suốt 23 năm nay.

Và lực lượng hiến máu tình nguyện chiếm nhiều nhất không phải là nhân viên các cơ sở ban ngành nhà nước, sinh viên hay lực lượng đoàn viên thanh niên... mà là người lao động.

Điều kiện để được hiến máu:

Người hiến máu phải có cân nặng ít nhất là 42 kg đối với nữ, 45 kg đối với nam. Người cho máu không mắc các bệnh mạn tính hoặc cấp tính về thần kinh, tâm thần, hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu, tiêu hoá, gan mật, nội tiết, máu và tổ chức tạo máu, bệnh hệ thống, bệnh tự miễn, tình trạng dị ứng nặng; không mang thai, không có tiền sử lấy, hiến, ghép bộ phận cơ thể người; không nghiện ma tuý, nghiện rượu; không có khuyết tật nặng...

Hồ Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI