Người trồng hoa tết lo thất bát

29/11/2023 - 06:01

PNO - Nhiều nông hộ ở các vùng trồng hoa, kiểng tết ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung đã chủ động giảm diện tích trồng do dự đoán sức tiêu thụ dịp tết năm nay giảm so với mọi năm.

Diện tích trồng hoa, kiểng giảm 

Bà Hồ Thị Lớn (ấp Khánh Nghĩa, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, do khan hiếm giống nên năm nay, bà chỉ trồng khoảng 1.500 chậu cúc mâm xôi, giảm khoảng 10% so với năm trước. Hiện giờ, thời tiết khá thuận lợi nên cây phát triển tốt. Bà đã xuống giống được khoảng 4 tháng và đang chờ thương lái đến đặt hàng. 

Nông dân ở làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) chăm sóc cúc mâm xôi  phục vụ thị trường tết Giáp Thìn 2024 - Ảnh: huỳnh Lợi
Nông dân ở làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) chăm sóc cúc mâm xôi phục vụ thị trường tết Giáp Thìn 2024 - Ảnh: Thanh Lâm

Anh Lê Thành Hiếu (ở cùng xã) cho hay, anh trồng gần 20.000 chậu cúc mâm xôi. Do giá vật tư nông nghiệp tăng nhẹ nên gia đình anh phải dùng công nhiều hơn nhằm giảm chi phí sản xuất.

Ông Trần Văn Tiếp - Chủ nhiệm hội quán Tôi yêu màu tím (TP Sa Đéc) - thông tin, để phục vụ thị trường tết cũng như festival hoa kiểng Sa Đéc tới đây, hơn 30 thành viên của hội quán đang dồn sức chăm sóc các loài hoa, kiểng. Hội quán chủ yếu trồng các loài hoa, kiểng như sao nháy, thược dược, cẩm nhung, thạch thảo, lúa kiểng lá tím bông xanh, lúa kiểng lá xanh bông tím. Năm nay, các hội viên chỉ trồng khoảng 150.000 chậu cúc mâm xôi, giảm gần một nửa so với tết trước. Theo ông, TPHCM là thị trường tiêu thụ hoa kiểng chính của làng hoa Sa Đéc. Do dự đoán sức mua năm nay thấp hơn mọi năm nên các chủ vườn ở đây đã giảm bớt số lượng cây trồng. 

Nông dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre lúc này cũng đang tất bật chăm sóc vườn hoa, kiểng tết. Nông dân làng hoa Chợ Lách trồng nhiều cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, vạn thọ, mai vàng, tắc kiểng, kiểng lá. Một số hộ còn trồng và uốn cây kiểng thành các con thú theo 12 con giáp, trồng hoa giấy bonsai. Anh Trần Duy Khoa (xã Long Thới, huyện Chợ Lách) cho biết, anh trồng 500 chậu cúc mâm xôi, hy vọng nở đúng tết nhờ thời tiết năm nay khá thuận lợi.

Theo tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, dịp tết Giáp Thìn 2024, toàn huyện Chợ Lách dự kiến có khoảng hơn 10 triệu sản phẩm hoa, kiểng. Khoảng giữa tháng Chạp, thương lái các nơi sẽ đổ về thu mua. 

Người trồng hoa chịu nhiều áp lực 

Ở các tỉnh miền Trung, các làng hoa đều ít nhiều bị mưa lũ ảnh hưởng nhưng người trồng hoa, kiểng tết lo nhất là sức mua. Cũng do dự đoán sức mua thấp nên thương lái giảm giá thu mua hoa, kiểng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân (tổ 30, thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết, năm nay, vườn quất (tắc) của ông có khoảng 700 cây, trong đó 100 cây lớn, 100 cây trung, còn lại là cây nhỏ: “Đến nay, thương lái đặt cọc mua khoảng 1/3 vườn cây nhưng giá thấp hơn năm ngoái. Mọi năm, cây lớn có giá khoảng 4 triệu đồng thì năm nay, họ ép xuống còn khoảng 3 triệu đồng”.

Ông Trần Văn Tiếp (làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đang chăm sóc lúa kiểng lá tím bông xanh  để bán vào dịp tết năm nay - Ảnh: huỳnh Lợi
Ông Trần Văn Tiếp (làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đang chăm sóc lúa kiểng lá tím bông xanh để bán vào dịp tết năm nay - Ảnh: Thanh Lâm

Chị Lê Thị Vân (thôn Bến Trễ) nhận xét, cây năm nay đẹp hơn mọi năm nhưng nhiều nhà vườn chỉ trồng loại cây quất nhỏ cho dễ bán, bởi họ lo sức mua yếu. Các chậu quất nhỏ có giá vài trăm ngàn đồng sẽ hợp túi tiền của số đông người dân trong giai đoạn kinh tế khó khăn này.

Ông Mai Thanh Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Hà - cho biết, năm ngoái, toàn xã trồng được hơn 141.000 chậu quất, doanh thu hoa, kiểng tết đạt 50 tỉ đồng. Hiện nay, bà con đang cho quất vào chậu, cắt tỉa, cột dây. Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện giờ, UBND xã dự báo doanh thu hoa, kiểng năm nay chỉ đạt khoảng 45 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Lê (xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) nhẩm tính, chi phí cho 1 chậu hoa cúc có đường kính bề mặt 60cm là khoảng 100.000-120.000 đồng. Nếu bán chạy, được giá, mỗi chậu cúc cho lợi nhuận 30.000-40.000 đồng. “Nhưng năm nay, sợ là sức mua yếu” - ông lo lắng.

Mưa lớn gây lũ từ ngày 13 - 16/11 khiến nhiều hộ trồng hoa, kiểng tết ở tỉnh Thừa Thiên - Huế trắng tay. Ông Phạm Ngọc Ánh (thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu, TP Huế) than, toàn bộ 2 sào trồng hoa cúc của gia đình ông bị ngập sâu trong hơn 2 ngày nên chết hết. Ông đặt mua cây giống ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ tháng Tám, vô chậu từ tháng Mười. Do đó, thiệt hại do mưa lũ gây ra rất lớn. Ông rầu rĩ: “Hiện giờ, nông dân trong xã phải xới vườn, trồng lại giống ngắn ngày để mong có hoa bán tết”. Ông Lê Ngọc Chất (thôn Thanh Vinh) nói thêm, ngoài làm chết cây, nước lũ còn cuốn trôi rơm dự trữ để phủ lên các luống hoa, gây khó khăn cho quá trình sản xuất. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Trai - Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, toàn xã có 4/6 thôn với hơn 1.000 hộ trồng hoa, cung cấp hoa quanh năm cho TP Huế và các tỉnh lân cận. Lũ đã tàn phá 15ha hoa, gây thiệt hại hơn 3 tỉ đồng.

Hàng ngàn hộ chuyên trồng hoa tết ở các xã Quảng Thọ, Quảng Phú (huyện Quảng Điền), Phú Thượng, Phú Dương, Thủy Vân, Thủy Thanh, Phú Hậu, Vỹ Dạ (TP Huế) cũng đang lao đao theo lũ. 

Dự báo sức mua hoa kiểng tết ở TPHCM thấp

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Trần Thế Hùng - Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM - cho biết, dịp tết Quý Mão (2023) hoa kiểng đổ về TPHCM quá nhiều trong khi sức tiêu thụ giảm khiến lượng hoa kiểng bị ế rất lớn. Năm nay kinh tế khó khăn hơn, thu nhập của đại bộ phận người dân giảm… Do đó, từ nhiều tháng trước, Hội Sinh vật cảnh TPHCM đã khuyến cáo nhà vườn tại các tỉnh/thành giảm bớt diện tích, sản lượng, tập trung vào các loại hoa kiểng phổ biến… để tránh thiệt hại.

Diện tích trồng các loại hoa kiểng tại TPHCM và các địa phương phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn ước chừng chỉ bằng khoảng 50 - 60% so với năm ngoái. Một số nhà vườn cho biết hiện vẫn chưa bán được nhiều cho thương lái. Nhiều chủ vườn ở các tỉnh đã liên hệ với Hội Sinh vật cảnh TPHCM về việc đưa hàng lên TPHCM bán trực tiếp vì lo ngại khó có thể bán sỉ cho thương lái như mọi năm. “Tết năm nay có thể hoa kiểng về TPHCM sẽ không nhiều như các năm trước. Nhưng với tình hình thị trường sức mua yếu như hiện tại thì giá bán các loại có thể sẽ không tăng nhiều” - ông Trần Thế Hùng nhận định. 

Chị Hoàng Thị Thắm - chủ vựa hoa kiểng trên đường Trường Chinh, quận 12 - cho biết: từ đầu năm đến nay, các loại hoa kiểng bán khá chậm. Mọi năm, thời điểm này vợ chồng chị và một số chủ vựa đã đi khảo sát các vườn mai tại Bình Lợi (huyện Bình Chánh) hoặc ra Bình Định để đặt mai về bán tết. Năm nay thì tới giờ chị vẫn chưa có kế hoạch lấy hàng tết dù các nhà vườn báo giá cây chỉ bằng năm trước.

“Tết năm ngoái tôi lấy 150 gốc mai Bình Định, bán được 100 gốc, còn lại đang ươm nhờ vườn người quen tại Hóc Môn. Trước mắt tôi chỉ tính bán hết số cây tồn đọng này, gần tết nhập thêm các loại bông về bán, có rủi ro cũng không mất nhiều vì giá cây bông chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng 1 chậu” - chị Thắm nói.

Một số chủ cửa hàng hoa kiểng trên đường Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), Thành Thái (quận 10)… cũng cho biết, gần 1 tháng nữa họ mới nhập hàng tết về bán. Một số loại như cây bưởi Diễn có thể nhập sớm hơn do nguồn cung xa từ các tỉnh phía Bắc, nhập sớm giá cước vận chuyển sẽ thấp hơn. Nhìn chung dự kiến lượng hoa kiểng tết nhập về bán năm nay sẽ giảm từ 20 - 30% so với năm trước vì hầu hết chủ vựa đều lo ngại sức tiêu thụ yếu.

Ông Nguyễn Văn Cường - chủ vườn mai hơn 200 gốc tại phường Linh Đông, TP Thủ Đức - cho biết chi phí vật tư chăm cây năm nay không tăng nhiều so với năm trước nên giá cho thuê hoặc bán mai tết cũng sẽ không tăng. Theo ông Cường, các vườn mai tại Thủ Đức chủ yếu là cây lâu năm, có giá trị từ vài chục lên đến vài trăm triệu đồng/cây nên khách thuê là chủ yếu. Cây nhỏ, giá bán từ vài trăm ngàn đến một vài triệu đồng/cây chủ yếu được các đầu mối miền Trung (Bình Định, Khánh Hòa…) hay từ các tỉnh miền Tây đưa về bán. Do tết năm ngoái các đầu mối bị tồn đọng cây nhiều nên năm nay, điểm bán có thể sẽ ít hơn.

Quang Bình

Thanh Lâm - Đình Dũng - Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI