edf40wrjww2tblPage:Content
Tang chứng vật chứng của vụ việc này làm người nghe sửng sốt: cơ trưởng đã giấu trong giày của mình bốn thỏi vàng, mỗi thỏi nặng một ký. Tiếp viên giấu hai thỏi.
Họ, cùng với những “đôi giày vàng” này, đã bình yên đi qua cửa kiểm soát an ninh của sân bay Nội Bài, chỉ bị phát hiện khi xuống sân bay phía Hàn Quốc. Những vụ buôn lậu đã bị phanh phui của tiếp viên hàng không xưa nay không ít. Nổi cộm có vụ trong chuyến bay từ Paris đến Nội Bài ngày 22/9/2013, một tiếp viên (sinh năm 1977) bị phát hiện trong hành lý (không khai báo hải quan) có 50 chiếc điện thoại iPhone 5 còn nguyên hộp.
Ngày 26/3/2014, một tiếp viên khác (25 tuổi) đã bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ do nghi ngờ mang hàng xách tay có nguồn gốc trộm cắp từ Nhật Bản về Việt Nam, cụ thể là 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá 125.000 yen, tương đương 25,7 triệu đồng.
Điều đáng lưu ý là thu nhập của cán bộ nhân viên của hãng hàng không này thuộc loại cao nhất nhì trong mặt bằng thu nhập. Điều kiện ứng tuyển, quá trình đào tạo để trở thành cơ trưởng, tiếp viên hàng không là khá ngặt nghèo. Hình ảnh nghề nghiệp và hình ảnh đội ngũ thuộc loại chuyên nghiệp và cao cấp ở tầm mức quốc gia. Tất cả những điều đó không ngăn được người ta nhúng tay vào hành vi buôn lậu.
Hãng hàng không cho biết, họ đã tăng cường các biện pháp quản lý đội ngũ. Đối với những nhân viên vi phạm, họ xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật và quy định của ngành. Nhưng có một điều mà ít báo chí hay cơ quan quản lý nào nói đến, đó là những bài học kinh nghiệm mà các tiếp viên sau đó đã rút ra.
Đã có một số người trong họ nói với nhau: chắc có thằng nào “tố” đấy thôi! Không ai ngạc nhiên khi tiếp viên buôn lậu. Nhận thức về hành vi buôn lậu đã đi đến chỗ sơ đẳng hóa theo hướng bất tuân luật pháp, tức là chuyện buôn lậu là bình thường, thậm chí là đồng lõa, không thể bắt được nếu không có người “tố”. Kinh nghiệm là hãy coi chừng có ai đó trong bọn “tố”, chứ không phải là đừng làm bậy nữa, không phải là ai làm bậy đương nhiên sẽ bị bắt.
Nhận thức là một quá trình, vậy phải chăng quá trình nhận thức về hành vi buôn lậu này đã không được bắt đầu từ nền tảng luật pháp, mà chỉ từ lợi ích, bất kể lợi ích đó là phi pháp?
Cùng lúc, xảy ra chuyện công an vừa bắt gọn một đường dây người mẫu, diễn viên bán dâm với giá ngàn đô. Đường dây do một “nghệ sĩ” cầm đầu, núp bóng một công ty đào tạo người mẫu. Dư luận cũng đã thôi không còn ngạc nhiên với chuyện này nữa. Trước nay đã bao nhiêu hoa khôi, á khôi vướng vào cái bẫy đổi thân xác lấy tiền rồi. Không còn ai bất ngờ bởi người ta nghĩ rằng đây vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Trong cái thế giới bóng bẩy, phù hoa ấy, còn có cả cái bóng xám của ma túy. Bộ Công an vừa công bố năm 2014, con số người nghiện ma túy trên cả nước có hơn 204.000 người, tăng 42,7% so với năm 2010. Trong thành phần người nghiện, có cả người mẫu, học sinh, sinh viên, vận động viên, trí thức…
Điều làm người ta buồn, đó là họ đều trẻ, đều còn rất nhiều những cơ hội bước tiếp trên con đường nghề nghiệp. Phi công, tiếp viên hàng không, người mẫu, nghệ sĩ… là những nghề nghiệp được xã hội trân trọng, được tiếp cận với những cơ hội rộng mở, được không ít những người trẻ khác trong xã hội mơ tưởng, kỳ vọng. Nhưng một lần bị “khui” ra như thế này, sau đó có thể là tù tội, là vết tích không bao giờ gột rửa sạch, là dấu chấm hết cho một tuổi trẻ, thậm chí cho cả cuộc đời. Họ đã bán rẻ chính tương lai của mình.
Môi trường xã hội hiện đang tồn tại một nghịch lý. Mặt thứ nhất, người ta chú trọng dạy người trẻ những kỹ năng mềm, những chiêu thức để thể hiện mình. Cùng với truyền thông, người trẻ dễ dàng tạo ấn tượng, dễ dàng phô diễn bản thân. Từ đó họ dễ ảo tưởng mình có thể làm được tất cả, theo kiểu “em đẹp em có quyền”, “em trẻ em có quyền”...
Mặt thứ hai ít được quan tâm hơn nhưng đáng sợ hơn nhiều, đó là một môi trường mà mọi dấu vết của bạn đều có thể được lưu giữ bởi một trí tuệ nhân tạo khổng lồ và không khoan nhượng: mạng internet. Tuổi trẻ có quyền sai lầm, có quyền tự cho phép mình được phạm sai lầm, điều đó đúng thôi; nhưng mọi sai lầm của bạn đều được lưu vết.
Để quên đi một điều đã khó, để quên đi một người còn khó hơn gấp vạn lần, nhưng để mạng xã hội cùng với cộng đồng mạng quên đi một quãng đời, một scandal nào đó, thì nhiều công trình nghiên cứu đã cho biết là không thể. Trí nhớ mạng là một thực thể khủng khiếp tồn tại khách quan. Rất khó, gần như không thể sửa chữa.
Khi nhận thức về điều này sâu hơn, hay nhận thức đầy đủ về giá trị của cuộc sống này, chắc người ta sẽ giữ mình tránh xa những hành vi như buôn lậu, bán dâm hay nghiện ngập. Chỉ tiếc thay, thường khi đó người ta đã già mất rồi. Sinh lực, vẻ đẹp của tuổi trẻ là một nguồn sức mạnh, vì vậy nên những ngành nghề như hàng không, nghệ sĩ… cần đến tuổi trẻ, là đất của những người trẻ.
Tuy nhiên, có lẽ trong dạy nghề, phải dạy những người trẻ đừng bao giờ ảo tưởng là tất cả mọi sai lầm đều có thể sửa chữa bởi còn thời gian. Thay vì vậy, hãy chỉ cho họ xem những vết tích mà một nhóm “người trẻ xấu xí” đã để lại, biết đâu từ đó, họ sẽ sống đẹp hơn để xứng đáng với tuổi trẻ của mình.
LẬP PHƯƠNG