Người trẻ vẫn “bên chiến hào” giữ ngọn lửa truyền thống

03/05/2022 - 05:58

PNO - Tháng 4/2022, lần đầu tiên, hàng trăm tác phẩm bằng chì, bút sắt, mực đen, thuốc nước, phấn màu... ghi lại khoảnh khắc khói lửa chiến trường của cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông (1925-2015) được giới thiệu ở triển lãm Bên chiến hào - ký họa của Huỳnh Phương Đông tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Để có được triển lãm đặc biệt này, có phần công sức không nhỏ của hai bạn trẻ Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường.

“Lúc 15 tuổi, tôi tình cờ tìm được ba tập ký họa Miền Nam Việt Nam - Đất nước, Con người do Nhà xuất bản Giải phóng ấn hành năm 1967 trên kệ sách cũ. Trong đó, có những bản in tranh họa sĩ Huỳnh Phương Đông. Tôi đã lập tức chết mê những bức vẽ phong cảnh và chân dung của ông. Nhưng giấc mơ làm điều gì đó về người nghệ sĩ tài năng này chỉ thành hiện thực sau 25 năm. Tôi có duyên gặp lại những tác phẩm ngày ấy, và hơn cả mong đợi, tôi choáng ngợp khi được chạm vào những bản vẽ gốc”, Phạm Hoàng Việt nhớ lại.

Năm 2021, anh cùng cộng sự của mình là Nguyễn Hùng Cường kết nối được với gia đình họa sĩ. Họ bắt đầu hành trình đi vào miền ký ức mang tên Huỳnh Phương Đông, để bóc gỡ từng lớp “trầm tích” về con người, hoạt động kháng chiến và sự nghiệp sáng tác của ông. 

Phạm Hoàng Việt (bìa trái) và Nguyễn Hùng Cường (bìa phải) chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình họa sĩ Huỳnh Phương Đông tại buổi khai mạc triển lãm hôm 10/4 - ẢNH: QUỐC NGỌC
Phạm Hoàng Việt (bìa trái) và Nguyễn Hùng Cường (bìa phải) chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình họa sĩ Huỳnh Phương Đông tại buổi khai mạc triển lãm hôm 10/4 - ẢNH: QUỐC NGỌC

Nhiều thông tin chưa từng công bố

Dưới mắt chàng thanh niên 9X Nguyễn Hùng Cường, những bức vẽ của Huỳnh Phương Đông là những lát cắt độc đáo từ hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đó là hình ảnh những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi, hay những bà mẹ già, phụ nữ bồng con nhỏ… luôn trong tư thế sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ hình ảnh chiến đấu, ông còn có những bức tranh mô tả phong cảnh quê hương, những buổi sinh hoạt trong chiến khu, đêm hành quân trong rừng… khắc họa chân thật và sinh động con người và cuộc chiến.

“Cùng với tranh, tôi còn tiếp cận với những lá thư tay gói ghém lời nhắn nhủ, ý chí và lý tưởng về hòa bình của họa sĩ gửi cho gia đình. Đây là chuyến du hành về quá khứ một cách chân thật và vượt xa tưởng tượng của tôi so với những bài học lịch sử qua sách vở. Từ những bức ký họa của ông, tôi như gặp được những chiến sĩ cách mạng bằng xương bằng thịt. Trong hoàn cảnh rất hạn chế về phương tiện kỹ thuật thời đó, thì ký họa của Huỳnh Phương Đông đã trở thành “chiếc máy ảnh”. Các bức chân dung của ông lột tả trung thực đặc điểm, thậm chí cá tính và tâm trạng nội tại của các nhân vật”, Nguyễn Hùng Cường nói. 

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông (tên thật Huỳnh Công Nhãn) sinh ngày 22/4/1925 tại Bình Hòa (Gia Định). Năm 16 tuổi ông học Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định (École des Arts Appliqués de Gia-Dinh). 20 tuổi, họa sĩ gia nhập Hội Thanh niên Tiền phong tại Nam kỳ, và hoạt động bí mật tại Sài Gòn đến năm 1949. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc.

Giữa năm 1963, ông nhận nhiệm vụ vượt Trường Sơn vào công tác tại Phòng Hội họa Giải phóng, lấy bí danh là Huỳnh Phương Đông. Từ ngày 30/4/1975 đến khi qua đời năm 2015, ông vẫn dùng bí danh Huỳnh Phương Đông làm bút danh chính thức trong hoạt động nghệ thuật.

Cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông từng nói: “Tôi vẽ chân dung hàng trăm bạn bè và đồng chí - những chàng trai, cô gái còn rất trẻ, nhưng vô cùng dũng cảm trên chiến trường. Tôi có trách nhiệm gìn giữ kỷ niệm về họ...”. Điều này như một di chúc thôi thúc hai bạn trẻ ngoài quyết tâm tổ chức triển lãm, còn say mê thực hiện cuốn sách khá công phu Bí danh Huỳnh Phương Đông.

Cùng các bản in tranh ký họa, màu nước… tập sách do Nhà xuất bản Mỹ thuật TP.HCM phát hành chứa đựng nhiều thông tin chưa từng công bố như hình ảnh, thư tay thời chiến của họa sĩ, và những câu chuyện xoay quanh ông. Cuốn sách tiếp nối sứ mệnh gìn giữ, phổ biến những tư liệu quý về lịch sử và mỹ thuật mà họa sĩ và gia đình đã cất công sưu tập hơn 50 năm qua.

Cầu nối truyền thống với hiện tại
Đến tham dự triển lãm Bên chiến hào - ký họa của Huỳnh Phương Đông và ra mắt cuốn sách Bí danh Huỳnh Phương Đông của hai tác giả trẻ Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM - nói với Báo Phụ Nữ TP.HCM: “Thế hệ bạn trẻ ngày nay tư duy về chiến tranh không bi lụy, cũng không quá cường điệu. Các bạn tìm hiểu sâu về truyền thống và không thích nói về truyền thống như một kiểu hô khẩu hiệu, mà họ nhận thức được mình phải có trách nhiệm như thế nào với đất nước”. 

Ảnh tư liệu về họa sĩ Huỳnh Phương Đông
Ảnh tư liệu về họa sĩ Huỳnh Phương Đông

Theo bà, công trình của hai bạn trẻ Việt và Cường như một cầu nối giữa truyền thống với hiện tại và tương lai. Đó là điều may mắn cho quốc gia khi có những lớp người trẻ biết nghĩ cho đất nước, bằng chính nội lực của mình.

Hành trình tìm về quá khứ luôn là một con đường rất dài, nhưng câu chuyện về hai người bạn đau đáu với những mảng ký ức của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, cho thấy hành trình đó chắc chắn sẽ được rút ngắn, khi có ngày càng nhiều hơn sự chung tay của thế hệ trẻ. Phạm Hoàng Việt, Nguyễn Hùng Cường tìm hiểu và công bố các giá trị truyền thống cách mạng bằng chính sự đam mê và tâm huyết của mình. Từ họ, các giá trị đó trở nên sống động, và không còn là những tài liệu tuyên truyền suông. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI