Người trẻ và những thú vui “ngắn chẳng tày gang”

11/02/2025 - 06:03

PNO - Họ mua không chỉ vì cảm giác hồi hộp khi mở từng món đồ bí ẩn mà đó còn là cách để xoa dịu nỗi cô đơn trong cuộc sống hiện đại.

Trào lưu xé “túi mù”, sưu tập búp bê Baby Three (dân mạng hay gọi bé Ba), Labubu… luôn nóng trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ ghiền xem live stream, mua hàng, thử thách nhau mua, thức đêm săn sale… bất chấp lãng phí thời gian, tiền bạc.

Họ mua không chỉ vì cảm giác hồi hộp khi mở từng món đồ bí ẩn mà đó còn là cách để xoa dịu nỗi cô đơn trong cuộc sống hiện đại.

Liều thuốc trị… cô đơn

Mai Anh (27 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) đã dành nhiều tháng để theo đuổi thú vui sưu tập búp bê Labubu bằng cách mua các “hộp mù” (blindbox).

Mỗi lần xé hộp, Mai Anh lại hồi hộp chờ đợi bên trong sẽ xuất hiện nhân vật nào. Trong căn hộ nhỏ của gia đình cô, các kệ tủ và góc nhà đều chật kín búp bê Labubu. Nhiều người lầm tưởng cô nhập hàng về để kinh doanh, nhưng với cô, đây chỉ là cách để thoát khỏi cảm giác cô đơn trong cuộc sống.

“Thành quả” xé “túi mù” của chị Lê Hằng - Ảnh do nhân vật cung cấp
“Thành quả” xé “túi mù” của chị Lê Hằng - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cô chia sẻ: “Tôi không có nhiều mối quan hệ ngoài đời. Lúc rảnh, tôi thường chỉ ở nhà. Vì thế, những khoảnh khắc chờ đợi cùng sự bất ngờ mỗi khi mở hộp giúp tôi thấy cuộc sống đỡ tẻ nhạt”.

Giống như Mai Anh, không ít bạn trẻ khác cũng tìm đến các “hộp mù” như một cách giải tỏa cảm giác trống trải và áp lực của nhịp sống hiện đại. Lê Hằng (26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: chính cảm giác chờ đợi khi bóc từng chiếc “hộp mù” đã khiến chị bị cuốn hút. Hằng đến với trào lưu này từ những buổi xem live stream bóc hộp trên TikTok.

Ban đầu, chị đặt thử vài hộp vì tò mò, nhưng sau đó mua ngày càng nhiều. Hiện tại, Hằng sở hữu một bộ sưu tập đa dạng, từ các nhân vật hoạt hình, rau củ đến động vật, được bóc ra từ hàng trăm “túi mù”. Các món đồ được chị trưng bày khắp nhà như vật phẩm trang trí.

“Mỗi lần khui hộp xong, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và vui vẻ hẳn. Đó thực sự là một cách giải tỏa căng thẳng rất hiệu quả” - Hằng bày tỏ. Chị đang háo hức chờ các nhà sản xuất tung ra bộ sưu tập mới để tiếp tục đặt mua.

Anh Hải Triều (39 tuổi, kinh doanh bất động sản) than thở anh có cô người yêu hay “đu trend”. Khi Labubu bắt đầu sốt, cô nàng suốt ngày lướt mạng xem mẫu mã, giá cả. Biết người yêu thích, anh mua 1 con Labubu kích cỡ trung bình, giá gần 2 triệu đồng để tặng.

Đến khi có trào lưu Baby Three, anh Triều cũng mua 1 con tai thỏ màu vàng tặng người yêu. Sau một thời gian, không thấy cô nàng chơi nữa vì đã thích một con khác trong bộ sưu tập. Lúc đi chơi cùng nhau, bạn gái anh Triều cũng tích cực lướt TikTok xem các kênh bán “túi mù”, xem live stream chứ không quan tâm gì đến anh khiến anh ngán ngẩm.

Anh Tân - một người bán đồ chơi ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM) - chia sẻ: “Trước đây, cửa hàng chủ yếu bán đồ chơi cho trẻ em, nhưng khi khách hỏi nhiều về blindbox, chúng tôi bắt đầu nhập thêm các sản phẩm này, doanh thu từ đó tăng rõ rệt. Có ngày chúng tôi bán được 20-30 hộp, với giá từ 100.000-700.000 đồng/hộp, tùy dòng”.

Anh cho biết, nhiều khách hàng muốn mở hộp ngay tại cửa hàng để tận hưởng cảm giác bất ngờ. Một số người, sau khi khui hộp, đã mang các món đồ đi trao đổi hoặc bán lại, đặc biệt là các nhân vật hiếm, giá trị cao. Điều đó không chỉ giúp họ bù lại chi phí mà còn có thêm tiền để tiếp tục theo đuổi sở thích.

Tuy nhiên, trào lưu trên cũng mang đến những áp lực tài chính không nhỏ. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi tiền triệu, thậm chí vay mượn để mua các bộ blindbox cao cấp, nhằm sở hữu những món đồ hiếm. Nếu không biết kiểm soát, thú vui giải trí này dễ trở thành gánh nặng cho người chơi.

Việc xé túi mù và sưu tập búp bê Labubu không chỉ là một trào lưu mà còn là biểu hiện của hội chứng cô đơn phổ biến trong giới trẻ. Những món đồ nhỏ bé ấy mang đến niềm vui tạm thời, giúp họ thoát khỏi cảm giác trống trải, đơn điệu trong cuộc sống. Nhưng để nó thực sự trở thành một thú vui lành mạnh, điều quan trọng là mỗi người cần biết cân đối chi tiêu và tận hưởng thú vui trong khả năng tài chính của mình.

Nghịch lý kết nối ngụy tạo và mối quan hệ phân mảnh

Thạc sĩ Lê Thị Thảo Trang - giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường đại học Văn Lang - cho rằng, thế hệ Z đang trải qua một nghịch lý về “kết nối ngụy tạo” (pseudo-connection) trong kỷ nguyên số. Sự bùng nổ của mạng xã hội đã tạo ra ảo giác về sự kết nối liên tục, nhưng thực tế chất lượng tương tác suy giảm nghiêm trọng. “Công nghệ khiến người trẻ duy trì nhiều mối quan hệ bề mặt, hời hợt thay vì xây dựng các kết nối thực tế và có chiều sâu” - chị nhận định.

Theo báo cáo của Statista năm 2023, thế hệ Z tại Việt Nam dành khoảng 2-4 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội, cao hơn các thế hệ khác. Điều đó dẫn đến hiện tượng “phân mảnh mối quan hệ” khi thời gian dành cho các tương tác thực tế bị giảm bớt, làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn và thiếu kết nối.

Các phiên live stream túi mù hấp dẫn người xem - Ảnh chụp màn hình
Các phiên live stream túi mù hấp dẫn người xem - Ảnh chụp màn hình

Trong trào lưu xé “túi mù” nổi bật của giới trẻ hiện nay, cảm giác hồi hộp khi không biết trước mình sẽ nhận được món đồ gì giúp người chơi tạm quên đi nỗi cô đơn. Tuy nhiên, theo lý thuyết củng cố của nhà tâm lý học B. F. Skinner, sự kết hợp giữa yếu tố bất ngờ và nhu cầu giải tỏa cảm xúc nhất thời có thể gây nghiện, dẫn đến việc lạm dụng hoạt động này như một cách đối phó không bền vững.

Thạc sĩ Thảo Trang cho biết: “Việc tham gia các trào lưu tiêu dùng như xé “túi mù” phản ánh nhu cầu tìm kiếm cảm giác thỏa mãn ngắn hạn. Nhưng điều này không thay thế được sự kết nối sâu sắc và ý nghĩa trong các mối quan hệ thật sự”.

Để giải quyết cảm giác cô đơn, thạc sĩ Thảo Trang khuyến nghị các bạn trẻ cần ưu tiên xây dựng các kết nối sâu sắc và thực tế. Các phương pháp cụ thể bao gồm:

Phát triển kỹ năng giao tiếp và đồng cảm: Thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với người khác giúp tạo nên các mối quan hệ bền vững. Đây là kỹ năng cần thiết để đối phó với cảm giác cô đơn.

Thực hành chánh niệm: Giúp cải thiện khả năng tự nhận thức và quản lý cảm xúc, giảm căng thẳng và xây dựng sự ổn định cảm xúc trong cuộc sống.

Tăng cường giao tiếp trực tiếp: Việc tham gia các hoạt động cộng đồng, các câu lạc bộ hoặc hoạt động tình nguyện giúp giới trẻ kết nối với những người có cùng sở thích và xây dựng mối quan hệ thực sự.

Tham gia hoạt động sáng tạo: Những hoạt động như viết lách, vẽ tranh… không chỉ tạo cảm giác thỏa mãn cá nhân mà còn kết nối những người trẻ với cộng đồng cùng đam mê.

Chuyển 50 triệu đồng mua và xem live stream xé 2.000 túi mù

Vừa qua, sự kiện một tiktoker với 5,5 triệu người theo dõi đã live stream khui 2.000 túi mù khiến dân tình xôn xao. Trong live stream, tiktoker cho biết: một khách hàng chuyển cho anh 50 triệu đồng để mua và xem anh khui túi mù. “Phen này anh tàn canh, sụm nụ với 2.000 túi mù rồi” - một bạn trẻ bình luận và cho biết mình thức đến 1 giờ sáng để xem rồi ngủ quên. Bạn khác bình luận: “Mai mốt khui 10.000 túi luôn anh ơi”.

Những phiên live stream xé túi mù với số lượng lớn không hiếm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến túi mù trở thành hiện tượng mạng. Trong live stream gần đây, một tiktoker khui 1.000 túi mù hình rùa, xé liên tục từ trưa đến 17 giờ. Cộng đồng mạng ước tính số túi mù này tốn cỡ 15 triệu đồng.

Có những phiên live stream khách vào đặt hàng, còn chủ kênh khui túi trực tiếp. Chẳng hạn khách bình luận mua bộ 6 túi với giá 50.000 đồng và để người bán khui trực tiếp. Khách chọn 1 con với nguyện vọng màu tùy thích.

Lúc người bán xé, nếu 2 con liên tiếp có màu giống nhau thì gọi là “trúng”, được xé tiếp cho đến khi nào hết trùng màu thì thôi. Khi chơi trò chơi này, có trường hợp khách may mắn: mua 6 túi mà cuối cùng nhận được… 91 túi.

Thành Vũ - Dương Lạc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI