Người trẻ và cuộc chiến với bệnh ung thư

04/12/2024 - 20:10

PNO - Kang Min-ji mới ngoài 30 tuổi, năng động, không hút thuốc và chỉ thỉnh thoảng uống rượu bia. Thế giới của cô đã “tan vỡ” vào tháng 7/2022, sau khi cô được phát hiện mắc ung thư tuyến giáp và u não.

Trường hợp của Min-ji nêu bật một xu hướng đáng lo ngại: tỉ lệ mắc ung thư đang dần tăng lên ở những người trẻ tuổi.

Năm 2017, nam diễn viên Kim Woo-bin mắc ung thư vòm họng ở tuổi 28 và bác sĩ nói anh chỉ còn sống được 6 tháng. Dù vậy, anh quyết định chiến đấu đến cùng và đã khỏi bệnh sau 2 năm điều trị.

Báo cáo phân tích dữ liệu sức khỏe toàn cầu công bố trên Tạp chí BMJ Oncology dự đoán tỉ lệ ung thư khởi phát sớm sẽ tăng 30% trong giai đoạn 2019-2030. Theo dữ liệu của Dịch vụ Đánh giá và xử lý bảo hiểm y tế Hàn Quốc, số ca chẩn đoán ung thư ở độ tuổi 20 và 30 đang gia tăng ở nước này; trong đó, ung thư trực tràng là phổ biến nhất. Số lượng bệnh nhân ung thư ở độ tuổi 20 tăng 26% trong giai đoạn 2016-2021, lên 25.384 trường hợp. Số ca mắc mới ở những bệnh nhân ngoài 30 tuổi tăng 7% trong cùng kỳ, trong khi tỉ lệ gia tăng ca bệnh ở độ tuổi 40 và 50 lần lượt là 9% và 8%. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe liên kết tỉ lệ ung thư gia tăng trong dân số nói chung và khả năng phát triển ung thư ở những người trẻ tuổi với tình trạng căng thẳng quá mức, sự gia tăng các hộ gia đình chỉ có 1 người cũng như lối sống thiếu lành mạnh.

Lourdes Monje giữ lại vòng tay bệnh viện, giấy tờ, các lọ thuốc như những lời nhắc nhở  về căn bệnh ung thư vú di căn - ẢNH: CAROLINE GUTMAN (NPR)
Lourdes Monje giữ lại vòng tay bệnh viện, giấy tờ, các lọ thuốc như những lời nhắc nhở về căn bệnh ung thư vú di căn - Ảnh: CAROLINE GUTMAN (NPR)

Shin Hyun-Young - giáo sư y học gia đình tại Bệnh viện Seoul St. Mary - cho biết, thói quen ăn uống của những người trẻ tuổi sống một mình thường bao gồm những sản phẩm đóng gói, thực phẩm chế biến và các bữa ăn chế biến sẵn tại cửa hàng tiện lợi. Bác sĩ Shin cảnh báo: “Làm việc ca đêm và tụ tập sau giờ làm việc để thưởng thức đồ uống có cồn là cực kỳ có hại và thậm chí có thể gây thêm áp lực cho cơ thể. Căng thẳng có thể góp phần gây ra những thay đổi ở cấp độ tế bào, khiến các tế bào khỏe mạnh trở thành tế bào ung thư. Ngoài ra, các yếu tố môi trường như bức xạ cũng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư”.

4 năm trước, Lourdes Monje (25 tuổi) đã nghỉ việc tại New York (Mỹ) và dọn đến căn hộ của chị gái ở TP Philadelphia, bang Pennsylvania để chuẩn bị chuyển sang nghề giáo viên. Nhưng vào một buổi sáng cuối tháng 10/2020, Monje cảm nhận được khối u lạ ở ngực trái. Kết quả của nhiều lần khám bệnh, chụp ảnh, sinh thiết cho thấy bệnh ung thư vú của Monje đã di căn và tạo thành các đốm trên phổi. Việc trải qua nhiều đợt điều trị khiến Monje rơi vào tình trạng kiệt quệ về thể chất, nội tiết tố, sự nghiệp và cảm xúc. Công việc giảng dạy của Monje cũng gặp khó khăn lớn do tác dụng phụ của việc điều trị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Monje gần đây đã bắt đầu làm việc bán thời gian, dạy kỹ năng máy tính cho những người nhập cư. Căn bệnh ung thư giúp cô tập trung sự chú ý vào những điều làm cho cuộc sống trở nên quý giá, như bữa tối gia đình và thời gian chơi với các cháu. Monje nói: “Căn bệnh khiến tôi cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều với cuộc sống so với trước đây. Tôi mất đi một phần cơ thể nhưng giá trị mà tôi cảm nhận từ cuộc sống đã tăng lên”.

Linh La (theo Korea Herald, UChicago Medicine, NPR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI