Người trẻ Trung Quốc ngại về quê ăn tết

12/02/2024 - 12:46

PNO - Suy thoái kinh tế, thất nghiệp, nợ nần chồng chất là rào cản khiến hàng trăm thanh niên Trung Quốc không muốn về quê ăn tết cùng gia đình.

Tết Nguyên đán là dịp người dân Trung Quốc đi làm xa nhà quay trở về quê ăn Tết cùng gia đình tạo nên đợt xuân vận lớn nhất trên thế giới - Ảnh:
Tết Nguyên đán là dịp người dân Trung Quốc đi làm xa nhà quay trở về quê ăn tết cùng gia đình tạo nên đợt "xuân vận" lớn nhất trên thế giới - Ảnh: Xinhua 

Tết Nguyên đán là thời điểm diễn ra đợt di cư hàng năm lớn nhất thế giới ở Trung Quốc, được biết đến với tên “xuân vận”.

Hàng trăm triệu người lao động ở Trung Quốc đồng loạt rời các thành phố lớn để trở về quê nhà tại các thị trấn và vùng nông thôn để đoàn tụ với người thân dịp tết Giáp Thìn 2024 kéo dài 8 ngày.

Thế nhưng năm nay, anh Yuwen, 33 tuổi, không còn cảm giác hào hứng khi quay về quê ăn tết bởi nỗi ám ảnh nặng nề khi phải đối diện với việc người thân “tra hỏi” về tình hình công việc, thu nhập và những điều riêng tư khác trong cuộc sống của anh ở nơi phố thị.

“Bố mẹ đã biết tôi thất nghiệp suốt mấy tháng nay và luôn động viên tôi cố gắng. Tuy nhiên, ông bà đồng ý với tôi về việc không tiết lộ điều này với bà con xóm giềng nếu được hỏi” - anh Yuwen chia sẻ. Anh cũng cho biết sẽ chỉ ở nhà 3 ngày rồi quay lại thành phố thay vì ăn tết cùng gia đình cả tuần như các năm trước.

Có hàng trăm thanh niên như anh Yuwen đã quyết định rút ngắn thời gian nghỉ lễ ở quê nhà, hay thậm chí không về quê ăn tết năm nay. Phần lớn trong số đó đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.

Tình trạng lao động trẻ thất nghiệp tăng cao ở Trung Quốc - Ảnh: Xinhua
Tình trạng lao động trẻ thất nghiệp tăng cao ở Trung Quốc - Ảnh: Xinhua

Số liệu thống kê được công bố chính thức cuối năm 2023 cho thấy, hơn 1/5 cư dân đô thị trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở Trung Quốc đang thất nghiệp, chiếm 14,9%.

Sau nhiều thập kỷ đạt tốc độ tăng trưởng chóng mặt, nền kinh tế của Trung Quốc đang mất đà. Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đã không đạt được như kỳ vọng, thị trường bất động sản sụp đổ, doanh nghiệp tư nhân bị o ép, căng thẳng thương mại với các nước phương Tây càng khiến cho bức tranh kinh tế của quốc gia đông dân nhất hành tinh thêm u ám.

Anh Yuwen là nạn nhân điển hình của suy thoái kinh tế dẫn đến tình trạng thất nghiệp trên diện rộng ở Trung Quốc.

“Tôi đã gửi hồ sơ xin việc hơn 1.000 lần trong suốt 6 tháng qua nhưng vẫn không hề nhận được lời mời nào dù đã hạ thấp mức lương mong đợi. Giờ đây, tôi không còn giữ được bình tĩnh khi tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn” - anh Yuwen nói.

Anh Qingfeng, một huấn luyện viên thể hình tại Thâm Quyến, đã quyết định đi du lịch một mình thay vì về quê ăn tết cùng gia đình.

“Tôi phải nói dối với bố mẹ là không mua được vé tàu xe về nhà. Thật xấu hổ” - anh Qingfeng chia sẻ.

Chàng thanh niên 28 tuổi này làm việc tại một công ty thương mại nước ngoài với mức lương 4.500 nhân dân tệ (khoảng 15 triệu đồng)/tháng. Tuy nhiên, tiền thuê nhà ở Thẩm Quyến mỗi tháng đã ngốn hết của anh 1.500 nhân dân tệ (khoảng 5 triệu đồng), chưa kể các chi phí cần thiết khác.

Mới đây, do công ty thiếu đơn hàng nên anh đành tạm thời chuyển sang làm cho một phòng gym để duy trì cuộc sống đắt đỏ ở thành phố lớn này.

“Tôi còn không biết có giữ được công việc này trong bao lâu khi lượng khách đến phòng tập ngày càng giảm sút do tình hình kinh tế khó khăn. Nhiều phòng tập lớn trong vùng đã phải đóng cửa vì nợ nần chồng chất” - anh Qingfeng nói với vẻ lo lắng cho những ngày sắp tới khi kỳ nghỉ tết Nguyên đán kết thúc.

Tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều người trẻ không còn mong ngóng ngày Tết - Ảnh: EPA
Tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều người trẻ không còn mong ngóng ngày tết - Ảnh: EPA

Nguyễn Thuận (theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI