Người trẻ trầm cảm, tự ti vì mắc vảy nến

02/11/2024 - 05:54

PNO - Mỗi tháng, Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận, điều trị từ 4.300-4.600 lượt bệnh nhân bị bệnh vảy nến. Trong đó có không ít người trẻ, bệnh nhi. Bệnh không chỉ gây đau đớn mà còn khiến bệnh nhân trầm cảm, rối loạn lo âu…

Cứ vài tháng bệnh lại bùng lên

N.D.G. (17 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh vảy nến thể mảng. Ở cánh tay, bắp chân của G. nổi các mảng đỏ, sần sùi, sau đó khô lại, nổi vảy trắng, ngứa ngáy… “Sau khi uống, bôi thuốc do bác sĩ kê đơn, da em lành lặn lại, nhưng rồi lại bị trở lại 2-3 lần/năm. Mỗi lần bị đều để lại vài vết sẹo do em gãi nhiều. Hiện em bị nổi ở mặt, cổ nên rất mất tự tin, có cảm giác như các bạn luôn nhìn vào đó” - G. tâm sự.

Bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi - Bệnh viện Da liễu TPHCM - thăm khám, tư vấn cho người bệnh
Bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi - Bệnh viện Da liễu TPHCM - thăm khám, tư vấn cho người bệnh

Muốn sớm hết bệnh, G. lên mạng mua loại thuốc gia truyền được người bán hứa hẹn điều trị dứt điểm. Không ngờ khi dùng thuốc, em bị biến chứng, vảy nến bùng phát, gây đỏ da toàn thân kèm viêm khớp vảy nến. Các khớp ngón tay, chân sưng phù, đau nhức nên G. phải tiếp tục vào bệnh viện điều trị. Ngoài chữa bệnh, bác sĩ còn tư vấn tâm lý, giúp em lấy lại cân bằng bởi em có dấu hiệu trầm cảm, u uất… Bệnh của G. đang được kiểm soát, nhưng việc điều trị sẽ khó khăn nếu em vẫn tiếp tục dùng thuốc trôi nổi.

Nhìn đôi tay sưng phù, đỏ ửng, từng mảng vảy bong tróc, N.T.N.T. (22 tuổi, ở TP Cần Thơ) buồn bã: “Đợt này lâu, đau nhiều hơn trước”. T. cho hay, mấy năm trước, do mặc cảm bệnh tật nên đã không học đại học. Nghe ở đâu chữa được vảy nến cô đều tìm đến, nhưng tiền dần hết mà bệnh ngày một nặng hơn. T. kể: “Cứ 2-3 tháng, bệnh lại bùng lên, lần sau mệt hơn lần trước. Bây giờ, chỉ cần ra nắng, người tôi lại nóng rát, ngứa ngáy, đỏ ửng”.

Do cần tiền ở lại TPHCM để điều trị nên T. không ngại bất kỳ công việc gì. Tuy nhiên, cô rất khó có việc làm ổn định. T. chia sẻ: “Ban đầu, tôi làm ở quán ăn, cô chủ thương lắm nhưng khách ăn không ngon miệng. Sợ phiền chủ, tôi xin nghỉ, đi bán vé số nhưng người ta sợ không mua. Bây giờ, tôi đi nhặt ve chai, rửa chén, ai thuê gì làm đó”.

Bệnh nhân cần sự động viên, chia sẻ

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TPHCM - cho biết, vảy nến là bệnh mạn tính, liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch của cơ thể, yếu tố di truyền và môi trường. Bệnh thường xuyên tái phát. Các phương pháp điều trị chỉ giúp kiểm soát triệu chứng chứ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu bệnh nhân tuân thủ chỉ định của bác sĩ sẽ giúp kiểm soát bệnh, hạn chế tái phát.

Ở trạng thái bình thường, các tế bào da cũ sau khi chết đi sẽ bong ra và được thay thế bởi các tế bào da mới. Nhưng đối với bệnh nhân mắc vảy nến, sự tăng sinh tế bào khiến các tế bào da cũ và mới không kịp thay đổi, tích tụ lại một chỗ, tạo thành những mảng dày, có vảy trắng, hay các mảng vảy đỏ, gây ngứa ngáy khó chịu. Có người còn bị đau, viêm khớp… Mục tiêu chính của các biện pháp điều trị là giảm viêm, kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp người bệnh ngăn ngừa và hạn chế biến chứng.

“Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh vảy nến. Do bệnh gây tổn thương da từng mảng, da đỏ, sần sùi càng làm cho người bệnh mất tự tin khi giao tiếp, vui chơi giải trí. Đặc biệt, trẻ em, thanh thiếu niên càng dễ bị tổn thương, khó cân bằng cảm xúc, khó khăn trong học tập… Người bệnh còn phải đối mặt với áp lực về kinh tế khi chi phí điều trị khá cao và kéo dài. Bệnh nhân cũng rất khó duy trì một mối quan hệ thân thiết, khó lập gia đình, ảnh hưởng cuộc sống hôn nhân” - bác sĩ Uyển Nhi cho biết. Vảy nến là bệnh lành tính, không lây nhiễm. Người bệnh cần được giúp đỡ, tạo điều kiện để điều trị, làm việc. Sự động viên, chia sẻ từ mọi người mang ý nghĩa rất lớn với bệnh nhân.

Nếu được chẩn đoán bị vảy nến, bệnh nhân cần giữ được tinh thần ổn định, không lo lắng quá mức, không tự ý uống thuốc mà hãy dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, giữ vệ sinh da, thân thể, tránh để da bị khô, tổn thương. Không hút thuốc lá, rượu bia sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI