LTS: Tuổi trẻ của bạn có gì? Bạn đã làm gì cho tuổi trẻ của mình? Bạn đã dành cả thanh xuân vào việc gì? Không khó để mỗi ngày đập vào mắt chúng ta những dòng chữ ấy. Tuổi trẻ thường hoang mang đi tìm chính mình. Quanh bạn vẫn còn những người trẻ ngày đêm đốt thời gian ở những tiệm game, gật gà ngủ gục. Quanh bạn vẫn còn những con người vật vờ không biết mình sẽ làm gì cho hết thời gian. “Mình là ai?” - khắc khoải của Naoko ở hồi kết của tiểu thuyết Rừng Na Uy trong hoảng loạn và bế tắc cùng cực - là câu hỏi của rất nhiều người trẻ.
Thật may, những nhân vật mà Phụ Nữ Chủ Nhật có dịp trò chuyện qua chuyên đề tuần này đều là những người trẻ hiểu rõ bản thân, hiểu mình phải làm gì để thanh xuân không trôi qua trong hoài phí. Họ sống với những hoài bão, những khát khao vượt qua số tuổi của mình. Chúng ta có quyền hy vọng ở họ - những người trẻ dám sống, dám liều, dám dấn thân... chính là những người mai này sẽ tô đậm hai chữ Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Ảnh minh họa
Trước câu hỏi giá trị chất xám của Việt Nam đang đứng ở tầm nào của thế giới, câu trả lời khá lộn xộn và hẳn là không vui. Việt Nam có số lượng giáo sư cao ngất ngưởng, nhưng ngược lại, số đề tài, sáng kiến khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế luôn đứng cuối hàng.
Số lượng trường đại học ở Việt Nam không thua kém ai nhưng chưa từng có trường nào được xếp vào hàng top của thế giới hay châu lục, dù không ít trường sở hữu bề dày truyền thống trên dưới 100 năm. Thế nhưng, trong các kỳ thi danh giá thế giới dành cho lớp trẻ, việc giới trẻ Việt Nam đoạt giải thưởng, thậm chí giải cao nhất là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Năm 2016, tạp chí Forbes đã công bố chính thức “Danh sách những gương mặt dưới 30 tuổi tiêu biểu toàn châu Á” ở các ngành nghề khác nhau. Trong danh sách đề cử được xem là uy tín nhất nhì thế giới này lại có 7 cái tên người Việt thuộc nhiều lĩnh vực. Bảy gương mặt ấy chỉ là nhóm nổi bật được Forbes lựa chọn trong hàng ngàn hàng vạn tấm gương thành công của những người trẻ Việt Nam mà con đường, cách đi đến thành công của họ rất độc đáo và độc lập.
Như “kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên” ở lứa tuổi đôi mươi đã sở hữu siêu kỷ lục 8 huy chương vàng tại SEA Games 28, hai lần đăng quang ở Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật châu Á. Dường như tuổi thơ nhọc nhằn bên rổ bánh bò, bánh chuối đã hun đúc nên nghị lực của cô gái miền Tây chân chất, đưa Ánh Viên đến vinh quang. “Châm ngôn sống của tôi là luôn luôn phải cố gắng để không bị người khác khinh rẻ”, Ánh Viên từng trải lòng trong một lần trả lời phỏng vấn.
Và tôi, mỗi lần nhắc đến cô gái ấy, lại nhớ ngay đến những giọt nước mắt của Ánh Viên trên đấu trường quốc tế cách đây hai năm. Khi đó, dù vượt xa các đối thủ và giành giải vô địch, Ánh Viên vẫn rơi nước mắt vì… thua cuộc trước chính mình. Vượt qua chính mình cũng là cách giúp cô gái miền Tây chân chất ấy ngày càng tiến xa, để trở thành một cái tên được các nước trong khu vực nhìn vào ngưỡng mộ.
Mới cách nay vài tháng, tiền vệ Lương Xuân Trường, đội trưởng U23 Việt Nam, đã trở thành thần tượng mới của biết bao người mê bóng đá, đặc biệt là các cô gái trẻ. Cùng với những đồng đội thân thiết của mình, chàng cầu thủ ấy dường như đã mang đến một cái nhìn ấm áp, bao dung và tràn đầy tinh thần lạc quan cho người hâm mộ; khiến chúng ta tin rằng, bóng đá Việt Nam đang thực sự bước sang chương mới.
Và nhìn hình ảnh Trường chững chạc, tự tin trả lời bằng tiếng Anh lưu loát các câu hỏi trong một chương trình giao lưu trên sóng VTV4, tôi chắc chắn rằng, không ít khán giả hâm hộ cũng như tôi, đi từ bất ngờ, tự hào đến tràn trề hy vọng trước hình ảnh một lứa cầu thủ trẻ măng của Việt Nam không chỉ đá giỏi, điển trai, chín chắn so với tuổi mà còn sở hữu khả năng ngoại ngữ đáng mơ ước - hoàn toàn đủ tầm để vươn ra thế giới. Thì đấy, minh chứng gần gũi nhất là tuy chỉ giành được ngôi á quân nhưng U23 Việt Nam đã ẵm gọn giải chơi đẹp nhất tại mùa giải U23 châu Á 2018.
Cũng có thể kể đến chàng trai Nguyễn Chí Linh, tuy không sở hữu bảng thành tích dày dặn hay được nhiều người biết đến như các nhân vật vừa kể trên nhưng đang là cây bút du ký “đắt hàng” trên nhiều tờ báo hiện nay. Trong khi Huyền “Chip” ồn ào một đoạn với Xách ba lô lên và đi thì Nguyễn Chí Linh âm thầm mải miết đi hàng chục năm qua và đến nay anh đã kịp đặt chân đến 90 quốc gia.
Cách đi của Linh cũng rất đặc biệt, anh không cưỡi ngựa xem hoa mà lần dò đến tận cùng những tầng sâu văn hóa lịch sử của điểm đến. Trong năm 2018 này, dư luận chắc hẳn sẽ sôi động với ba đầu sách mới của anh, mở đầu cho series sách du lịch khám phá - một thể tài hấp dẫn người đọc Việt Nam.
Ảnh minh họa
Rõ ràng giới trẻ hiện nay đã và đang đi trên những đôi hia bảy dặm so với các thế hệ trước; tạo được những dấu ấn, tiếng vang trong nước và quốc tế. Thành công của họ cũng đa dạng từ kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ… Điểm tựa, điều kiện nào đã cho họ sự thăng hoa như thế?
Điều dễ nhận thấy nhất là thế hệ trẻ này sinh ra sau chiến tranh, sau những khó khăn đói kém của thời bao cấp và lớn lên trong điều kiện đất nước hội nhập phát triển. Môi trường kinh tế xã hội phù hợp là khu vườn tốt cho cây trái đơm hoa. Tất cả các tấm gương thành đạt ấy đều xuất phát từ giá trị của tri thức, tất cả đều tốt nghiệp ở các đại học ưu tú trong hoặc ngoài nước. Đó là xuất phát điểm khá tốt so với các thế hệ trước.
Internet và nền kinh tế toàn cầu hóa là đôi cánh giúp thế hệ trẻ bay nhanh và bay cao đến đỉnh thành công. Trong điều kiện ấy, dù ở trong hay ngoài nước, với vốn ngoại ngữ khả dĩ, với quyết tâm học hỏi, nghiên cứu, thế hệ trẻ dễ dàng tiếp cận khối lượng kiến thức khổng lồ của nhân loại và tạo lập cho mình một con đường đi riêng bằng kỹ năng, sự sáng tạo… Những yếu tố vật chất như tiền bạc, đất đai, công cụ sản xuất không còn là trở ngại, ràng buộc cho bước đầu khởi nghiệp.
Sóng lớp sau trùm lên lớp trước là điều đáng mừng. Thành công của thế hệ trẻ độc lập, sáng tạo như đã nêu là điều đáng để cho các thế hệ đi trước, những nhà quản lý cả tầm vĩ mô lẫn vi mô suy nghĩ đổi mới chính sách đầu tư nguồn nhân lực, chính sách khuyến khích người tài.
Người trẻ không thích nhận tiền như sự bố thí, ban ơn vì thật sự họ có thể tạo ra số tiền và những lợi ích lớn hơn một cách độc lập. Người trẻ cũng không muốn phải nghe những lời dạy dỗ phủ dụ của cấp trên khi họ đã đứng trên đỉnh cao tri thức có thể tự quyết đoán mọi việc bằng phương pháp tư duy hiện đại hơn. Điều mà người trẻ cần chính là môi trường sống, môi trường làm việc lành mạnh để phát triển tài năng.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.