Người trẻ nói về công đức của phụ nữ Việt Nam

16/11/2016 - 14:33

PNO - Chiều 12/11, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức vòng chung kết cuộc thi viết và thuyết trình “Công đức của người phụ nữ Việt Nam”.

Chiều 12/11, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức vòng chung kết cuộc thi viết và thuyết trình “Công đức của người phụ nữ Việt Nam”. Thí sinh hầu hết còn rất trẻ, đã khắc họa lên hình ảnh người phụ nữ (PN) Việt Nam dịu dàng, chân chất mà mạnh mẽ, bản lĩnh.

Thuyết trình về nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, thí sinh Hồ Thị Thanh Thảo (Trường THPT Củ Chi, H.Củ Chi, TP.HCM) nhận định: “Ở bà, tôi thấy đức tính thông minh, cương trực, nghĩa tình của người Quảng Nam (nguyên quán của bà Nguyễn Thị Bình) và bóng dáng cô gái miền Tây duyên dáng, chân chất (bà Bình sinh tại Đồng Tháp).

Ở bà, tôi thấy khí phách của Hai Bà Trưng cưỡi voi giết giặc; cái dáng hiên ngang của chị Nguyễn Thị Minh Khai trước quân thù; sức mạnh kiên cường của nữ tướng Nguyễn Thị Định; sự dịu dàng, đôn hậu của một người bà, người mẹ Việt Nam…”.

Nguoi tre noi ve cong duc cua phu nu Viet Nam
Ban giám khảo chụp hình lưu niệm cùng thí sinh.

Còn thí sinh Lê Thị Linh (Trường Mầm non 1, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khiến cả hội trường xúc động khi kể lại cuộc đời đau thương mà oai hùng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trung tá Ngô Thị Tuyển, người được mệnh danh là “bông hồng thép xứ Thanh”.

Sáng 4/4/1965, Mỹ huy động hàng trăm máy bay, điên cuồng trút bom đạn xuống cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Lúc đó, đạn pháo 37 ly trên tàu gần cạn kiệt, nếu ta ngừng bắn trả dù chỉ một phút thì cầu Hàm Rồng có thể bị phá hủy. Trong tình thế cấp bách, cô gái Ngô Thị Tuyển quyết định nhờ đồng đội nâng hai hòm đạn (nặng 98kg) lên vai, băng qua hào sâu, dưới mưa bom để tiếp đạn cho bộ đội.

Hồi ấy, bà mới 19 tuổi, cân nặng 42kg. Cưới nhau ngày 28 tết Bính Ngọ (năm 1966), đến mùng 2 tết, chồng bà - liệt sĩ Bùi Xuân Thu - nhận lệnh sang Lào chiến đấu rồi vĩnh viễn không về.

Khi đất nước thống nhất, bà gá nghĩa cùng anh bộ đội Nguyễn Văn Nụ. Không thể sinh con, vợ chồng bà nhận nuôi con gái của đồng đội cũ đã hy sinh. Giờ đây, ở tuổi ngoài 70, bà vẫn sẻ chia lương hưu để hỗ trợ người nghèo, mua quà tặng học sinh hiếu học tỉnh Thanh Hóa.

“Nữ anh hùng ấy, hôm nay vẫn sống đầy ắp tình thương, sẻ chia và can đảm. Là người con xứ Thanh, tôi tự hào về bà, biểu tượng của ý chí chiến đấu quật cường trong mưa bom bão đạn và lối sống nghĩa tình giữa đời thường”, thí sinh Lê Thị Linh chia sẻ.

Thí sinh Đặng Nguyễn Phương Ngân (Trường tiểu học Minh Đạo, Q.5, TP.HCM) đúc kết: “PN Việt Nam vẫn kiên cường qua bao thế hệ từ xưa đến nay, từ thời chiến tới thời bình. Họ hăng hái lao động sản xuất, họ ân cần, đảm đang với gia đình, bếp núc nhưng “giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”.

Trong khi đó, thí sinh nam Trương Phương Toàn (Ban chỉ huy quân sự P.15, Q.4, TP.HCM) khi kể về 10 nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) đã tâm đắc: “Tôi khâm phục những người PN tham gia bảo vệ quê hương. Họ gan góc, can trường, họ cũng dịu dàng, đằm thắm rất Việt Nam”.

Vòng chung kết kéo dài đến hơn 19 giờ. Là thí sinh cuối cùng bước lên sân khấu, Lâm Tuyết Hoa (SN 2001, học sinh lớp 10 Trường THPT An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) bật khóc khi cùng các bạn học cất cao lời bài hát Mẹ yêu “Dắt con đi qua bao nỗi đau là mẹ yêu/ Tiếng con yêu gọi tên suốt đời là mẹ yêu/ Mẹ đừng mãi ra đi cho con mồ côi, ơi mẹ yêu…”.

Tuyết Hoa thổ lộ: “Đến với cuộc thi, em biết thêm nhiều gương sáng PN; dù trong chiến đấu hay trong thời bình, họ đều đã sống hết mình, cống hiến và hy sinh trọn vẹn cho gia đình, cho quê hương, đất nước”.

Đại diện Ban giám khảo, nhà văn Trầm Hương đánh giá: “Không chỉ cán bộ, hội viên PN mà nhiều nam thanh niên, học sinh, giáo viên mầm non cũng viết bài tham gia cuộc thi. Ở vòng chung kết, thí sinh có sự đầu tư công phu cả về nội dung bài viết lẫn hình thức thể hiện. Đây sẽ là bước đệm để Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ xem xét tổ chức những cuộc thi có ý nghĩa tương tự, với quy mô lớn hơn”.

Theo Ban tổ chức cuộc thi, chỉ sau hơn hai tháng phát động (20/8 - 12/11/2016), đã có gần 800 bài viết dự thi, trong đó có 20 bài xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết. Bên cạnh câu chuyện về những PN mà cuộc đời và sự nghiệp đã trở thành huyền thoại như Hai Bà Trưng, Huyền Trân công chúa, chị Võ Thị Sáu, chị Nguyễn Thị Minh Khai, nữ tướng Nguyễn Thị Định… các thí sinh còn kể về thương binh nghèo Nguyễn Thị Huệ vận động xây dựng 45 căn nhà tình nghĩa, doanh nhân Phạm Thị Huân, Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù Nguyễn Hướng Dương…

Kết quả, thí sinh Đặng Nguyễn Phương Ngân (giáo viên Trường tiểu học Minh Đạo, Q.5, TP.HCM) đoạt giải nhất; thí sinh Hồng Thị Tường An (giáo viên Trường tiểu học Chi Lăng, Q.Tân Bình, TP.HCM) giải nhì.

Mẫn Nhi
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI