Người trẻ ngày càng thấy trách nhiệm đối với hành tinh

20/07/2022 - 07:00

PNO - Thế hệ Millennials - thiên niên kỷ (sinh 1980 - 2000) và Z (1996 - 2012) đã phải lớn lên trên một hành tinh rất khác biệt so với cha mẹ mình ngày trước. Bắt đầu là nỗi lo lắng lớn về biến đổi khí hậu và sau đó dần dần là những phản ứng tích cực hơn…

Mối lo về biến đổi khí hậu lan rộng 

Katie Cielinski và Aaron Regunberg thuộc thế hệ “thiên niên kỷ” sống ở Rhode Island (Mỹ), tự coi mình như những nạn nhân bé nhỏ trong thời biến đổi khí hậu. Quá trình trưởng thành, họ chứng kiến lần đầu tiên thế giới thức tỉnh về các tác động thảm khốc mà con người đang gây ra đối với môi trường. Trước khi kết hôn năm 2017, cặp đôi đã vật lộn trong gần mười năm chỉ với một cân nhắc là họ có nên sinh con không? Hai người tranh luận về trách nhiệm “đưa” một con người đến thế giới vốn đã quá đông đúc này và rằng họ sẽ chiến đấu ra sao trong tương lai cho một hành tinh khỏe mạnh?

Môi trường, khí hậu… đang là mối quan tâm lớn của người trẻ, thúc đẩy họ hành động để bảo vệ trái đất. Ảnh minh họa của Simone Noronha trên National Geographic
Môi trường, khí hậu… đang là mối quan tâm lớn của người trẻ, thúc đẩy họ hành động để bảo vệ trái đất. Ảnh minh họa của Simone Noronha trên National Geographic

Không phải chỉ Katie và Aaron có suy nghĩ đó. Theo một khảo sát năm 2020 công bố trên tạp chí Climatic Change, khoảng 60% người Mỹ từ 27 - 45 tuổi lo lắng về lượng khí thải carbon khi cân nhắc việc sinh con. Cuộc khảo sát tương tự cho thấy, hơn 96% nói rằng họ lo ngại về hạnh phúc của một đứa trẻ phải sinh ra trong một thế giới biến đổi khí hậu. Những lựa chọn khó khăn kết hợp với lo lắng ngày càng tăng về những đe dọa đối với trái đất đã tạo khoảng cách ngày càng lớn giữa những người trẻ với các thế hệ đi trước. Khi người trẻ có thể nhìn thấy tương lai của mình qua những gì đang diễn ra hiện nay, đặc biệt là tình trạng tàn phá môi trường.

Các thăm dò đều cho thấy giới trẻ quan tâm khí hậu nhiều hơn người già. Người ta hy vọng dân số trẻ đang tăng nhanh này có thể buộc thế giới phải hành động dứt khoát, kịp thời để hạn chế khí thải. Nhưng bao trùm vẫn là nỗi sợ. Theo nghiên cứu toàn cầu công bố vào tháng 12/2021 trên tạp chí The Lancet, hơn một nửa trong số 10.000 người trẻ được khảo sát đồng tình với dự báo “nhân loại đang bị diệt vong”. Gần một nửa số được hỏi cũng cho hay những lo ngại về tình trạng của môi trường đang ảnh hưởng đến giấc ngủ, khả năng học tập, vui chơi và giải trí của họ.

Biến lo lắng thành hành động 

Giáo sư tâm lý học Emily Balcetis (Đại học New York) chứng kiến ​​sự phân chia thế hệ ngày càng tăng ngay trong chính ngôi nhà của mình. Bà nhớ lại khi còn là một nữ sinh, lần đầu tiên thấy những con gấu Bắc Cực chết đói, bà đã không thể chịu nổi và tắt ngay ti vi. Giờ đây, Matty - con trai bà - đã học được ở trường mầm non về những mối đe dọa tương tự đối với loài gấu đó. Nếu chủ đề về biến đổi khí hậu có vẻ quá trừu tượng đối với trẻ em vào những năm 1990 thì giờ điều đó đã thay đổi. Khi thấy Balcetis dùng bữa tối bằng những hộp thức ăn dùng một lần, con trai Matty đã bật khóc: “Mẹ ơi, chúng ta không thể tái sử dụng hoặc tái chế chiếc hộp này”.

Để hỗ trợ những người trẻ nhạy cảm với môi trường, Jennifer Atkinson (Đại học Washington) cung cấp khóa học giúp họ kiểm soát cảm xúc. Bước đầu tiên, theo bà là chấp nhận một cách thấu đáo nỗi đau. “Mùa hè từng là phần thưởng lớn sau mùa đông xám xịt nhưng giờ đây nó đã bị đánh cắp bởi cháy rừng… Các bạn trẻ đã cảm thấy một hỗn hợp chuỗi buồn bã, sợ hãi và phẫn nộ. Nhưng tôi không bảo họ tránh xa những cảm xúc tiêu cực này, tôi cho họ hiểu đó không hề tiêu cực mà là một phản ứng lành mạnh trước những mất mát”, Atkinson nói. Bà kêu gọi học viên xem những cảm xúc mãnh liệt này như một động lực để hướng đến việc tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.

Điều tốt - theo Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư vấn PEW (Washington, D.C.) Alec Tyson - là hiện ngay cả những người trẻ có nhiều lo lắng nhất ở Mỹ cũng đang tự tin có thể làm được điều gì đó. Những người sinh sau năm 1996 đã xây dựng phong trào phản đối mạnh mẽ nhằm thúc đẩy các chính phủ hành động chống lại biến đổi khí hậu. Năm 2019, hàng triệu thanh niên đã tham gia các cuộc biểu tình trên toàn cầu, từ Sydney đến New York rồi Mumbai.

Trở lại vợ chồng Katie và Aaron, họ đã kết thúc lo nghĩ bằng sự ra đời của cậu con trai Asa vào tháng 3/2021. “Tôi muốn tạo ra những người tốt để đấu tranh cho những gì đúng đắn. Cuối cùng, tôi hiểu ra rằng cuộc chiến cho tương lai không thể chỉ là sự sống còn và ổn định, mà còn phải là một cuộc chiến để giữ cho thế giới của chúng ta không trở thành một nơi nghèo nàn hơn, tăm tối hơn, đơn độc hơn”, Katie nói. 

 Nam Anh (theo NG, Climatic Change, The Lancet)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI