|
Kể cả khi chỉ có vài triệu chứng nhẹ của COVID-19 cũng có thể dẫn đến những hệ quả lâu dài về sức khỏe |
Biến thể
Khi một vài quốc gia đã thành công trong việc khống chế sự lây lan của vi-rút như Đức, Ireland, New Zealand hay thậm chí Trung Quốc - nơi được xem là “quê hương” của SARS-CoV-2 - nhiều nơi đã bắt đầu thả lỏng các biện pháp chống dịch nhằm giảm thiệt hại cho nền kinh tế.
Mặc dù vậy, vài tuần gần đây, làn sóng thứ hai đã tấn công những quốc gia này với số lượng ca nhiễm đột ngột tăng mạnh. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra biến thể D614G của SARS-CoV-2 đang dần thay thế chủng ban đầu tại Vũ Hán để chiếm vị trí thống trị với 75% ca nhiễm trên toàn cầu hiện nay do nó gây ra. Tuy không có độc lực mạnh hơn nhưng biến thể này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn đến 31%.
Tiến sĩ Thushan de Silva - giảng viên về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sheffield - cho biết: “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, chủng mới có liên quan đến tải lượng vi-rút cao hơn ở đường hô hấp trên của bệnh nhân mắc COVID-19, đồng nghĩa khả năng lây nhiễm của người mang bệnh sẽ tăng lên”.
Tại Việt Nam, D614G cũng đang chiếm đa số các ca nhiễm mới tính từ 25/7. Đây là bằng chứng cho thấy đợt bùng phát thứ hai tại Đà Nẵng là do du nhập từ nước ngoài.
Bên cạnh sự xuất hiện của biến thể D614G và việc mở cửa nền kinh tế quá sớm, các nhà nghiên cứu còn cho rằng phần lớn nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát trở lại nằm ở sự thờ ơ của giới trẻ - nhóm người tự cho rằng bản thân không bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Vi-rút không chừa bất kỳ ai
Ngày 5/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số người nhiễm SARS-CoV-2 trong độ tuổi 15-24 đã tăng gấp ba trong năm tháng qua. Cụ thể, trong 6 triệu ca nhiễm mới từ 24/2 đến 12/7, tỷ lệ nhóm kể trên đã tăng từ 4,5% lên 15%. Tình trạng này diễn ra ở khắp nơi từ Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Đức cho đến Nhật Bản.
Giới quan sát cho rằng, đây là hệ quả từ xu hướng nghỉ mát trong dịp hè bất chấp đại dịch đang hoành hành và những người trẻ có thói quen tụ tập tại các nơi có khả năng lây nhiễm đặc biệt cao như vũ trường, bãi biển… Ngược lại, những người cao tuổi ý thức rất rõ tác hại của COVID-19 nên đa phần đều cẩn thận áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
“Những người trẻ tuổi thường ít cảnh giác hơn, không tuân thủ việc đeo khẩu trang và lệnh giãn cách xã hội”, Neysa Ernst - y tá trưởng tại Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) - nói với hãng tin Reuters: “Du lịch làm tăng xác suất bị nhiễm và lan truyền COVID-19”.
Tiến sĩ Hans Kluge - giám đốc khu vực châu Âu của WHO - nói: “Từ các báo cáo được gửi về, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc bệnh ở khá nhiều quốc gia châu Âu chủ yếu thuộc nhóm tuổi từ 20 đến 39”.
Chia sẻ với tờ Euronews, Simon (sống ở Pháp) cho biết: "Tôi vẫn gặp nhiều người như trước, chỉ ít thường xuyên hơn do các sự kiện đã bị hủy gần hết. Tôi thích những buổi tiệc ngoài trời để hạn chế đeo khẩu trang”.
Sarah (làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận ở Paris) nói rằng kể từ khi Pháp mở cửa nhà hàng và quán bar trở lại vào tháng Sáu, cô đã quay lại nếp sống cũ, chẳng lo ngại gì và hầu hết những người xung quanh đều như vậy. “Tôi không sợ vi-rút này vì tôi thuộc dân số trẻ và không có nguy cơ mắc bệnh. Tôi cũng không thực sự thường xuyên gặp những người có nguy cơ mắc bệnh. Đôi khi, mong muốn cuộc sống trở lại như cũ lớn hơn nỗi sợ cái chết”, Sarah nói.
Đừng chấp nhận rủi ro khi bạn không thể định lượng về hậu quả
“Chúng tôi đã nói điều này trước đây và giờ nói lại lần nữa: người trẻ không bất khả chiến bại. Những người trẻ có thể bị nhiễm bệnh, truyền bệnh cho người khác và chết vì COVID-19.” Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva vào cuối tháng trước.
Tuần trước, một cậu bé 7 tuổi người Mỹ gốc Phi đã chết vì COVID-19 tại bang Georgia dù không hề có bất kỳ bệnh lý nào trước đó.
Tại bang Florida - nơi có nhiều bãi biển đẹp nhất nước Mỹ - tỷ lệ người trẻ chết vì COVID-19 đã tăng nhanh kể từ khi các cơ sở giải trí mở cửa trở lại vào tháng Sáu. Phần lớn các bệnh nhân trẻ tuổi này có bệnh nền nhưng không phải ai cũng biết rõ tình trạng sức khỏe bản thân. Tính đến nay, bang Florida đã ghi nhận 7 trường hợp trẻ vị thành niên qua đời vì COVID-19, nạn nhân nhỏ nhất là một bé gái 9 tuổi.
Tỷ lệ tử vong thấp không có nghĩa là không bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia y tế của WHO, kể cả khi chỉ có vài triệu chứng nhẹ của COVID-19 cũng có thể dẫn đến những hệ quả lâu dài về sức khỏe.
Nhà dịch tễ học Maria van Kerkhove - trưởng nhóm phụ trách COVID-19 của WHO - cho biết một số tác động lâu dài mà những người nhiễm COVID-19 nhẹ có thể gặp phải bao gồm mệt mỏi, khó thở và khó tiếp tục duy trì các hoạt động thường nhật.
Michael Ryan - giám đốc điều hành chương trình cấp cứu sức khỏe của WHO - cũng đưa ra bằng chứng về những thay đổi kéo dài đối với hệ thống tim mạch của bệnh nhân COVID-19. “Vẫn còn ít người biết đến tác động lâu dài của SARS-CoV-2”, ông nói. “Nếu vậy tại sao lại phải mạo hiểm vào lúc này? Đừng chấp nhận rủi ro trong khi bạn không thể định lượng được hậu quả”.
Cả hai chuyên gia đều kêu gọi những người trẻ tuổi đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh những nơi đông đúc.
Mai Thảo