Người trẻ khốn khổ vì thoái hóa cột sống

24/12/2024 - 06:00

PNO - Độ tuổi bệnh nhân thoái hóa cột sống đang ngày càng trẻ hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nhiều người và gây ra bao hệ lụy. Những cơn đau nhức dai dẳng, tê bì chân tay không chỉ khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong công việc và sinh hoạt hằng ngày mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng hơn như thoát vị đĩa đệm, hạn chế chức năng vận động, thậm chí yếu liệt, tàn phế…

Bệnh "tấn công" dân văn phòng

Bệnh thoái hóa cột sống không chừa một ai, đặc biệt là người làm việc văn phòng, ít vận động, ngồi lâu sai tư thế. Ban đầu, bệnh thường biểu hiện qua những cơn đau lưng âm ỉ, khó chịu, dễ bị nhầm lẫn với những cơn đau cơ thông thường. Nhiều người chủ quan, tự điều trị tại nhà bằng các loại thuốc giảm đau, xoa bóp mà không tìm đến bác sĩ, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng.

Công việc văn phòng đòi hỏi anh T.V.T. (35 tuổi, đang làm việc tại một công ty tài chính ở quận 1, TPHCM) phải ngồi nhiều giờ trước máy tính mỗi ngày. Ban đầu, anh cảm thấy đau lưng nhẹ sau những giờ làm việc căng thẳng. Anh tự trấn an rằng đó chỉ là do ngồi nhiều và đối phó bằng cách xoa bóp, chườm nóng, uống thuốc giảm đau.

Để bảo vệ sức khỏe cột sống và phòng ngừa thoái hóa cần bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D  qua chế độ ăn uống cân bằng, kết hợp với việc tập thể dục đều đặn như đi bộ, bơi lội, yoga… - Nguồn ảnh: Internet
Để bảo vệ sức khỏe cột sống và phòng ngừa thoái hóa cần bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D qua chế độ ăn uống cân bằng, kết hợp với việc tập thể dục đều đặn như đi bộ, bơi lội, yoga… - Nguồn ảnh: Internet

Theo thời gian, cơn đau ngày càng trở nên dữ dội, lan rộng ra các vùng khác như vai, cổ. Anh còn cảm thấy tê bì ở 2 tay, khó cử động cổ và lưng. Ban đêm, anh thường xuyên bị thức giấc vì những cơn đau nhức dữ dội. Dù đã thử nhiều cách để giảm đau nhưng tình trạng của anh vẫn không cải thiện.

Nghĩ rằng mình bị đau thần kinh tọa hoặc viêm khớp, anh đến khám tại một số phòng khám tư và được kê đơn thuốc giảm đau, thuốc chống viêm. Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ giúp anh giảm đau tạm thời, không giải quyết được vấn đề gốc rễ.

Sau nhiều tháng chịu đựng cơn đau, anh T. quyết định đến khám tại bệnh viện. Qua quá trình thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán anh bị thoái hóa cột sống lưng. Bác sĩ giải thích rằng có thể do ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài, các đĩa đệm cột sống của anh bị thoái hóa, chèn ép lên dây thần kinh dẫn đến các triệu chứng đau nhức, tê bì.

Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng của anh T. có thể trở nên nặng nề hơn, gây khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt hằng ngày. Anh có thể phải đối mặt với nguy cơ bị liệt nếu các dây thần kinh bị tổn thương nặng do tình trạng chèn ép gây ra.

Trường hợp khác là chị P.T.T.M. (42 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM). Chị là giáo viên tiểu học, công việc đòi hỏi phải đứng lớp nhiều giờ, ngồi lâu soạn giáo án.

Ban đầu, chị hay cảm thấy mỏi lưng sau khi tan trường và nghĩ rằng đó là do công việc quá sức nên căng cơ. Sau một thời gian, cơn đau trở nên dữ dội hơn, lan rộng ra cánh tay và cổ. Chị cảm thấy khó khăn khi nâng vật nặng và thường xuyên bị nhức đầu.

Cho rằng mình bị cảm cúm hoặc thiếu canxi, chị M. tự mua thuốc giảm đau và bổ sung canxi. Dù vậy, các triệu chứng vẫn không thuyên giảm.

Khi cơn đau trở nên khó chịu hơn, ảnh hưởng tới công việc giảng dạy, chị đành quyết định đi khám. Chị được chẩn đoán bị thoái hóa cột sống cổ. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng có thể nghiêm trọng hơn, gây ra các biến chứng như đau đầu mãn tính, chóng mặt, yếu liệt…

Phẫu thuật cột sống ít xâm lấn - phương pháp tối ưu

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Thanh Tình - quản lý và điều hành Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - đưa ra cảnh báo về tình trạng gia tăng nhanh chóng của bệnh thoái hóa cột sống. Con số thống kê cho thấy, cứ 10 người Việt trên 40 tuổi thì có 6 người bị thoái hóa cột sống. Đáng lo ngại hơn, ngay cả những người trẻ tuổi, đặc biệt là người làm việc văn phòng, cũng không nằm ngoài "tầm ngắm" của căn bệnh này. Việc chậm trễ điều trị có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe thể chất mà còn cả chất lượng cuộc sống. Vì vậy, phát hiện và điều trị sớm thoái hóa cột sống là vô cùng quan trọng.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đang tiến hành phẫu thuật cột sống thắt lưng xâm lấn tối thiểu - ẢNH: M.T.
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đang tiến hành phẫu thuật cột sống thắt lưng xâm lấn tối thiểu - Ảnh: M.T.

Phẫu thuật cột sống ít xâm lấn đang là phương pháp điều trị hiện đại và hiệu quả nhất cho các bệnh lý cột sống. So với phẫu thuật mở truyền thống, phương pháp này mang lại nhiều lợi ích vượt trội như: thời gian phẫu thuật ngắn, ít đau đớn, giảm nguy cơ biến chứng, hồi phục nhanh, vết mổ thẩm mỹ hơn. Nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị y tế hiện đại và kỹ thuật tiên tiến, các bác sĩ có thể thực hiện ca phẫu thuật chính xác và an toàn hơn, giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.

Mới đây, một bệnh nhân nam 61 tuổi đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM trong tình trạng đau lưng lan xuống 2 chân, đi lại rất khó khăn. Cứ đi được khoảng 5m, ông lại phải dừng lại nghỉ ngơi. Tình trạng trên đã kéo dài 6 tháng. Các xét nghiệm cho thấy sức khỏe bệnh nhân khá yếu do mắc nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường và hội chứng Cushing.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật cố định và giải áp cột sống xâm lấn tối thiểu. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, ít mất máu, thời gian phẫu thuật cũng ngắn hơn so với các phương pháp truyền thống. Nhờ đó, bệnh nhân hồi phục rất nhanh và được xuất viện chỉ sau 3 ngày. Hiện tại, bệnh nhân có thể đi lại bình thường, sức khỏe đã ổn định trở lại.

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Anh Phụng - Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết: “Phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu như phẫu thuật bắt vít qua da, phẫu thuật hàn xương liên thân đốt sử dụng hệ thống ống nong hoặc phẫu thuật nội soi cột sống giúp điều trị bệnh nhân hiệu quả hơn, giảm thiểu mất máu, rút ngắn thời gian phẫu thuật và thời gian nằm viện, đồng thời giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng”.

Để bảo vệ sức khỏe cột sống và phòng ngừa thoái hóa cần kết hợp nhiều yếu tố. Việc duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và nghỉ ngơi hợp lý là nền tảng quan trọng. Bên cạnh đó, khám sức khỏe định kỳ cũng giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của cột sống. Nếu có bất kỳ triệu chứng đau nhức nào ở vùng lưng, cổ, vai gáy, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm vật lý trị liệu, dùng thuốc, can thiệp tối thiểu hoặc phẫu thuật, tùy tình trạng bệnh cụ thể.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đến lối sống lành mạnh. Hãy bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D qua chế độ ăn uống cân bằng, kết hợp với việc tập thể dục đều đặn như đi bộ, bơi lội, yoga… Ngoài ra, việc duy trì tư thế đúng khi làm việc, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng.

Các dấu hiệu thoái hóa cột sống

Một trong những dấu hiệu điển hình của thoái hóa cột sống là đau nhức ở vùng lưng, cổ, vai gáy. Cơn đau có thể lan xuống cánh tay, chân, gây tê bì, yếu cơ. Khi vận động mạnh hoặc thay đổi tư thế đột ngột, cơn đau thường tăng lên. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải các triệu chứng như: cứng khớp, khó xoay cổ, hạn chế vận động, đau đầu, chóng mặt.

Nhiều người thường nhầm lẫn các triệu chứng của thoái hóa cột sống với các bệnh lý khác như đau lưng do căng cơ, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm. Điều này dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị bệnh bị trì hoãn, khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

Lưu ý, việc tự chẩn bệnh, chữa bệnh bằng các phương pháp chưa được kiểm chứng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, tiền mất tật mang.

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI