Tìm về văn hóa truyền thống
Những ngày qua, các sinh viên thuộc Khoa Quản trị truyền thông đa phương tiện của Trường đại học FPT đang ráo riết chuẩn bị cho việc sản xuất phim ngắn về hát bội. Họ cũng đang chuẩn bị cho triển lãm trang phục của nghệ thuật hát bội, một số sản phẩm lấy cảm hứng từ môn nghệ thuật này. Triển lãm và phim ngắn (8-10 phút) dự kiến sẽ ra mắt vào trung tuần tháng Bảy.
Trước đó, loạt hình ảnh của nghệ sĩ hát bội cùng những thông tin, câu chuyện về nghề hát bội được nhóm đăng tải trên fanpage Se sợi kết tâm cũng nhận được sự quan tâm của công chúng. Những hoạt động này thuộc dự án Trăm năm một cõi, nhằm quảng bá nghệ thuật hát bội đến công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ.
|
Chương trình Hò Xự Xang Xê Cống, diễn ra tối 26/5, tại sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh - Ảnh: Ban tổ chức cung cấp |
Cuối tháng Năm, một nhóm sinh viên thuộc Khoa Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn của Trường đại học Hoa Sen cũng đã thực hiện chương trình nghệ thuật Hò Xự Xang Xê Cống tại sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh (quận 10, TPHCM). Hơn 40 ca sĩ, nghệ sĩ và nghệ nhân đã biểu diễn 18 tiết mục, gồm các thể loại: nhạc lễ Nam Bộ, múa bóng dân gian, hát bội, đờn ca tài tử, ca ra bộ, cải lương, hòa tấu nhạc cụ và âm nhạc hiện đại, trong đó có những tiết mục quen thuộc như: Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Dạ cổ hoài lang… Chương trình kết thúc bằng tiết mục đánh trống bồng kết hợp với nhạc rap do nhạc sĩ Nhứt Dũng, rapper MTBOIZ và TquieT trình bày đã để lại nhiều lưu luyến trong lòng khán giả.
Cần nhiều sự hỗ trợ Nguyễn Ngọc Ngân mong chương trình Hò Xự Xang Xê Cống có thêm nhiều mùa, nhưng gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Cô hy vọng trong thời gian tới, các dự án này sẽ được sự quan tâm, hỗ trợ từ các ban ngành, đơn vị liên quan để tiếp tục lan tỏa. Việc hệ thống kho tư liệu về văn hóa, nghệ thuật truyền thống cũng là vấn đề cần được thực hiện để giới trẻ dễ tiếp cận, một cách chính xác. Ông Võ Hồ Hoàng Vũ đánh giá cao ý tưởng, sự sáng tạo của nhiều dự án, nhưng tiếc rằng chúng kết thúc trong thời gian vài tháng. Việc tiếp tục kết hợp, triển khai cũng gặp khó do nhiều hạn chế về kinh phí, nhân sự. Theo ông, đây cũng là việc cần được quan tâm hơn trong thời gian tới để quảng bá văn hóa truyền thống hiệu quả hơn. |
Dự án được Nguyễn Ngọc Ngân - 23 tuổi, tốt nghiệp ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành - khởi xướng và thực hiện cùng các cộng sự. Những trăn trở sau khi học môn du lịch di sản thôi thúc Ngân nảy sinh ý tưởng. Chương trình cũng phục vụ cho môn học của các bạn.
“Ngày nay, âm nhạc, nghệ thuật hiện đại dần thay thế nghệ thuật truyền thống. Nhiều người trẻ muốn tìm hiểu về những loại hình nghệ thuật này cảm thấy khó khăn, không biết bắt đầu từ đâu và cũng không biết tìm hiểu nguồn thông tin nào mới là chính xác” - Nguyễn Ngọc Ngân nói về nguyên nhân chương trình ra đời.
Trong khi đó, Trăm năm một cõi là dự án được Nguyễn Hữu Trường cùng các bạn sinh viên thực hiện để hoàn thành một dự án vào cuối kỳ, tích hợp kỹ năng nhiều môn học. Lần này, nhóm quyết định chọn hát bội để thực hiện kế hoạch quảng bá, truyền thông. “Chúng tôi đều yêu văn hóa truyền thống và thấy được sự bức thiết để giữ gìn chúng trong bối cảnh hiện tại. Việc làm này có thể nhỏ, nhưng chúng tôi mong ít nhiều sẽ mang nghệ thuật truyền thống đến được với nhiều bạn trẻ hơn” - Nguyễn Hữu Trường tâm sự.
2 thế hệ cùng “bắt tay”
Vạn sự khởi đầu nan. Ở Hò Xự Xang Xê Cống, cái khó nhất là tìm tài liệu. Cuối năm 2022, nhóm tìm được sách Lục tỉnh cầm ca, nhưng nhiều nội dung khó hiểu. Việc xây dựng chương trình sao cho cả khán giả trẻ và khán giả lớn tuổi (vốn thích vẻ đẹp nguyên bản) cũng không dễ. Ca khúc Về nghe mẹ ru của Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết kết hợp với ca sĩ Hoàng Dũng đã mở lối cho họ về mặt ý tưởng.
Trang phục biểu diễn, nhạc cụ của những lĩnh vực này cũng đặc thù. Vì thế, tìm được đúng cũng mất nhiều thời gian. Việc huy động cùng lúc gần 50 nghệ sĩ, nghệ nhân cùng tham gia biểu diễn trong chương trình cũng rất khó đối với những bạn trẻ.
May mắn, nhóm đã được sự hỗ trợ của thạc sĩ, nhạc sĩ Nhứt Dũng - nguyên Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Ông cho biết: “Tôi rất trân trọng tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống của các bạn trẻ. Điều tôi mong muốn là nghệ thuật truyền thống vẫn có một đời sống riêng. Chúng ta đã có quá nhiều hội thảo, hội nghị nhưng hành động thực tế chưa nhiều. Tôi thích việc nói đi đôi với làm”.
|
Nghệ sĩ Ngọc Giàu (trái) và nghệ sĩ Hà Trí Nhơn (phải) trong dự án Trăm năm một cõi - Ảnh: Đỗ Thành Tài |
Ông hỗ trợ các bạn trẻ trong việc dàn dựng các tiết mục, thuyết phục các nghệ nhân, nghệ sĩ khác cùng tham gia. Dàn nghệ sĩ, nghệ nhân biểu diễn trong chương trình này có thể kể đến như: Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh, Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải, đạo diễn Kim Loan, Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Hậu, rapper The Night, Cầm Đàn Collective…
Ông cũng nhiệt tình hỗ trợ trang phục, nhạc cụ, kiến thức cho nhóm. Nhạc sĩ Nhứt Dũng cho biết, dàn nhạc cụ biểu diễn nhạc lễ trong chương trình này rất đầy đủ, hoành tráng. “Khi chúng tôi trình bày ý tưởng, các nghệ sĩ, nghệ nhân đồng ý tham gia, không có sự đòi hỏi nào cả. Các đơn vị cung cấp âm thanh, ánh sáng, địa điểm biểu diễn cũng rất trân trọng, tạo điều kiện tối đa để nhóm được thực hiện dự án này” - Ngọc Ngân cho biết.
Vấn đề tài chính là khó khăn lớn. Kinh phí sản xuất gần 250 triệu đồng. Ban tổ chức gồm 22 thành viên đã đóng góp 5 triệu đồng/người, sau đó vận động, xin tài trợ… thêm. Do lần đầu tổ chức một sự kiện lớn, các bạn trẻ thừa nhận vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong nhiều khâu. Sau 6 tháng, ngoài vận dụng kiến thức sản xuất chương trình thực tế, các thành viên đều có thêm kiến thức về nhạc cụ, các loại hình nghệ thuật truyền thống, âm nhạc, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp (cả với người trẻ để thuyết phục họ tin tưởng vào văn hóa truyền thống, làm việc nhóm, đối ngoại…).
Khán giả Trần Mai Anh (21 tuổi) chia sẻ: “Trước kia mình không quan tâm quá nhiều đến nghệ thuật truyền thống. Mình thường mặc định âm nhạc truyền thống không hợp với giới trẻ nhưng chương trình đã giúp mình thay đổi suy nghĩ. Những tiết mục kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại rất bắt tai và hợp với giới trẻ”.
Với dự án Trăm năm một cõi, lợi thế lớn của nhóm là có sự hỗ trợ từ nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM. Ông Võ Hồ Hoàng Vũ - Giám đốc nhà hát nghệ thuật hát bội - cho biết đơn vị luôn hoan nghênh và chào đón những người trẻ tìm đến với hát bội. Sức trẻ, sự sáng tạo của họ có thể “chắp cánh”, giúp môn nghệ thuật này đến gần người trẻ hơn. Nhà hát xác định công tác truyền thông với đội ngũ nhân lực trẻ là điều cần thiết, nhưng thời gian qua vì nhiều lý do nên chưa thể tự thực hiện. Trước đây, nhà hát đã từng hỗ trợ cho một số dự án khác tương tự Trăm năm một cõi.
Các nghệ sĩ nhà hát cũng hỗ trợ các bạn sinh viên nhiệt tình trong các buổi chụp ảnh, những cuộc phỏng vấn để truyền tải thông tin đến công chúng. “Càng tìm hiểu, chúng tôi mới thấu hiểu được hết những khó khăn, vất vả của công việc này. Điều đó khiến chúng tôi trân trọng hơn các nghệ sĩ, công việc mà họ theo đuổi” - Trảo Nhật Hằng chia sẻ.
Thành Lâm