Theo một cuộc khảo sát năm 2023 do Trend Monitor thực hiện, 58% số người được hỏi trong độ tuổi từ 19-59 trả lời rằng họ bắt đầu trồng cây tại nhà, tăng so với 49% năm 2017.
Sự quan tâm của người Hàn Quốc đối với việc làm vườn tại nhà đạt đỉnh vào khoảng năm 2021 do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự quan tâm này không hề giảm sút, ngay cả sau đại dịch.
Theo một nghiên cứu do Hiệp hội Xúc tiến phát minh Hàn Quốc thực hiện, giá trị của thị trường nông nghiệp trong nhà ở Hàn Quốc là 500 tỉ won vào năm 2023, tăng đáng kể so với 121,6 tỉ won vào năm 2021. Đến năm 2026, hiệp hội dự đoán thị trường sẽ tăng lên 1,75 ngàn tỉ won vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng 75%.
Làm vườn như một phương pháp chữa lành
Lee Won-young - 26 tuổi, một học viên sau đại học - gần đây đã có thêm thói quen chăm sóc một chậu cây cô gọi là “Chris”. Lee đặt Chris trên bàn làm việc, tưới nước vào thứ Hai hằng tuần. Ngoài ra, cô còn dành thời gian di chuyển cây đến các vị trí khác nhau quanh nhà giúp cây nhận đủ ánh sáng mặt trời và đặt cây dưới ánh đèn led để thúc đẩy cây phát triển.
|
Lee Won-young đang thay chậu cho cây. Đây là một trong những hoạt động làm vườn yêu thích của cô - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Lee cho biết: “Thật thú vị khi chứng kiến một thứ nhỏ bé lớn dần theo thời gian. Tình cảm của tôi đối với việc chăm sóc cây trồng trong chậu ngày càng lớn sau khi nhận được “bộ giá thể” từ một người bạn nhân dịp sinh nhật của tôi 2 năm trước”. Ngoài Chris, Lee cũng đã bổ sung thêm một loại cây trồng trong chậu hình lưỡi liềm mà cô đặt tên là “Steve”.
Ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30 quan tâm đến việc làm vườn tại nhà. Theo một cuộc khảo sát năm 2023 do Daehak Naeil công bố, có tới 56% trong số 900 người ở độ tuổi 20 và 30 trồng cây tại nhà. Những người trẻ Hàn Quốc này thích làm vườn tại nhà nhằm trang trí nhà cửa, tự trị liệu và để có được cảm giác thành tựu cùng niềm vui.
Oh Ji-hyeon - 27 tuổi, giáo viên mầm non - nói rằng cây cối mang lại cho cô “một khởi đầu tích cực cho ngày mới”. “Việc đầu tiên tôi làm khi thức dậy vào buổi sáng là tưới cây. Tôi thấy thật dễ chịu khi nhìn những cái cây lớn lên chỉ sau 1 đêm…” - Oh chia sẻ. Ngoài húng quế và cà chua bi, cô đã trồng hơn 9 loại cây trong vài năm qua, bao gồm hoa hướng dương, cúc vạn thọ, ớt…
Lee cho biết việc trồng cây giống như “một hình thức thiền định”. “Tôi thấy rằng toàn bộ quá trình chăm sóc cây trồng và quan sát chúng phát triển là vô cùng bổ ích và nhẹ nhàng. Đó là một thói quen thú vị giúp tôi thư giãn trong cuộc sống bận rộn” - cô nói.
|
Nghệ nhân làm vườn Park Geon đang hướng dẫn một lớp học trồng cây tại một quán cà phê ở Seoul như một phần của chương trình “Lớp học làm vườn sau giờ làm việc” - Nguồn ảnh: Korea Herald |
Giáo sư Kwak Keum-joo (Khoa Tâm lý của Đại học Quốc gia Seoul) đã lý giải tại sao ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc bắt đầu xem việc làm vườn tại nhà như một sở thích mới: “Giới trẻ Hàn Quốc không ngừng tìm kiếm một phương pháp chữa lành. Cơn sốt trồng cây tại nhà có thể được xem là cuộc tìm kiếm hạnh phúc, sự thích thú và cách để giải tỏa căng thẳng”. Kwak nói thêm rằng việc làm vườn tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần vì có thể giúp người làm vườn “cảm thấy ổn định, hạnh phúc và thành tựu”.
Theo giáo sư tâm thần học Jo Young-tak (Bệnh viện Tim Kangdong), mong muốn tương tác với thiên nhiên theo bản năng của con người, vốn bị hạn chế bởi COVID-19, đã khiến họ trồng cây tại nhà một cách tự nhiên. “Khi chạm vào đất và cây cỏ, con người có cảm giác được kết nối với thiên nhiên. Họ cũng có thể cảm thấy được khen thưởng khi quan sát cây trồng của mình phát triển từng ngày. Những cảm xúc tích cực trên kích hoạt giải phóng serotonin, thường được gọi là “hoóc môn hạnh phúc”, giúp xoa dịu cảm giác lo lắng và trầm cảm” - Jo nói.
Nhiều dịch vụ dành riêng cho người trồng cây
Trong bối cảnh bùng nổ việc làm vườn tại nhà, một số chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã giới thiệu các dịch vụ dành riêng cho người trồng cây tại nhà cũng như các lớp học làm vườn.
|
Ngày càng nhiều người Hàn Quốc xem việc trồng cây như một phương pháp trị liệu - Nguồn ảnh: Getty Images |
Một trong những dịch vụ như vậy bao gồm các phòng khám thực vật do chính quyền Seoul điều hành, nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc và tư vấn miễn phí với các chuyên gia thực vật. Một số cây bị bệnh được xử lý ngay nhưng cũng có một số cây cần điều trị trong thời gian dài, tối đa khoảng 3 tháng.
Hiện có 5 phòng khám tại Seocho-gu, Jongno-gu, Dongdaemun-gu, Eunpyeong-gu và Yangcheon-gu. Trong trường hợp cây cần được hỗ trợ chuyên sâu hơn, chủ sở hữu có thể đến bệnh viện ở Trung tâm Công nghệ nông nghiệp Seoul.
Ông Park Jae-yong - một quan chức chính quyền thủ đô Seoul - cho biết: “Bệnh viện và phòng khám thực vật là nơi cây trồng có thể nhận được chẩn đoán và kê đơn… giống như thú cưng được chăm sóc thú y khi bị bệnh”.
Tại Daegu, có tới 20 phòng khám thực vật đang hợp tác với các cửa hàng hoa quanh thành phố. Các phòng khám cung cấp dịch vụ thay chậu miễn phí cũng như tư vấn và điều trị trong ngày cho cây bị bệnh.
Ngoài phòng khám thực vật, chính quyền Seoul cũng giới thiệu “Lớp học làm vườn sau giờ làm việc”, diễn ra vào thứ Năm hằng tuần với mức phí 10.000 won/người. Trong các lớp học, người tham gia có cơ hội tìm hiểu thêm những kiến thức cơ bản đằng sau việc trồng các loại cây và hoa xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng.
Một trường mẫu giáo tư nhân ở Mapo-gu, phía tây Seoul cũng góp phần lan tỏa tình yêu cây xanh. Sau khi nhặt những cây trồng bị bỏ lại trên đường phố hoặc trong những ngôi nhà xập xệ, trường sẽ tổ chức một phiên chợ ngoài trời. Khách tham quan có thể mang cây về nhà sau khi tham gia buổi học trồng cây kéo dài 2 tuần.
Trên thị trường còn có các ứng dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho những người đam mê trồng cây. “Groo” là một ứng dụng phổ biến đối với những người làm vườn với AI đưa ra chẩn đoán cho những cây bị bệnh sau khi chụp ảnh và tải lên ứng dụng. AI cũng cung cấp các mẹo về cách trồng và chăm sóc cây.
Các nghiên cứu từ Hàn Quốc, Phần Lan, Úc và Mỹ đã chỉ ra sức mạnh của làm vườn trong việc kéo dài và làm phong phú thêm cuộc sống con người. Don Rakow - giáo sư về làm vườn tại Trường Khoa học thực vật tích hợp của Đại học Cornell (Mỹ) - cho biết: “Sau rất nhiều nghiên cứu, chúng tôi đã xác nhận rằng thời gian hòa mình vào thiên nhiên, bao gồm cả việc làm vườn, hoàn toàn có lợi cho chúng ta về một số mặt”. Năm 2020, Rakow đã tham gia một nghiên cứu xem xét cách tiếp xúc với đất và cây cối ảnh hưởng đến các hoóc môn cortisol giúp mọi người kiểm soát căng thẳng. “Chúng tôi thấy rằng, ít nhất là đối với sinh viên, dành 10 đến 20 phút ở ngoài trời trong thiên nhiên, trong rừng hoặc vườn, 2 hoặc 3 lần mỗi tuần có lợi ích sinh lý thực sự và có thể đo lường. Có thể suy rộng ra, nếu điều này có lợi cho nhóm tuổi đó thì cũng sẽ có lợi cho các nhóm tuổi khác” - Rakow phân tích. |
Hà Thụy