Người trẻ cùng nhau lan tỏa tình yêu nước

01/09/2024 - 07:06

PNO - Thiếu niên, nhi đồng thể hiện lòng yêu nước bằng việc treo bản đồ, đồng diễn xếp hình bản đồ hay thu gom phế liệu để tạo hình bản đồ Việt Nam; thanh niên thể hiện lòng yêu nước thông qua việc trồng rừng để làm cho mọi miền đất nước thêm xanh tươi. Những việc làm này thu hút sự tham gia hào hứng của đông đảo người trẻ khắp cả nước.

Tự hào một dải non sông

“Tự hào một dải non sông” là cuộc vận động do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động cuối năm 2023. Với thông điệp “Mỗi tấm bản đồ, một trái tim Việt Nam”, cuộc vận động nhằm hướng tới mục tiêu mọi cơ sở đoàn, hội, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp cả nước đều treo bản đồ Việt Nam để nâng cao ý thức về chủ quyền quốc gia.

Ở Trường THCS Vật Lại, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, thầy và trò đã cùng nhau treo bản đồ tại các phòng hành chính, trong các lớp học… Ban giám hiệu cùng liên đội trường đã tuyên truyền đến các chi đội lớp và đích thân thầy hiệu trưởng Quách Danh Tuyên hướng dẫn học sinh tìm hiểu kiến thức về địa lý, hành chính Việt Nam dựa vào bản đồ.

Học sinh Chu Đức Bách (lớp Bảy) chia sẻ: “Bây giờ, em có thể nhắm mắt mà vẫn hình dung ra bản đồ Việt Nam, về vị trí của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mình trên Biển Đông”.

Hình ảnh bản đồ Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Phú Quốc được xếp bởi 3.200 đoàn viên, thanh niên trên nền nhạc Việt Nam ơi tại lễ thượng cờ Tổ quốc được tổ chức vào ngày 30/3/2024 tại khu vực Bãi Môn - Mũi Điện, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên khiến người xem xúc động Nguồn ảnh: VTC News
Hình ảnh bản đồ Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Phú Quốc được xếp bởi 3.200 đoàn viên, thanh niên trên nền nhạc Việt Nam ơi tại lễ thượng cờ Tổ quốc được tổ chức vào ngày 30/3/2024 tại khu vực Bãi Môn - Mũi Điện, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên khiến người xem xúc động Nguồn ảnh: VTC News

Ở Trường tiểu học Nga My I, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, cùng với những tấm bản đồ được treo trang trọng trong lớp học, liên đội trường còn khuyến khích đội viên tạo mô hình bản đồ Việt Nam từ vật liệu phế thải để vừa thể hiện lòng yêu nước, vừa truyền thông điệp bảo vệ môi trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Trang - Tổng phụ trách đội - góp tấm bạt đã qua sử dụng, đội viên góp hơn 1.000 nắp chai. Sau khi làm sạch nắp chai, cô trò cùng phác thảo, xếp, gắn để tạo nên tấm bản đồ Việt Nam sinh động: mỗi vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ… là một khối màu; quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa đỏ thắm trên nền biển xanh.

Ban giám hiệu, liên đội đã chọn cách làm này để khi tự tay xếp nên dáng hình đất nước, đội viên (học sinh) sẽ thêm yêu quý, tự hào và có ý thức trách nhiệm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của nước nhà.

Mùa hè năm 2024 là mùa hè rất đáng nhớ đối với thanh thiếu niên xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đoàn Thanh niên xã Thạch Bình đã phối hợp với Thành đoàn TP Hà Tĩnh tổ chức ngày hội “Tự hào một dải non sông”, trong đó hướng dẫn thiếu niên, nhi đồng chạy theo nền nhạc của bài hát Một vòng Việt Nam để xếp hình bản đồ Việt Nam (đồng diễn tạo hình) và tổ chức cuộc thi vẽ tranh, thuyết trình với chủ đề “Tổ quốc trong mắt em”.

Trước đó, anh Đặng Văn Thạch - Bí thư xã đoàn Thạch Bình - cùng các đoàn viên thanh niên trong xã xin phế liệu (sắt, thép, nhựa, các tấm băng rôn), rồi phác thảo, thiết kế, tái chế chúng thành điểm check-in trong “công viên trường học”, mô phỏng các biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc như cột mốc Hoàng Sa, cột mốc Trường Sa, cột cờ Hà Nội.

Thầy và trò Trường THCS Vật Lại cùng tìm hiểu bản đồ Việt Nam - ẢNH: M.T.
Thầy và trò Trường THCS Vật Lại cùng tìm hiểu bản đồ Việt Nam - ẢNH: M.T.

Có con bước vào lớp Một, chị Bích Ngọc (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã tìm mua bộ đồ chơi xếp hình bằng gỗ để con xếp hình bản đồ Việt Nam, gắn lên tường phòng khách.

Chị cho biết, trước khi xếp, chị đã cho con xem quả địa cầu, xem bản đồ giấy, chỉ cho con vị trí quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc… rồi để con tự tay gắn lên tường thành bản đồ. “Tôi muốn bản đồ Việt Nam trở thành một phần không gian thân thuộc trong cuộc sống của con” - chị nói.

Phủ màu xanh cho rừng

H’Hen Niê - Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 - nhận danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM” năm 2021 nhờ những hoạt động vì cộng đồng, truyền cảm hứng cho giới trẻ. Thời gian gần đây, cô dành thời gian thực hiện các dự án trồng rừng với mong muốn góp mảng xanh cho tương lai.

Trong chuyến trồng rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa) giữa tháng 8/2024, H’Hen Niê không quên ghé lại những khu rừng mà mình đã trồng để xem cây sinh trưởng, phát triển ra sao. Sau 2 năm trồng, H’Hen Niê đã quay trở lại nơi này 2 lần và mỗi lần đều nhìn thấy sự lớn lên của cây. Lần này, cây thông pơ mu đã phát triển, cao vượt quá đầu cô.

Thiếu nhi xã Thạch Bình thi vẽ tranh “Tổ quốc trong mắt em” - ẢNH: Đ.T.N.
Thiếu nhi xã Thạch Bình thi vẽ tranh “Tổ quốc trong mắt em” - ẢNH: Đ.T.N.

Từ lời mời tham gia hoạt động trồng cây của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia vào năm 2022, cô đã theo đuổi các dự án trồng rừng liên tục cho đến nay. Trước đó, trong những đợt tới miền Trung cứu trợ người dân vùng bị bão lũ, cô nhận thấy những nơi bị sạt lở nặng phần lớn là những vùng đồi trọc, không có rừng.

Đến nay, H’Hen Niê đã trồng được 8ha rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (tỉnh Bình Thuận), trong đó có 6ha được trồng từ tiền túi của H’Hen Niê, số còn lại được trồng từ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp.

H’Hen Niê bộc bạch, cô không đưa ra mục tiêu sẽ trồng bao nhiêu héc ta rừng mà chỉ hy vọng trồng được càng nhiều càng tốt. Với cô, đây là dự án dài hơi, mang tính bền vững nên phải bền chí, khi không còn sức để tự đi trồng cây thì cô sẽ tham gia bằng hình thức khác. Cô cũng mong những người yêu thiên nhiên chung tay góp cây để cùng cô phủ xanh những cánh rừng, cùng nhau trồng và bảo vệ rừng vì tương lai của đất nước.

Sùng A Cải đến từ xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được vinh danh tại lễ tôn vinh Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng năm 2022 do Cộng đồng Tình nguyện Việt Nam tổ chức. Là thủ lĩnh của dự án “Ước mơ triệu cây xanh”, trong 7 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học, anh dành trọn 2 ngày cuối tuần để về quê trồng rừng.

Anh chọn trồng rừng, bởi anh hiểu rõ, việc chặt phá rừng là một trong những nguyên nhân chính gây nên những trận lũ ống, lũ quét tàn khốc mà anh và những người dân miền núi từng nếm trải.

Là người học giỏi nhất xã Suối Bu, từng giành giải Ba toàn quốc môn địa lý và được tuyển thẳng vào đại học nên khi bắt đầu thực hiện dự án, Sùng A Cải được gia đình và một số hộ dân trong xã tin tưởng, hưởng ứng. Nhờ bạn bè đóng góp, hỗ trợ, anh đã trồng được 10.000 cây xanh.

Sau đợt đầu, anh lại trồng tiếp nhiều đợt, mỗi đợt 10.000 cây xanh. 7 năm nay, những giống cây lâu năm như lim xanh, lát hoa, trắc, mỡ… đã được trồng ở các khu vực đất dốc, đồi núi trọc dễ bị sạt lở hoặc ở gần rừng đầu nguồn.

Sùng A Cải chia sẻ: “Phương châm của dự án là mỗi ngày 1 cây, 365 ngày là 365 cây; mỗi người 1 cây, triệu người triệu cây. Mỗi người đóng góp một chút cũng có thể tạo nên những điều phi thường. Tôi cũng nghĩ, chỉ cần người dân đồng ý trồng rừng thì sau 5-10 năm đi làm thuê trở về, bà con có một tài sản không hề nhỏ”.

Dự án đã nhận được sự chung tay, góp sức của các tổ chức xã hội không chỉ bằng tiền bạc. Dự án “Ước mơ triệu cây xanh” đang có 5 thành viên hoạt động thường xuyên. Từ huyện Văn Chấn, cây của dự án đã được trồng ở nhiều huyện trong và ngoài tỉnh. Mỗi chuyến trồng rừng, dự án lại có thêm nhiều bạn trẻ đăng ký tham gia.

Sùng A Cải cho biết, tới đây, anh sẽ chọn thêm một số cây dược liệu, cây tầm thấp để trồng dưới tán rừng, tăng thu nhập, tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân.

Hạnh phúc của Sùng A Cải là nhìn thấy cây rừng sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh - ẢNH: D.A.
Hạnh phúc của Sùng A Cải là nhìn thấy cây rừng sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh - ẢNH: D.A.

Cùng viết nên những câu chuyện đẹp

Thời gian qua, thanh thiếu nhi toàn quốc đã hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; góp phần tạo ra trào lưu, xu hướng đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội.

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, có rất nhiều thanh thiếu niên với những câu chuyện đẹp, hành động đẹp đã được lan tỏa rộng rãi. Tại làng Tpôn, xã Chơ Long, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, anh thanh niên người dân tộc Bana Đinh Hốt không những đan lát, tạc tượng giỏi, mà còn biết chế tác, sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống, trình diễn cồng chiêng và hát dân ca.

Từ những kinh nghiệm của mình, anh đã dẫn dắt đội cồng chiêng và đội hát dân ca của làng tham gia nhiều hội thi. Tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; thấy ngôi nhà của cựu chiến binh Trần Minh Tiệu đã dột nát, thanh niên trong xã đã đến từng gia đình, xin quyên góp từng viên ngói và dành những ngày công lao động để thay lại toàn bộ mái nhà cho gia đình ông Tiệu.

Ở tỉnh Bình Định, 3 em học sinh lớp Sáu đã dũng cảm cứu 4 em học sinh tiểu học khi các em này bị sóng biển cuốn trôi. Trong vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính (Hà Nội), 4 thanh niên Phạm Quốc Luật, Hoàng Tuấn Anh, Đồng Văn Tuấn, Nguyễn Kim Long đã đi tìm thang, búa; kiếm cách trèo lên tường ngôi nhà đang cháy để thay nhau đập tường, cứu 4 người…

M. Tâm

Giới trẻ hẹn nhau đi hiến máu dịp lễ Quốc khánh

Dịp lễ Quốc khánh (ngày 2/9) năm nay, thay vì tụ tập uống cà phê hay vào rạp xem phim như thường lệ, Nguyễn Quân - 21 tuổi, ở quận Hà Đông, TP Hà Nội - cùng nhóm bạn hẹn nhau đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương để hiến máu.

Nhóm bạn của Quân đưa ra quyết định này sau khi xem hình ảnh những lá cờ Tổ quốc được xếp từ giấy chứng nhận hiến máu, được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Nguyễn Quân chia sẻ: “Lần này là lần thứ ba đăng ký hiến máu nhưng em có cảm giác hồi hộp, phấn chấn hơn 2 lần trước do hiến máu vào một dịp lễ đặc biệt. Hy vọng đây cũng sẽ là kỷ niệm đẹp của em với bạn bè”.

Lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết, trong vài năm trở lại đây, số người hiến máu tăng vào các ngày lễ. Viện đã lên kế hoạch để sẵn sàng tiếp đón các tình nguyện viên trong suốt kỳ nghỉ lễ, thời gian tiếp nhận máu từ 7 - 18g tất cả các ngày. Các tình nguyện viên có thể đăng ký trước qua ứng dụng (app) hiến máu.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Thalassemia, thuộc Viện Huyết học - Truyền máu trung ương - cho hay, các đoàn viên, thanh niên rất nhiệt tình tham gia các phong trào hiến máu nhân đạo hằng năm. Đó là hành động của “những người hùng thầm lặng” bởi máu chính là “liều thuốc” quan trọng, không thể thay thế đối với nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người mắc bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh).

Mới đây, chàng sinh viên khuyết tật Nguyễn Phúc Đức đã xếp giấy chứng nhận hiến máu thành tác phẩm cờ đỏ sao vàng, góp phần tạo nên trào lưu mới (trend) trên mạng xã hội. Vốn rụt rè, có chút e sợ trong lần đầu hiến máu, sau gần 10 năm, Phúc Đức đã có hơn 30 lần hiến máu.

“Em nhớ mãi câu nói của các tình nguyện viên khi ấy: nỗi đau mà người tham gia hiến máu chịu đựng khi kim chọc vào không là gì so với nỗi đau của bệnh nhi đang từng ngày, từng giờ chờ đợi nhận máu” - Phúc Đức tâm sự. Phúc Đức bị bất ngờ sau khi hành động xếp 30 giấy chứng nhận hiến máu thành hình lá cờ Tổ quốc được cộng đồng tình nguyện viên hiến máu hưởng ứng nhiệt tình.

Trước đó, cộng đồng hiến máu đã nhắc đến thượng úy Trần Văn Phú (Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị, Công an tỉnh Hậu Giang) với 83 lần hiến máu. Trong lúc tập hợp hồ sơ tại cơ quan, thượng úy Trần Văn Phú chợt nảy ra ý tưởng và thử xếp giấy chứng nhận hiến máu thành hình cờ đỏ sao vàng.

Từ lá cờ đầu tiên ấy, tới nay, đã có rất nhiều lá cờ được “vẽ” bằng giấy chứng nhận hiến máu. Đó là cách thể hiện niềm tự hào, tinh thần yêu nước rất độc đáo và ý nghĩa của những người trẻ sống có trách nhiệm.

Huyền Anh

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI