Người trẻ cũng bị nhồi máu cơ tim

24/03/2017 - 22:02

PNO - Theo ThS-BS Trần Hòa, Trưởng đơn vị can thiệp nội mạch, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược (ĐHYD) TP.HCM, trước đây, nhồi máu cơ tim (NMCT) thường gặp ở những người lớn tuổi (thông thường là ngoài 60 tuổi)

Nhưng ngày nay, có nhiều người trẻ - trong đó không ít người chỉ ở tuổi đôi mươi - mắc phải bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao này. 

Mới đây, khoa Nội tim mạch BV ĐHYD TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp bị NMCT là anh Nguyễn Văn N., 26 tuổi, quê ở tỉnh Đăk Lăk. Anh N. xuống TP.HCM thăm bạn gái, trong lúc đang đi chơi, anh bỗng bị đau ngực dữ dội, đồng thời vã mồ hôi rất nhiều. Cơn đau khiến anh muốn ngất nên mua thuốc giảm đau uống, nhưng càng lúc càng đau. Anh N. vào BV khám với ý nghĩ “chắc là đau dạ dày”. Dù thấy triệu chứng giống NMCT, nhưng các bác sĩ cũng ngờ ngợ bởi thấy người bệnh còn quá trẻ. Thế nhưng, sau khi đo điện tâm đồ và chụp mạch vành, các bác sĩ phát hiện anh bị NMCT cấp và mạch máu bị hẹp cả ba nhánh. 

Anh N. cho biết, từ trước đến nay anh rất khỏe, hiếm khi bệnh vặt, trong gia đình cũng không có ai mắc bệnh tim mạch, nên anh không bao giờ nghĩ mình mắc “bệnh của người già”. Nhưng qua khai thác bệnh sử, anh N. cho biết, anh hút thuốc lá từ năm 14 tuổi và mỗi ngày hút hơn một gói. Anh không biết rằng thuốc lá chính là yếu tố nguy cơ của bệnh NMCT. Anh được đặt stent tái thông mạch máu và phải uống thuốc trọn đời, bên cạnh việc bỏ thuốc lá. 

Nguoi tre cung bi nhoi mau co tim
 

Tháng 2/2017, BV ĐHYD TP.HCM cũng tiếp nhận chị Lê Thị V., 36 tuổi, ở quận 8, TP.HCM đến khám khi bị đau thắt ngực. Cứ 10-15 phút, chị bị đau từng cơn rất dữ dội. Kết quả, dù chưa bị NMCT, nhưng chị đã hẹp ba mạch máu. Theo ThS-BS Vũ Hoàng Vũ, Phó khoa Nội tim mạch, rất may là chị V. có dấu hiệu báo trước của NMCT và chị đã đến BV sớm, được can thiệp kịp thời khi cơ tim còn khỏe, chưa bị hoại tử. BS Vũ giải thích: “Với NMCT, có người có triệu chứng báo trước vài ngày, có người vô thẳng cơn NMCT, chỉ vài phút sau khi đau thắt ngực dữ dội thì đã bị NMCT”.

NMCT cấp là sự tắc nghẽn đột ngột và hoàn toàn mạch máu nuôi tim. Nguyên nhân thường do huyết khối. Huyết khối thường được hình thành ở vị trí của mảng xơ vữa động mạch. Trước đây, xơ vữa động mạch thường gặp ở người cao tuổi, nhưng ngày nay, có nhiều yếu tố gây xơ vữa động mạch như: rối loạn mỡ máu, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường… nên người trẻ cũng có nguy cơ mắc phải. Có những trường hợp xơ vữa đóng thành mảng ở gần các khớp cổ tay, chân, mắt, có thể nhìn thấy bằng mắt thường như trường hợp của hai cô gái dưới 30 tuổi bị NMCT từng được điều trị ở BV ĐHYD TP.HCM.  

Biểu hiện chính của NMCT cấp là cơn đau thắt ngực cấp tính như: đau ngực sau xương ức hay ngực trái, có thể lan lên cằm, vai hoặc tay trái; cơn đau thường xuất hiện khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức rất nhẹ; cảm giác nghẹn, thắt chặt hay đè ép ngực; đau ngực dữ dội làm người bệnh muốn ngất và không  thể tiếp tục những công việc thường ngày; cơn đau kéo dài hơn 30 phút; cơn đau không giảm khi nghỉ ngơi hay ngậm thuốc  dãn mạch Nitroglycerin. Ngoài ra, còn có triệu chứng đi kèm là vã mồ hôi, khó thở, có thể ngất. Trong một số trường hợp nặng, người bệnh có thể bị tụt huyết áp, choáng tim và đột tử. 

Nhiều người trẻ vẫn nghĩ rằng NMCT là bệnh của người già, nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Nhưng giới trẻ thường có tâm lý chủ quan, khi có cơn đau, thường nghĩ mình sẽ lướt qua hoặc nghĩ do bệnh về dạ dày, đau cơ xương… nên bỏ qua. Và vì sức trẻ, khỏe nên có thể với những trường hợp NMCT nhẹ, người trẻ sẽ lướt qua được mà không biết rằng bệnh đã để lại di chứng, khả năng tái phát rất cao và lần bị sau sẽ nặng hơn lần trước.

Do đó, để phòng ngừa bệnh, những người có người thân từng mắc bệnh này, hay có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao cần đi tầm soát, khám sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, cần tập thể dục, mỗi ngày ít nhất 20 phút và tránh căng thẳng, stress.

Do bệnh diễn tiến rất nhanh và nguy cơ tử vong rất cao, nên khi xuất hiện cơn đau ngực cấp tính dữ dội kéo dài 10 - 20 phút mà không giảm, cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm như suy tim, ngưng tim, thủng tim… “Thời gian vàng trong cấp cứu NMCT là 12 giờ đồng hồ, và càng sớm thì càng cứu được nhiều cơ tim, khả năng hồi phục tốt hơn, cũng như hạn chế di chứng về sau” - BS Vũ lưu ý. 

 Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI