Sau gần hai năm phát động, cuộc thi Văn học tuổi 20 (VH20) lần VI nhận 213 bản thảo, nhưng đến nay chỉ mới tám tác phẩm được chọn xuất bản; ban tổ chức đành dời hạn nộp bài đến hết tháng 5/2018 (thay vì tháng 3/2018). Trước những thay đổi lớn của thị trường sách, cuộc thi lần này là thách thức không nhỏ với người trẻ.
|
Một số tác phẩm dự thi Văn học tuổi 20 lần VI - Ảnh: T.Q.
|
Trong số tám bản thảo dự thi được chọn in sách, có bốn tác phẩm viết theo thể loại kỳ ảo: Cánh đồng ngựa (Nguyên Nguyên), Chuyến tàu nhật thực (Đinh Phương), Nhân gian nằm nghiêng (Đặng Hằng) và Thỏ rơi từ mặt trăng (Nguyễn Dương Quỳnh).
Các cuốn còn lại viết về tình yêu, tình đời, phận người: Cô ấy khiêu vũ một mình (Tịnh Bảo), Người kể chuyện tình trên phố yêu đương (Yudin Nguyễn), Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải (Nông Quang Khiêm) và Bữa đời lạc phận (Ka Bình Phong). So với những tên tuổi trẻ đình đám trên thị trường sách thì các tác giả này như một “phần chìm”.
Ngoài Nông Quang Khiêm, Đinh Phương và Nguyễn Dương Quỳnh, những cây bút còn lại đều lần đầu in sách. Thật không dễ để tác phẩm của họ đến rộng rãi với công chúng khi phần đông bạn đọc trẻ hiện đang cuốn vào một dòng sách khác: tản văn, du ký… của những “hot blogger”, sách của “hotboy, hot girl”…
Cây bút trẻ Minh Moon - giải ba VH20 lần V - nói: “Để tạo ấn tượng, người viết phải biết lựa chọn yếu tố độc, lạ. Bạn vẫn có thể khai thác những đề tài quen thuộc như tình yêu, tình mẫu tử, tình quê hương… nhưng tôi nghĩ, những cuốn sách được chú ý phải là những cuốn thật sự khác biệt, từ tiêu đề đến nội dung, cách thể hiện”.
Cây bút giải nhất VH20 lần V - Đỗ Nhật Phi - cũng bày tỏ: “Tác phẩm hay chưa đủ mà phải phù hợp với yếu tố trẻ, mới lạ; phản ánh được tâm tư, cuộc sống của giới trẻ hiện nay”.
“Hầu hết tác phẩm đều thể hiện những tâm hồn rất đẹp, tươi tắn và trẻ trung, luôn trăn trở đi tìm ý nghĩa cuộc sống, lựa chọn con đường thực hiện khát vọng. Mỗi tác giả chọn cho mình một giọng điệu riêng, những câu chuyện có thể truyền đi một cách mạnh mẽ tình yêu và niềm tin đến người đọc” - ông Dương Thành Truyền - Trưởng ban tổ chức cuộc thi nhận xét.
Giám khảo Phan Hồn Nhiên đánh giá: “Đến giờ, chúng tôi hoàn toàn an tâm về chất lượng tác phẩm, cả về cấu trúc lẫn cách thể hiện, sự đa dạng của thể loại, đề tài; vẫn thấy được một tín hiệu lạc quan cho văn chương trẻ từ cuộc thi”. Nghe qua, có lẽ phải chờ tiếp những tác phẩm được chọn xuất bản tiếp theo, bởi tám quyển vừa ra mắt chưa tạo được không khí sôi nổi hơn cho những cuộc bình chọn từ bạn đọc.
“Văn học truyền thống” - khái niệm dùng để phân biệt với “văn chương thị trường” - dù có quảng bá cách mấy vẫn “lép vế” trước dòng chảy khác của văn chương thời đại mới. Người trẻ dấn thân để viết đã ít, tác giả kiên trì đầu tư thời gian cho truyện ngắn, tiểu thuyết cũng không nhiều.
Nhiều ngòi bút trẻ chỉ viết bằng trải nghiệm, cảm xúc tự thân. VH20 không nhận tản văn, du ký nên đã sàng lọc bớt được “rừng tác giả”. Tuy nhiên, tiêu chí này cũng đặt người trẻ trước thách thức lớn: phải bước vào văn chương bằng một tác phẩm văn học đúng nghĩa.
Theo thông tin từ ban tổ chức, vẫn có những tác giả lớn tuổi gửi tác phẩm, nhưng hơn 50% bản thảo dự thi là của tác giả 9X, phần lớn còn đi học hoặc vừa ra trường. Ngoài ra, còn có nhân viên văn phòng, biên kịch, cây bút tự do… không chỉ tại Việt Nam mà cả những bạn trẻ Việt đang sống ở Úc, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc…
Quy mô cuộc thi trải rộng và số lượng truyện dài cũng tăng hơn nhiều so với những cuộc thi lần trước. Nhưng tìm được bản thảo có chất lượng giới thiệu đến công chúng, hoặc xứng tầm với giải thưởng lại là một vấn đề khác.
Vẫn còn hơn tám tháng nữa để các cây bút chạy đua. Nhưng khách quan mà nói, những tên tuổi đoạt giải VH20 “thời kỳ đầu” gây ấn tượng sâu đậm hơn, đi đường dài hơn với văn chương: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy, Phong Điệp, Phan Việt… Còn từ cuộc thi lần IV về sau, ngoài giải nhất được nhắc đến nhiều, các tác phẩm đoạt giải khác thật sự rất… dễ quên. Một số tác giả đoạt giải, sau đó, không biết đi đâu về đâu. Tác phẩm được trao giải của họ cũng vì thế mà lạc lõng, nhanh chóng bị khuất lấp.
VH20 đến thời điểm này vẫn thu hút được một bộ phận người viết và người đọc trẻ là điều đáng mừng. Nhưng so với giai đoạn khởi đầu, cuộc thi như đang nép mình riêng một góc giữa “sức công phá” của rất nhiều đầu sách dễ in, dễ đọc (và cũng dễ quên) hiện nay. Tuổi 20 đang “viết về mình” theo một cách rất khác thế hệ các nhà văn đi trước. Liệu rằng người viết trẻ hiện nay có đủ sức trổ tài trên “đường đua danh giá” này mà khẳng định mình?
Diệp Nguyễn