Người trẻ chọn “về nhà cha mẹ” giữa thời lạm phát

24/05/2023 - 06:25

PNO - Chi phí sinh hoạt tăng, nợ học phí, tỉ lệ thất nghiệp cao… khiến nhiều người trẻ tại Mỹ, Anh, Úc... đành tạm gác lại ước mơ và hoài bão, chọn cách trở về sống với cha mẹ trong thời điểm cuộc sống có quá nhiều khó khăn.

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Pew, dữ liệu của Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ vào tháng 7/2022 cho thấy có khoảng 50% người Mỹ từ 18-29 tuổi đang sống cùng cha mẹ. Đây là tỉ lệ cao bất thường trong văn hóa Mỹ. Theo đó, khoảng 48% thanh niên cho rằng thay vì thuê nhà, họ có thể để dành tiền chi cho những nhu cầu khác như mua sắm, giải trí, du lịch; thậm chí là để dành đến khi đủ tiền mua nhà mới dọn ra riêng chứ không như trước đây - vay mua nhà trước rồi làm việc kiếm tiền trả dần.

Nhiều phụ huynh đang sẵn sàng đón nhận con cái về ở cùng để giúp con tiết kiệm, giảm chi phí
Nhiều phụ huynh đang sẵn sàng đón nhận con cái về ở cùng để giúp con tiết kiệm, giảm chi phí

Jannie Morris - 22 tuổi, tốt nghiệp đại học năm 2022 và đang nợ hơn 40.000 USD học phí. Sau khi tốt nghiệp, cô chuyển về sống với cha mẹ ở bang Texas với mục tiêu tiết kiệm tiền thuê nhà và cố gắng trả nợ. "Đây không phải điều tôi muốn nhưng là cách giúp tôi giảm bớt các chi phí và trả dần khoản nợ vay" - cô nói.

Một người trẻ khác là Jennifer Johnson tâm sự: việc dọn về sống cùng gia đình là quyết định đúng đắn và bạn bè của cô cũng đang chọn cách này. "Đây là cách chúng tôi nhanh chóng trả các khoản vay sinh viên hoặc tiết kiệm cho những mục tiêu mua nhà hay làm đám cưới chẳng hạn", cô nói.

Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia châu Âu cũng đang chứng kiến mức lạm phát cao nhất trong 4 thập niên. Nhiều người trẻ chưa từng trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn trong quá khứ nay đã bị sốc khi phải đối mặt với những khoản chi phí sinh hoạt cao ngất.

Khảo sát do Tạp chí Nature thực hiện cho thấy, gần 9/10 sinh viên tốt nghiệp đại học trên toàn thế giới đang gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa chi phí sinh hoạt tăng cao và việc học tập. 45% trong số đó cho biết, chi phí sinh hoạt leo thang có thể buộc họ phải từ bỏ kế hoạch học lên các cấp học cao hơn.

"Sau 8 năm xa nhà kể từ thời sinh viên, từ cuối năm 2022, tôi phải quay trở về ngôi nhà của cha mẹ. Nó là một cảm xúc rất lạ, cứ như bạn đang làm những việc không nên làm ở tuổi này vậy. Nhưng tôi cần tiết kiệm từng chút một để trả nợ" - chị Chelsea - 26 tuổi, sống ở Anh - cho biết.  Mẹ của Chelsea cũng rất thông cảm cho hoàn cảnh của con gái và vui vẻ khi gia đình sống chung. "Nhiều hàng xóm của tôi cũng có con cái ở tuổi trưởng thành sống với họ, bởi mọi thứ giờ đây trở nên quá đắt đỏ".

Theo khảo sát của Bankrate - nhà cung cấp dữ liệu tài chính tiêu dùng của Mỹ - giới trẻ ngày nay cảm nhận được sức nặng của lạm phát rõ rệt hơn so với các thế hệ trước. Cứ 10 người từ 18-40 tuổi thì có hơn 7 người tiết kiệm được một ít tiền. Cứ 4 người trong độ tuổi 25-34 thì có 1 người đang sống trong một hộ gia đình đa thế hệ. "Từng là điều cấm kỵ nhưng hiện nay việc giới trẻ sống chung với gia đình lại được nhìn nhận như nhu cầu thiết thực và xu hướng này sẽ còn tiếp tục" - bà Erica Komisar - nhân viên xã hội tại Mỹ - nói. 

Một điểm tích cực nữa mà giới trẻ nhận thấy khi quay trở về sống với gia đình là ngoài việc tiết kiệm chi phí, họ có thêm chỗ dựa tinh thần từ gia đình, cha mẹ. "Tôi nghĩ sống dựa vào cha mẹ mới bị coi thường, còn chúng tôi dù ở chung nhưng vẫn có việc làm và có lương. Chúng tôi vẫn trả chi phí cho cha mẹ và mọi người vẫn vui vẻ, yêu thương nhau. Tôi thấy sống một mình là điều không cần thiết" - Trysta Barwig - Giám đốc dự án của một cửa hàng nội thất ở Atlanta, Mỹ - nói.

Thu Thanh (theo New York Times, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI