Người trẻ chỉ muốn điều khó

26/09/2016 - 16:39

PNO - Hope với người khác là hy vọng, còn Phi Anh gọi đó là mộng ước - một giấc mơ bay bổng và lộng lẫy của những người trẻ như anh về điều tốt đẹp vẫn hiện diện trên cuộc đời này.

Những nghệ sĩ lứa trước có người cười nhẹ khi nghe câu chuyện về PPAN, “cứ để cậu trai ấy được mơ hoang thì đã sao”. Nền sân khấu đang ở đoạn thoi thóp cầm hơi thê thảm, khán giả Hà Nội đã lạnh lùng với sân khấu đến mức người ta không thể nhớ lần cuối mình đến rạp để thưởng ngoạn một vở diễn là lúc nào.

Nhạc kịch càng khó hơn - “món ăn Tây” mà người Việt ngó vào vừa tò mò vừa nghi ngờ vừa muốn... tẩy chay. PPAN làm nhạc kịch, nghĩa là có cả diễn, cả hát, cả múa trên cùng một sân khấu. Vậy mà, diễn viên, ca sĩ và vũ công của anh hoàn toàn tay ngang.

TS Nguyễn Thị Minh Thái thì bảo Phi Anh khôn ngoan. Vì bước tiến của một nền sân khấu luôn được đo bởi sự bứt phá của đạo diễn chứ không phải của diễn viên. Nên Phi Anh quan niệm tính chuyên nghiệp chỉ cần ở đạo diễn - thứ mà anh chắc chắn kiểm soát được. Từ “cái lõi” đó, anh sẽ truyền năng lượng và khát khao cho những người đồng hành cùng mình.

Họa sĩ Lê Thiết Cương thì nhìn kẻ non nớt đang hăm hở những bước đầu tiên trên con đường nghệ thuật, trìu mến: “Chàng trai này chỉ muốn làm điều khó, cậu ta không chịu được sự buồn tẻ và lặp lại”. Dự án mà PPAN “một mình ba vai” (đạo diễn-biên kịch-nhà sản xuất) là Hope, bắt đầu sáng đèn trên sân khấu L’Espace Hà Nội vào tối 4/10, và chạy liền tù tì từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017.

Hope với người khác là hy vọng, còn Phi Anh gọi đó là mộng ước - một giấc mơ bay bổng và lộng lẫy của những người trẻ như anh về điều tốt đẹp vẫn hiện diện trên cuộc đời này. Hope gồm ba vở nhạc kịch theo phong cách Broadway, lần lượt được công diễn là Đêm hè sau cuối (tháng 10), Góc phố danh vọng (tháng 11), và Mộng ước không xa vời (tháng 1/2017).

Nguoi tre chi muon dieu kho

Riêng hai vở đầu từng được trình diễn 10 buổi “cháy vé” vào năm 2013, được khán giả và người trong giới đánh giá cao. Lúc đó PPAN 22 tuổi. Thành công này giúp PPAN lọt vào top 30 người trẻ dưới 30 tuổi có đóng góp tích cực cho xã hội - do Forbes Việt Nam bình chọn năm đầu tiên. Cả ba vở nhạc kịch trong Hope đều vui vẻ, lạc quan và gần gũi, kịch bản đậm tính Việt.

Những câu chuyện trong hiện tại, lôi cuốn và dễ hiểu, ngôn ngữ trẻ trung hóm hỉnh, kịch bản thắt mở liên tục, trang phục sành điệu, các bản hit đình đám thời thượng của Lady Gaga, Bruno Mars, Britney Spears… được “trộn” khéo léo với giai điệu bất tử của những vở nhạc kịch nổi tiếng như Cabaret, Grease, Nine… khiến nhạc kịch của PPAN nhẹ nhõm, hấp dẫn và làm người xem đi từ thích thú đến bất ngờ.

Có thể khán giả kỹ tính phản ứng vì tính chính thống của nhạc kịch dường như bị “nhại” đi trong các tác phẩm của PPAN. Phi Anh nói, “tôi muốn mọi người đến xem vở diễn có nhạc và có kịch, nhạc là nhạc đại chúng. Thế thôi!”. Không hàn lâm, và giàu tính giải trí - đó là chủ đích của PPAN.

Anh muốn đối thoại, muốn có người lắng nghe và được va chạm. Vậy thì phải cất tiếng nói thành thật và chung ngôn ngữ với người nghe, câu chuyện của hôm nay phải được kể bằng giọng kể tươi nguyên của ngày hôm nay.

Phi Anh thì sao? Anh cứ đi từ mộng ước này sang mộng ước khác, vừa ngây thơ vừa khôn ngoan, vừa điên rồ vừa tỉnh táo, cùng lời tự cam kết với bản thân: “Mình sẽ làm và tìm đủ mọi cách để làm được, những gì mình tin là đúng”.

PPAN chia sẻ: “Tôi thích bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ. Trong số khán giả, tôi tin có những người sẽ bớt đi than thở, bớt nhìn đời tiêu cực. Họ không còn ngồi chê bai đời sống và nghệ thuật, mà sẽ đứng lên làm một cái gì đó, để chính mình được chuyể n độ ng về phía có năng lượng tích cực. Khi mọi người đều bắt tay vào sửa sang chính mình và sửa sang cuộc sống này, đừng để nó tạm bợ hay nhem nhuốc, thì những điều thú vị và đẹp đẽ sẽ xảy ra…”.

Quỳnh Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI