Dịch bệnh do virus Corona gây ra như đang trở thành sân khấu của những kẻ thích lừa. Trước sân khấu bịp bợm đó, nỗ lực của mọi cơ quan hữu trách và cả bộ máy truyền thông đều bị phớt lờ.
Trên mạng xã hội, ở đầu ngõ, trong tiệm làm tóc, ở hàng ăn… không đếm hết những thông tin giật gân về “số người chết đang bị giấu”, “số ca nhiễm bệnh Corona nằm la liệt ở Bệnh viện Chợ Rẫy”, anh A, chị B rồi có khi là… chính tôi (người phao tin) đã bị nhiễm bệnh. Trong bối cảnh “đầy nguy hiểm và kỳ bí” được vẽ ra như thế, người ta đồng thời chia sẻ những bài thuốc đông y, những món nước cây lá, rồi cả… niệu liệu pháp (uống nước tiểu) để phòng bệnh do virus Corona. Trong một cuộc phỏng vấn, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - đã phải thốt lên rằng, những “fake news” (tin giả, tin rác) đã tạo ra những rối loạn không đáng có.
Chuyện dịch bệnh, ở một góc nhìn nào đó, đã trở thành một bi kịch trầm kha từ fake news. Giữa những biến thiên của dịch bệnh, xuất hiện những “bệnh nhân fake news” và cả những “bác sĩ tin vịt”. Bệnh nhân fake news là những người bị những thông tin vô căn cứ làm cho khiếp sợ, chợt cảm thấy mắc bệnh, rồi một mực đến nơi đang căng mình chống dịch để xin xét nghiệm. Bác sĩ tin vịt được cả cộng đồng hàm ơn vì những bài thuốc “phòng ngừa dịch” vô căn cứ.
Những kẻ câu view còn bất chấp mọi thứ, lao vào phòng cấp cứu để gây sự, hòng ghi được hình ảnh nổi giận, phản ứng của nhân viên y tế. Chuyện khó tưởng tượng đến vậy mà sự thật, theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thì “mùa dịch nào cũng có”.
Bằng những cách như thế, những kẻ câu view trên mạng đã khơi mào nhiễu loạn. Nhưng, hình như thảm họa thực sự không hẳn nằm ở họ. Những kẻ cố tình tung tin vịt chỉ là thiểu số, “hội những người tốt dễ dãi” mới thực sự hùng hậu. Họ sẵn sàng “share tin cứu người”, sẵn sàng cấp báo một sự thật giật gân từ “thầy thuốc đông y”, “hàng xóm làm trong bệnh viện” nào đó để “cảnh tỉnh” mọi người. Họ thừa nhiệt tình nhưng thiếu lý lẽ. Họ tốt, họ rộng rãi và họ dễ dãi lan truyền hoang tin nhằm mục đích “cứu giúp mọi người” mà không cần biết độ xác thực.
|
Ảnh minh họa |
Những tin vịt về đại dịch, về các bài thuốc vô căn cứ đã lan tràn khắp nơi, trở thành “bí kíp” theo cái cách như thế. Với mục đích “một lần nhấp tay, cứu ngay một mạng người”, từng cái nhấp chuột dễ dãi đó đã “luộc” luôn mọi nỗ lực thông tin hữu ích của cả bộ máy truyền thông và cộng đồng chuyên môn. Xã hội chìm trong hoang mang và người ta bắt đầu tự trấn an bằng các bài thuốc, bằng việc mua trữ hàng đống khẩu trang, hay thậm chí đến ngồi lì ở những phòng cấp cứu để xin được xét nghiệm dù nhân viên y tế đã giải thích là không cần thiết.
Thế nhưng, fake news có phải chỉ gây phiền toái, làm quá tải cho một cộng đồng đã sẵn căng thẳng? Fake news giữa dịch bệnh lần này làm tôi nhớ đến những thảm họa khủng khiếp trong lịch sử. Ngày 31/8/2005, xảy ra vụ giẫm đạp tại Iraq trong cuộc hành hương của hàng chục ngàn người Hồi giáo dòng Shiite. Hoảng loạn bắt đầu từ tin đồn “có đánh bom” khiến mọi người bỏ chạy tán loạn, giẫm đạp nhau khiến 1.000 người thiệt mạng.
Ngày 15/10/2016, khi hàng chục ngàn tín đồ Hindu đang nhích từng bước qua cây cầu Rajghat tiến vào làng Domri nằm bên bờ sông Hằng trong một lễ hội thường niên kéo dài hai ngày thì xuất hiện tin đồn “sập cầu”, khiến hàng chục người chết do bị giẫm đạp. Cuộc giẫm đạp thảm họa trong hội nước ở Phnom Penh, Campuchia vào đêm 22/11/2010 khiến 375 người chết cũng được cho là bắt đầu từ tin đồn cây cầu mà đoàn người đang đi qua sắp sập.
|
Chen lấn mua khẩu trang tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc - Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+ |
Sập cầu, đánh bom là những fake news. Những cuộc giẫm đạp này cho thấy thảm họa rùng rợn của một tin vịt. Còn với tin vịt giữa dịch bệnh, trong đời thường, hậu quả của nó không đong đếm ngay được bằng những con số thương vong, nhưng những cuộc “giẫm đạp” vì hoảng loạn cũng không kém bi kịch. Người ta cuống cuồng mua khẩu trang, cuống cuồng vào phòng cấp cứu của những cơ sở y tế đầu não đang căng mình chống dịch bệnh.
Khẩu trang vì thế mà khan hiếm, bệnh viện quá tải. Những nguồn lực lẽ ra phải dành để chăm sóc những bệnh nhân thực sự lại phải phân tán cho những đối tượng “vì lo mà đến”. Đó cũng là những cuộc giẫm đạp để giành phần lợi, phần an toàn cho mình.
Trong những đại họa giẫm đạp, người đầu tiên phao tin “cầu sập”, “có bom” là kẻ tạo tin vịt nhưng thảm họa chỉ bắt đầu khi những người trong đám đông đó hoảng loạn hoặc nhiệt tình lan truyền tin vịt cho nhau. Trong đại dịch lần này cũng vậy, những hoang tin về số người chết, về sự nguy hiểm thái quá của dịch bệnh, về những bài thuốc đều xuất phát từ những kẻ phao tin, nhưng chính những người tốt vô tình và nhiệt tình đã lan truyền sự hoảng loạn.
Trong sự xúc động, lòng biết ơn với những vị bác sĩ đang đứng nơi “đầu sóng ngọn gió”, chống fake news cũng là một mặt trận mà mọi người đều có thể góp sức, để đẩy lùi gánh nặng dịch bệnh. Chỉ cần không chia sẻ tin vịt một cách dễ dãi, chỉ cần một phút dừng lại để cân nhắc giữa cái lợi mù mờ và cái hại mười mươi của một thông tin khống, bạn đã “có ích” phần nào.
Ngay cả cuộc giẫm đạp xuất phát từ một tin thật, như thông tin đám cháy bên đường khiến 300 tín đồ Hindu chết do hoảng loạn mà giẫm đạp nhau trong cuộc hành hương đến Mandhar Devi, Ấn Độ thì thảm họa vẫn không xuất phát từ nguyên nhân thật của nó. Lần này cũng vậy. Dịch bệnh có thể rất nguy hiểm, nhưng nó dễ trở thành thảm họa hơn bởi chính trạng thái hoảng loạn mù quáng của con người.
Minh Trâm