Phục dựng di sản của một thời đại mà chính mình cũng không trải qua, chính mình cũng không mang ký ức, nhà báo Lê Hồng Lâm đã làm công việc như một nhà khảo cổ, khai quật và xâu chuỗi lại những hóa thạch của thời gian, làm sống lại câu chuyện điện ảnh miền Nam từ năm 1954 đến 1975.
Nhiều người tìm tới các đề tài quá khứ vì một sự mê mệt với những gì đã qua, nhưng khi đọc cuốn khảo cứu Người tình không chân dung của Lê Hồng Lâm, thấy một sự tỉnh táo và không có hội chứng nào của một người cuồng quá khứ. Anh không lý tưởng hóa một nền điện ảnh đã sụp đổ: điện ảnh miền Nam hiện ra với tất cả những huy hoàng và những bi đát, những huyền thoại và những vỡ mộng của giới làm nghề, những viên ngọc lung linh và những tác phẩm ba xu.
|
|
Tác giả đã dành rất nhiều thời lượng để họa lại những “người tình” của điện ảnh: những minh tinh sáng nhất và những đạo diễn lớn nhất thời điểm đó. Họ hiện ra, hoặc sau khi đã chết, hoặc sau khi đã thôi làm những cô đào ăn khách, đã đi đến chặng cuối đời mình, thời điểm mà họ có thể ôn lại quá khứ với sự sáng suốt và bình thản của người rành rẽ về những khúc ngoặt số phận, những thành bại trong đời, và cả những tan rã chóng vánh của vinh quang hay lụn bại: Kiều Chinh từ ảnh hậu đến đi tù, Trần Quang từ Clark Gable Việt Nam đến đi hát chui, Kim Cương từ kỳ nữ của sân khấu đến chiếc bóng bên đường của điện ảnh.
Cái thú khi đọc Người tình không chân dung không chỉ nằm ở chuyện hình dung lại một thời quá vãng, mà còn phảng phất ở chỗ, hình như những chuyện tưởng là cũ mà lại chẳng cũ bao giờ, nó vẫn đang lặp lại ở nền điện ảnh Việt Nam đương đại.
Chẳng hạn, ở một chương, tác giả kể câu chuyện bài toán kinh phí, lỗ lãi khiến người làm phim khi đi hăm hở khi về bủng beo. Điều đó cũng đúng trong hoàn cảnh hiện tại, khi nhiều người tưởng điện ảnh là mảng dễ xơi, đến lúc lao đầu vào rồi thì lỗ chỏng gọng. Hoặc câu chuyện kiểm duyệt của điện ảnh miền Nam xưa, với cơ chế duyệt phim ngặt nghèo, đôi khi vô lý, và hội đồng thì khó tính đến mức được đặt cho biệt danh “bà già kiểm duyệt”. Và như đã thấy, lịch sử tuy đã sang trang, nhưng những “bà già kiểm duyệt” thì vẫn còn đó.
|
Người tình không chân dung là cuốn biên khảo mới nhất của nhà báo Lê Hồng Lâm về điện ảnh miền Nam từ năm 1954 đến 1975 |
Rồi đọc về những trào lưu phim kinh dị, phim du đãng, phim phản chiến, phim nghệ thuật của điện ảnh miền Nam thuở trước, thấy rằng sự háo hức của những nhà làm phim trong một nền điện ảnh mới nảy mầm, và bất cứ thứ gì cũng có vẻ mới mẻ và đáng để thử sức, cái tinh thần ấy như cũng hiển hiện ở nền điện ảnh hôm nay - một nền điện ảnh còn tươi nguyên và bất cứ cái gì được làm ra cũng có thể chính là lần đầu tiên, với các đạo diễn và nhà sản xuất hiện đại dấn thân vào các dòng giật gân, hình sự, hành động, cố gắng tìm ra một lối đi mới. Có lẽ những người đã trót sa chân vào điện ảnh thì thời nào và ở đâu cũng vậy.
Phần lớn người ta cho rằng không nên vội đánh giá một cuốn sách qua hình thức, nhưng chắc họ chừa cuốn sách này ra. Những giai nhân tài tử trên các trang bìa tạp chí điện ảnh xưa, những tấm poster phim sặc sỡ, những tờ viết nhạc, những tấm hình của những rạp chiếu bóng Sài Gòn, chúng ngồn ngộn hiện lên và tự thân chúng kể lại một đời sống giải trí sôi nổi của miền Nam.
Tôi vẫn nhớ nhất có một ảnh chụp buổi chiếu phim Con ma nhà họ Hứa năm 1973, trước cổng rạp ùn ùn người xe chen vai thích cánh kiếm suất xem phim - người ta giữa lúc chiến tranh vẫn có thể tìm vui như thế đấy. Một tấm ảnh khác cũng thật đáng nhớ, đó là chân dung thủ bút của tài tử Marlon Brando tặng bạn đọc một tờ tạp chí Sài Gòn. Gộp tất cả những điều ấy lại, ta trộm nghĩ tất cả giống như một hội chợ phù hoa.
Trong cuốn phim Người tình không chân dung của Hoàng Vĩnh Lộc - một trong những cuốn phim kinh điển của nền điện ảnh miền Nam, cũng là cuốn phim mà tác giả đã lấy tựa đề của nó làm tựa đề cho cuốn sách, ở Mỹ Lan - người nữ phát thanh viên đã đánh cược số phận mình vào việc bắt thăm lá thư bất kỳ của một chiến sĩ bất kỳ ngoài mặt trận gửi đến, và dù anh ta là ai đi nữa, thì cô cũng sẽ lấy làm chồng, đã có cuộc chuyện trò cùng một vị bác sĩ. Người này đã nói về vụ tự sát của một viên trung sĩ khi biết dự định của cô: “Hắn không tin trên đời này lại có một thứ tình yêu, siêu tình yêu”.
Có lẽ với riêng Lê Hồng Lâm, thì thứ “siêu tình yêu” ấy có thật, dù ở đây là dành cho điện ảnh, và hẳn chính nhờ thứ “siêu tình yêu” ấy mà anh đã kéo lại rất nhiều câu chuyện và những chân dung từ thăm thẳm lãng quên.
Hiền Trang