Người tiêu dùng: Vui trước mắt, buồn lâu dài

31/10/2024 - 13:26

PNO - Ngày 13/10, tôi nhận được tin nhắn của một nhà báo kỳ cựu, nguyên văn: “Một dấu mốc nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Sẽ có dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Tin như sét đánh. Tại sao không làm việc này với các nước mà Việt Nam có thặng dư thương mại, như Mỹ, Nhật, Hàn, Úc mà với Trung Quốc? Hàng Trung Quốc nổi tiếng rẻ nhưng chất lượng phập phù, lâu nay càn quét thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, hàng hóa nhập khẩu được gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá dưới 1 triệu đồng sẽ không bị thu thuế giá trị gia tăng. Với quyết định này, hàng Trung Quốc vào Việt Nam coi như được miễn thuế. Với lợi thế dân số, hàng Trung Quốc được sản xuất đại trà, số lượng lớn nên hàng Việt khó mà cạnh tranh sòng phẳng.

Sau bão Yagi, có một cơn bão khác nguy hại hơn nhiều lần, đó là bão “TMĐT giá rẻ” của bộ tứ 1688.com - Temu - Shein - Taobao từ Trung Quốc. Bão Yagi và Trà My là thiên tai, chỉ tàn phá một số khu vực trong thời gian rất ngắn, còn bão TMĐT giá rẻ là nhân tai, càn quét khắp Việt Nam và chưa biết lúc nào chấm dứt. Thiên tai không thể ngăn chặn nhưng nhân tai thì có thể, bởi con người tạo ra được thì có thể xóa bỏ được. Vấn đề là muốn hay không.

Temu gây chú ý tại thị trường Việt Nam thời gian qua với chính sách giá rẻ
Temu chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, nhưng đã quảng cáo rầm rộ cho chiến lược bán hàng giá rẻ của mình

Người tiêu dùng vui buồn lẫn lộn. Vui trước mắt, buồn lâu dài. Vui vì mua được hàng giá rẻ, giao nhanh, gọn. Buồn vì hàng Việt “tứ bề thọ địch”. Nhà sản xuất chậm thay đổi do lâu nay không có đối thủ cạnh tranh khốc liệt. Cơ quan quản lý lơ là, nhiều khi còn làm khó nhau bằng những quy định bất cập. Nay hàng giá rẻ chuyển thẳng từ Trung Quốc sang chỉ trong 2-3 ngày, ở đâu cũng giao, thậm chí miễn phí vận chuyển rất nhiều đơn hàng, khiến cuộc đua kinh doanh của DN Việt càng khó chồng khó.

Nhưng, “trong họa có may”. Đây là dịp DN Việt nhìn lại mình, “thay đổi hay là chết”. Phải thay đổi mẫu mã, tối ưu hóa sản xuất, công nghệ hóa dịch vụ, tinh gọn bộ máy, tổ chức tốt khâu tiếp thị, phân phối sản phẩm. DN Việt phải thích ứng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Người ta làm được, mình phải làm được. Nếu giá và chất lượng tương đương, chắc chắn người Việt sẽ ưu tiên mua và dùng hàng Việt.

Mới đây, Malaysia áp thuế giá trị gia tăng 10%, Thái Lan 7% với các sàn TMĐT nước ngoài, nhưng mạnh mẽ hơn cả là Indonesia. Chính phủ Indonesia yêu cầu Google và Apple chặn ứng dụng TMĐT Temu của Trung Quốc trên các cửa hàng ứng dụng. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Budi Arie Setiadi nói: “Việc này nhằm bảo vệ DN vừa và nhỏ trong nước. Indonesia không bảo vệ ngành TMĐT mà bảo vệ hàng triệu DN vừa và nhỏ. Chính phủ sẽ chặn bất kỳ khoản đầu tư nào từ Temu vào TMĐT trong nước nếu điều đó xảy ra và chuẩn bị cấm với Shein”. Năm ngoái, Chính phủ Indonesia đã buộc nền tảng mạng xã hội TikTok ngừng dịch vụ TMĐT để bảo vệ các tiểu thương và dữ liệu người dùng trong nước.

Nhà chức trách Việt Nam cần khẩn trương, chủ động, quyết liệt hơn với các sàn TMĐT xuyên biên giới. Đừng để DN Việt tự bơi, tự cứu. Cần xem lại chính sách thuế đối với TMĐT, có rào cản với TMĐT, đảm bảo sự minh bạch, công bằng, đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ DN trong nước - nhất là DN nhỏ và vừa - để bảo hộ nền sản xuất, kinh doanh trong nước.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI