Người tiêu dùng và doanh nghiệp hưởng lợi gì khi CPTPP được ký kết?

09/03/2018 - 09:32

PNO - Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam hưởng khá nhiều lợi ích khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết rạng sáng nay (9/3). 65,8% số dòng thuế sẽ loại bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh liệt kê những lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ CPTPP là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia…

Theo đại diện Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), người tiêu dùng trong nước sẽ tiếp cận những sản phẩm dệt may, da giày có thương hiệu từ các nước phát triển với giá cả thấp hơn, do một số sản phẩm nhập từ các nước trong “khối” CPTPP thuộc nhóm hàng dệt may, giày dép sẽ được bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Nhựa, sản phẩm từ nhựa, hóa chất, giấy, đồ gỗ, máy móc, thiết bị… cũng được xóa bỏ thuế ngay lập tức, số ít sẽ xóa bỏ sau 4 năm nữa. 

Nguoi tieu dung va doanh nghiep huong loi gi khi CPTPP duoc ky ket?
Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh chóng ngay sau khi CPTPP được ký kết.

Ngành hàng ô tô cũng chỉ được xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 13 sau khi hiệp định được ký kết, riêng ô tô con có dung tích xi-lanh từ 3.000CC trở lên, thời gian xóa bỏ thuế là khoảng 10 năm nữa.

Với mặt hàng ô tô cũ được nhập theo hạn ngạch, ban đầu Việt Nam chỉ nhập 66 chiếc/năm, tăng dần theo các năm và đạt mức 150 chiếc kể từ năm thứ 16, khi thuế nhập khẩu mặt hàng này bằng 0%. Điều này có thể tạo điều kiện cho các nhà sản xuất ô tô trong nước phát triển.

Với mỗi loại hàng hóa, Việt Nam có những ưu đãi thuế quan khác nhau cho tất cả các doanh nghiệp (DN) tại các quốc gia tham gia CPTPP muốn xuất vào Việt Nam, trong đó có 65,8% số dòng thuế sẽ được loại bỏ (thuế suất 0%) ngay khi hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ tư kể từ khi hiệp định có hiệu lực và 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Theo nguyên tắc trong cam kết về ưu đãi thuế quan của CPTPP, các nước sẽ xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa Việt Nam nhưng không phải là xóa bỏ toàn bộ ngay lập tức; một số nước vẫn giữ thuế hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số sản phẩm mà họ cho là nhạy cảm với hàng sản xuất trong nước của họ, chỉ có khoảng 78-95% số dòng thuế được xóa bỏ ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình, sẽ xóa bỏ thuế quan 97-100% dòng thuế trong biểu thuế của các nước tham gia CPTPP.

Nông nghiệp có bị đe dọa? 

Khi kết thúc đàm phán TPP, đã có những lo ngại rằng, ngành nông nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ. Không ít nhóm hàng như thịt gia súc, gia cầm, mía đường trong nước đã xiểng niểng vì không thể cạnh tranh được hàng nhập khẩu ngay cả khi còn thuế quan.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận trong lĩnh vực nông nghiệp, một số DN còn chậm chạp đổi mới, tái cơ cấu, hiệu quả và năng lực cạnh tranh rất thấp so với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, theo cam kết thì những mặt hàng yếu thế của Việt Nam xem ra vẫn còn thời gian để chuẩn bị. Cụ thể, chỉ có sữa và các sản phẩm từ sữa được xóa bỏ ngay thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam sau khi hiệp định được ký, nhưng không phải là toàn bộ. Vẫn có những nhóm sản phẩm mà sau 3 năm nữa, thuế nhập mới được xóa bỏ. Gạo và phân bón cũng nằm trong nhóm được xóa bỏ thuế ngay sau khi ký hiệp định.

Hiện không ít chủ DN lo ngại CPTPP có thể có những điều khoản mâu thuẫn với những thỏa thuận trong các hiệp định tự do thương mại FTA.

Các chuyên gia thuộc VCCI cho rằng, FTA tập trung vào việc mở cửa thị trường hàng hóa, trong đó Việt Nam và các nước ký cam kết dành ưu đãi thuế quan cho hàng hóa của nhau.

Do đó, nếu ở cùng một thị trường có cả FTA và CPTPP liên quan đến xuất khẩu, DN có thể xem xét FTA hay CPTPP có lợi cho hàng hóa của mình  để lựa chọn.

Nhóm hàng trong nước thường xuyên chịu sức ép từ sản phẩm nhập khẩu như thịt gà, sau ít nhất 11 năm nữa, thuế suất mới xóa bỏ. Tương tự, thịt heo tươi là 10 năm, thịt heo đông lạnh là 8 năm; các loại thực phẩm chế biến từ thịt xóa bỏ vào năm thứ 8-11; sản phẩm chế biến từ thủy sản cũng sau 5 năm nữa, thuế suất mới bằng 0%.

CPTPP không có cam kết về trợ cấp nội địa đối với nông sản. Vì vậy, có thể hiểu là Việt Nam vẫn có thể tiếp tục sử dụng các biện pháp trợ cấp nội địa cho nông sản mà WTO cho phép.

Các chuyên gia đánh giá, nếu tận dụng tốt khoảng thời gian áp dụng việc xóa bỏ thuế theo lộ trình, ngành này vẫn có cơ hội vươn lên. Ngoài ra, sau khi hiệp định này được ký kết, nhiều nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản hiện chưa có được sự đầu tư bài bản đặc biệt có thể thu hút được các DN, nhà đầu tư các nước. Thêm vào đó, nhiều nhóm hàng thủy hải sản sẽ vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Canada… 

Doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn

Hiện không ít chủ DN lo ngại CPTPP có thể có những điều khoản mâu thuẫn với những thỏa thuận trong các hiệp định tự do thương mại FTA. Các chuyên gia thuộc VCCI cho rằng, FTA tập trung vào việc mở cửa thị trường hàng hóa, trong đó Việt Nam và các nước ký cam kết dành ưu đãi thuế quan cho hàng hóa của nhau.

Do đó, nếu ở cùng một thị trường có cả FTA và CPTPP liên quan đến xuất khẩu, DN có thể xem xét FTA hay CPTPP có lợi cho hàng hóa của mình  để lựa chọn.

Chẳng hạn, khi xuất hàng hóa vào Nhật, DN sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan từ nhiều hiệp định, ví như FTA giữa ASEAN - Nhật Bản; FTA giữa Việt Nam - Nhật Bản và tới đây là CPTPP. Mỗi FTA sẽ có mức ưu đãi thuế quan khác nhau, quy tắc về xuất xứ riêng. DN sẽ lựa chọn áp dụng FTA nào mà hàng hóa của mình đáp ứng được các quy tắc xuất xứ và được hưởng mức thuế quan thấp nhất.

Ngoài ra, cơ chế giải quyết bất đồng được quy định trong CPTPP chủ yếu là hình thức tham vấn lẫn nhau để cùng tìm ra giải pháp thích hợp, nên cởi mở hơn những hiệp định tự do thương mại trước đây.

Tuy nhiên, VCCI cũng cảnh báo, việc thực thi các cơ chế trong CPTPP đa dạng và chặt chẽ hơn WTO. Trong CPTPP, các cam kết về thuế quan được quy định chi tiết theo từng dòng thuế trong biếu thuế. Mỗi nước tham gia CPTPP sẽ có một biểu cam kết thuế quan riêng, áp dụng cho từng đối tác hoặc cho tất cả các đối tác trong hiệp định. 

Bộ trưởng Trần Tuần Anh đánh giá, sau khi CPTPP được ký kết, nếu thực hiện cải cách thể chế tốt, đồng thời hướng tới tăng năng suất lao động, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 3,6% vào năm 2030.

Hàng loạt thị trường lớn như Canada, Nhật Bản, Úc, Mexico… đều dỡ bỏ hàng rào thuế quan cho nhiều nhóm hàng hóa của Việt Nam. Đây là điều hết sức ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ lan rộng trên thế giới.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI