Người tiêu dùng tiếp tay cho hàng cấm?

28/07/2017 - 14:00

PNO - Theo thông tin mới nhất từ Chi cục (CC) Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm 2017, đơn vị này đã phát hiện 850.000 sản phẩm hàng lậu, trong đó có số lượng lớn hàng gia dụng cũ nhập lậu.

Đây là con số đã bị phát hiện và tịch thu, còn một lượng lớn hàng cũ trôi nổi khác trên thị trường thì sao?

Nguoi tieu dung tiep tay cho hang cam?
Hàng trăm lô hàng cũ cấm nhập khẩu bị lực lượng hải quan TP.HCM thu giữ


Trong buổi tân gia tại nhà anh Thịnh (Q.3 TP.HCM), khi ba-bốn người bạn xuýt xoa chiếc tủ lạnh hiện đại hai cánh, cao hơn đầu người trong gian bếp, anh hí hửng nói: “hàng cũ của Nhật đó!”. Tin tưởng chất lượng hàng nội địa Nhật Bản, nhiều người như anh Thịnh bỏ ra hàng chục triệu đồng để “tậu” một chiếc tủ lạnh cũ hay mua lại nồi cơm điện, máy lạnh, máy quạt, máy rửa chén… cũ nội địa Nhật mà không hay đây là hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu (NK) vào Việt Nam (VN). 

Hàng cấm dồn dập đổ về cảng 

Chỉ trong tháng 7/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (CC HQ SG KV1) liên tục thu giữ hàng nghìn cái máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh, quạt máy… cũ thuộc danh mục hàng cấm NK.  

Điều đáng nói là gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện những vụ NK hàng điện lạnh, điện gia dụng cũ - thuộc danh mục hàng… cấm NK như trên, có xuất xứ chủ yếu từ Nhật Bản với các thương hiệu lớn, như: National, Mitshubishi, Daikin, Toshiba, Fujisu, Pansonic.

Cụ thể: ngày 5/7, phát hiện lượng lớn hàng cấm NK gồm: 203 máy điều hòa, 225 nồi cơm điện, máy xử lý không khí, loa điện, tủ lạnh đã qua sử dụng... của CT TNHH TMDV Giao nhận hàng hóa XNK NT (Bình Dương). Ngày 12/7, phát hiện tám container chứa hàng trăm máy giặt, máy cắt cỏ, máy ảnh, máy rửa chén, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt điện của CT Trí Nguyễn (Q.Tân Bình, TP.HCM). Riêng máy lạnh cũ 1.100 cái, tủ lạnh cũ hơn 100 cái… Trị giá hàng hóa của tám container này ước tính khoảng hơn 5 tỷ đồng.

Đáng chú ý là trước đó, ngày 15/6, phát hiện CT NT nhập ba container chứa hơn 1.000 dàn lạnh; 1.000 dàn nóng; 165 cái quạt điện… Đây là ba lô hàng lớn nhất trị giá 3 tỷ đồng trong tổng số 25 container hàng (tổng trị giá khoảng 12,5 tỷ đồng) CC HQ SGKV1 phát hiện từ đầu năm đến nay.

Ông Lê Nguyên Linh - Phó CC trưởng CC HQ SG KV 1, cho biết: “Các đối tượng ngày càng liều lĩnh, thủ đoạn, khai báo sai mặt hàng nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Đặc trưng của các vụ việc là doanh nghiệp khai báo máy móc cũ thuộc danh mục hàng không cấm NK hoặc khai là hàng mới, như: mũi khoan, rổ nhựa, tấm ván MDF... để tránh kiểm tra hàng hóa thực tế”.

Thoát ải cơ quan chức năng, hàng cấm đi đâu? 

Rất nhiều trang web, facebook chào mời, rao bán nồi cơm điện, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh… cũ là hàng nội địa Nhật Bản. Tại TP.HCM, nhiều người “săn” hàng nội địa Nhật tại facebook noicomdiencaotannoidianhat. Đập vào mắt người xem là hình ảnh hàng trăm chiếc nồi cơm điện xếp hàng ngay ngắn trên nền nhà. Tất cả đều là hàng cũ đã qua sử dụng, có cái móp méo, cái dán băng keo… và đời sản xuất từ những năm 2.000, 2003… Những sản phẩm này  có giá từ 1 triệu đồng trở lên.

Gọi điện thoại số 093760…, chúng tôi được người bán tư vấn: “Muốn nấu cơm ngon, giữ được 100% chất dinh dưỡng hạt gạo, chị nên mua nồi cơm điện cao tần IH áp suất Zojirushi 1 lít, giá 2,2 triệu đồng, bảo hành 12 tháng. Hàng còn mới đến 60-70%, xài đến 5-7 năm vẫn không sợ hư”.  

Muốn mua nồi cơm điện cũ hiệu nào, từ Mitsubishi, Toshiba, Sanyo cho đến National, Tiger… nơi đây đều có. Hoặc biết rõ hàng cũ và giá không rẻ nhưng nhiều người chấp nhận mua tủ lạnh cũ là hàng nội địa Nhật vì các tính năng: tiết kiệm điện, ít tiếng ồn, nhiều chức năng, lưu trữ thực phẩm tốt… Giá bán 25-30 triệu đồng - bằng 50% so với hàng mới với tuổi thọ khoảng 1/2 so với hàng mới.

Nguoi tieu dung tiep tay cho hang cam?
 

Vậy người tiêu dùng nên nhìn vào cái lợi trước mắt là giá rẻ hay chất lượng, tuổi thọ của sản phẩm? Chưa kể, đây cũng là lý do khiến hàng cũ cấm NK liên tục tuồn vào VN.

Trong khi nhiều người tiêu dùng vô tư không nghĩ mình mua hàng cấm, thì các cơ quan chức năng “mỏi mệt” theo dấu để kịp thời phát hiện… hàng cấm. Thực tế, nhiều vụ việc NK hàng cũ cấm NK sau khi bị phát hiện, cơ quan HQ chỉ thu giữ được hàng hóa vi phạm, chưa xác định được chủ thể vi phạm để xử lý tận gốc.

Ông Linh cho biết, “Dựa vào thông tin trên manifest, cơ quan HQ tiếp tục xác định địa chỉ, nhân thân, giám đốc, lý lịch CT… Tuy nhiên, qua kiểm tra thì hầu hết đó là CT “ma” không tồn tại ở địa chỉ kê khai hoặc có gắn bảng hiệu nhưng không hoạt động. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thay đổi tuyến đường vận chuyển để che giấu nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để qua mắt cơ quan chức năng”.

Ngoài ra, với hàng cũ NK đang được bày bán trên thị trường các cơ quan chức năng chỉ có cách xử lý: “Nếu chủ hàng không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc, hàng hóa sẽ bị tịch thu. Nếu hàng còn xài được thì phát mãi, nếu hàng kém chất lượng thì tiêu hủy. Căn cứ vào trị giá hàng hóa vi phạm, đối tượng kinh doanh sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt cao gấp đôi so với kinh doanh hàng nhập lậu thông thường”, ông Phan Hoàn Kiếm - CC trưởng CC QLTT TP.HCM nói. Một bất cập hiện nay là quy định cấm NK hàng cũ nhưng không cấm kinh doanh hàng cũ nên hàng cũ không hóa đơn chứng từ vẫn trà trộn  bày bán trên thị trường. 

Vấn đề không chỉ là thất thoát hàng chục tỷ đồng, thị trường gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh, người tiêu dùng bị thiệt thòi mà quan trọng hơn đó là VN sẽ trở thành bãi rác tiêu thụ hàng cũ cho các nước. Có cầu ắt có cung, người tiêu dùng không tiếp tay tiêu thụ hàng cũ cấm NK cũng là một cách để VN tránh khỏi nguy cơ ô nhiễm môi trường tồi tệ từng xảy ra ở các nước láng giềng. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI