Người tiêu dùng thua thiệt khi bán lại vàng trang sức

07/05/2024 - 06:02

PNO - Khi bán lại vàng trang sức, dù là sản phẩm đính biểu trưng (logo) những thương hiệu danh tiếng thế giới như Chanel, Dior, Louis Vuitton…, người bán vẫn bị các tiệm ép giá với đủ lý do, chịu nhiều thua thiệt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người mua bị ép

Chị Thanh Hiền (quận 1, TPHCM) kể, dịp tết Giáp Thìn, chị mua bộ trang sức vàng 18K gồm lắc, nhẫn, bông tai nhãn hiệu Louis Vuitton (Pháp) với giá 70 triệu đồng ở một tiệm vàng trên đường Nguyễn Duy Dương (quận 5). Chủ tiệm nói đây là sản phẩm độc quyền, được chế tác tinh xảo nên khi bán lại, sẽ không mất giá.

Với giá vàng hiện tại, bộ trang sức của chị Hiền có giá khoảng 80 triệu đồng. Tuy nhiên, khi bán lại bộ này, chủ cửa hàng nơi chị mua sản phẩm chỉ mua vào bằng 70% mức giá bán ra, lại còn trừ thêm 5 triệu đồng tiền công. Như vậy, chị bị lỗ tổng cộng 29 triệu đồng.

Chị bức xúc: “Chủ cửa hàng giải thích, do quản lý thị trường cấm bán trang sức giả mạo các nhãn hiệu quốc tế nên khi mua vào, họ phải chế tác thành mẫu khác. Sản phẩm này đính nhiều đá, khi phá mẫu (nấu chảy), vàng sẽ hao hụt rất lớn, lại tốn công”.

Không chỉ chị Hiền, một số khách hàng đem bán vàng trang sức thương hiệu Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermès đều bị các cửa hàng ép giá, trừ đi từ 30 - 50% trị giá sản phẩm với lý do tương tự.

Chị Thùy Dung (quận Tân Bình) kể, năm 2015, chị được người thân tặng quà cưới là chiếc nhẫn vàng 1 chỉ loại 18K có nhãn hiệu Chanel.

Mới đây, khi bán lại chiếc nhẫn này, nhân viên một tiệm vàng gần chợ Bến Thành (quận 1) nói đây là hàng chợ, hàm lượng vàng chỉ đạt 14K (61% vàng) chứ không phải vàng 18K (75% vàng) như hóa đơn đã ghi. Chị đành phải chấp nhận bán sản phẩm lỗ gần 1 triệu đồng, bị trừ thêm 40% giá do “bán không đúng chỗ, sản phẩm nhái nhãn hiệu quốc tế”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, cùng loại vàng nhưng giá ở mỗi tiệm mỗi khác. Như với vàng nhẫn có ký hiệu 610, có tiệm bán giá 4,3 triệu đồng/chỉ, có tiệm bán 4 triệu đồng/chỉ, có tiệm lại bán 3,7 triệu đồng/chỉ.

Chủ một tiệm vàng trên đường An Dương Vương (quận Bình Tân) lý giải, có tiệm tính giá theo tổng trọng lượng vàng và đá, có tiệm chỉ tính trọng lượng vàng và không tính đá. Rõ là khi bán, họ tính giá bán theo tổng trọng lượng vàng và đá nhưng khi mua vào lại chỉ tính theo trọng lượng vàng, không tính đá.

Doanh nghiệp cũng lúng túng

Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đồng loạt kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vàng trên cả nước, xử lý 145 vụ vi phạm. Một trong những vi phạm phổ biến là bán vàng trang sức giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM (SJA) - cho rằng, các sản phẩm vàng mà cơ quan quản lý thị trường thu giữ do giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng không rõ là vàng nhập lậu hay do các doanh nghiệp (DN) tự sản xuất.

Trên thực tế, hầu hết các DN không biết nhãn hiệu nào được bảo hộ bản quyền ở Việt Nam, họ thấy mẫu nào đẹp, khách hàng ưa chuộng thì tự sản xuất. Điều này đã diễn ra từ 50-70 năm về trước chứ không phải gần đây nên khi cơ quan quản lý thị trường kiểm tra, xử phạt, chủ các cửa hàng cũng bất ngờ.

Theo ông, hơn 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng nguyên liệu, buộc các DN sản xuất tự mua vàng trôi nổi để có nguyên liệu sản xuất.

Theo quy định, DN được mua vàng của các cá nhân không kinh doanh hoặc mua vàng từ trang sức cũ, sau đó phân kim làm nguyên liệu. Nhiều DN không rõ thế nào là giả mạo thương hiệu nổi tiếng, thế nào là chứng từ không hợp pháp.

Ông nói: “SJA đang kiến nghị cơ quan quản lý thị trường, Sở Công Thương TPHCM tổ chức buổi tiếp xúc, hướng dẫn để DN được rõ, bởi không ai muốn vi phạm để bị xử phạt”.

Về tình trạng khách bán vàng trang sức có nhãn hiệu nổi tiếng bị bắt chẹt về giá, ông Nguyễn Văn Dưng cho rằng, khi mua các sản phẩm vàng nhỏ tuổi như 9K, 10K, 14K, 16K, 18K, người mua bị khấu trừ tiền công, mức độ hao hụt nguyên vật liệu khi chế tác.

Vàng càng nhỏ tuổi thì giá thu vào càng thấp. Một số cửa hàng viện lý do bị cơ quan quản lý thị trường kiểm tra, xử phạt nên cố tình ép giá thêm.

Tốt nhất là mua đâu thì bán lại đó và có hóa đơn. Nếu có hóa đơn mà vẫn bị ép giá, người mua, bán vàng có thể phản ánh cho cơ quan quản lý thị trường địa phương.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho biết, Thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ quy định rõ, DN phải tách bạch rõ khối lượng và hàm lượng vàng, giá trị đá, tiền công trên sản phẩm…

Khi mua vàng, người mua cần lưu ý xem hàm lượng vàng ghi trên sản phẩm có giống như trên hóa đơn không, giá sản phẩm được tính theo trọng lượng vàng hay đá.

Theo ông, rất khó quản lý chất lượng, hàm lượng vàng trong vàng nữ trang. Có cửa hàng để vàng 18K nhưng không đủ 75% vàng mà chỉ có 60 - 65%, có cửa hàng “cân đá tính giá vàng”.

Các kiểu làm ăn gian dối này thường xảy ra ở các cửa hàng nhỏ. Cả nước có hơn 7.000 cửa hàng vàng nên rất khó kiểm tra hết để xem sản phẩm có đủ hàm lượng, chất lượng vàng hay không.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI