Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm tiền cho sản phẩm xanh

28/03/2025 - 07:03

PNO - Thông tin được một số chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “Sản phẩm, dịch vụ xanh – đặt hàng từ người dùng” do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM tổ chức chiều ngày 27/3.

Trích dẫn từ báo cáo GlobeScan Healthy and Sustainable Living Highlight Report 2024, bà Wei Nguyễn, người quản lý mảng Digital & CRM tại Annam Gourmet – cho biết, 45% người tiêu dùng thừa nhận biến đổi khí hậu đang dần thay đổi cách người tiêu dùng trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Người dân giảm thiểu lãng phí thực phẩm, lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng nhựa và tìm hiểu về tác động môi trường của các mặt hàng họ mua.

Một điểm đáng chú ý từ khảo sát của Công ty kiểm toán PwC là 54% người tiêu dùng Việt Nam sẵn lòng chi trả thêm tối đa 10% cho các sản phẩm được sản xuất từ vật liệu tái chế hoặc bền vững, một tỷ lệ cao hơn so với mức trung bình 50% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Khách tham quan đang tìm hiểu các sản phẩm quần áo, túi xách từ bã cafe, chai nhựa thu hút
Khách tham quan đang tìm hiểu các sản phẩm quần áo, túi xách từ bã cafe, chai nhựa - Ảnh: Tuổi Trẻ

Tuy nhiên, bà Wei Nguyễn cũng chỉ ra rằng, trở ngại lớn nhất là giá cả. Chi phí sản xuất cho các sản phẩm xanh thường cao hơn so với các mặt hàng thông thường, điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể trong sản xuất, bán lẻ và truyền thông. Doanh nghiệp có thể củng cố uy tín và thu hút khách hàng bằng cách triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng xanh và đầu tư vào hoạt động thu hồi, tái chế bao bì.

Thạc sỹ Đặng Bùi Khuê - giám đốc phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam - khuyến nghị, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, việc chuyển đổi sang các hoạt động xanh không chỉ là một lựa chọn mà là một yếu tố sống còn để duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh. Các sản phẩm và dịch vụ xanh đang trở thành tiêu chuẩn trên thị trường quốc tế, và những doanh nghiệp đạt chứng nhận xanh sẽ có cơ hội tiếp cận các phân khúc khách hàng cao cấp, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận,

Tiến sĩ Dương Văn Thịnh, cố vấn Cộng đồng Lãnh đạo Xanh (GLC) và giảng viên khoa Hệ thống Thông tin tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), khẳng định rằng mỗi cá nhân đều có khả năng tạo ra sự khác biệt thông qua những hành động nhỏ hướng tới lối sống không rác thải. "Tôi từng ngỡ ngàng khi thấy một quán ăn sử dụng ống hút làm từ thân rau muống. Niềm vui của các con tôi khi đó đã khiến tôi nhận ra rằng, mối quan tâm đến tiêu dùng xanh không chỉ giới hạn ở giới trẻ, mà đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng", ông Thịnh chia sẻ.

Tính minh bạch là yếu tố then chốt thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm xanh. Một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu năm 2020 đã chỉ ra rằng, 53,3% tuyên bố xanh từ các doanh nghiệp châu Âu là mơ hồ, sai lệch hoặc không có căn cứ. Tại Việt Nam, gần 72% người tiêu dùng đã nghe nói về sản phẩm xanh, nhưng vẫn còn mơ hồ về bản chất của chúng.

Ngoài ra, còn có một số đòi hỏi khác từ người tiêu dùng như: các sản phẩm có độ bền cao, chất lượng lâu dài, và bao bì không chứa rác thải nhựa; phương thức giao hàng. Việc kết hợp nhiều đơn hàng trong một lần giao, lựa chọn khung giờ giao hàng thân thiện với môi trường (ví dụ như sáng sớm, trưa hoặc tối), sử dụng phương tiện giao hàng xanh như xe điện hoặc xe đạp, và áp dụng phụ phí bù đắp phát thải carbon đang trở thành xu hướng...

Trong hành trình phát triển các sản phẩm "xanh", doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với hai thách thức then chốt, được nhấn mạnh bởi bà Trần Thị Út, giảng viên Đại học Hoa Sen. Thứ nhất, là bài toán về mức độ chấp nhận của thị trường. Dù xu hướng tiêu dùng xanh đang trên đà tăng trưởng, nhưng số lượng người tiêu dùng sẵn lòng chi trả mức giá cao hơn vẫn còn hạn chế, chưa đủ sức tạo cú hích cho toàn thị trường.

Thứ hai, là gánh nặng về giá thành. "Sản xuất xanh đồng nghĩa với chi phí đầu tư cao hơn, dẫn đến giá bán lẻ có thể đội lên gấp 4-5 lần so với sản phẩm truyền thống. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự hỗ trợ tài chính, các khoản vay ưu đãi và những chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh. Khi nhu cầu thị trường tăng lên, giá thành sẽ giảm xuống, giúp sản phẩm xanh có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường” - bà Trần Thị Út kiến nghị.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI