"Người tiêu dùng mua sản phẩm không đạt chất lượng nhưng không biết đi đâu để giải quyết"

02/11/2022 - 13:42

PNO - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Hoài Sơn chia sẻ về những bất cập trong mối quan hệ mua bán mà trong đó người tiêu dùng thường phải chịu phần thua thiệt.

 

ĐBQH Bùi Hoài Sơn lên án
ĐBQH Bùi Hoài Sơn đề nghị chấn chỉnh tình trạng nhiều nghệ sĩ quảng cáo bán thuốc từ đau lưng tới yếu sinh lý

Sáng 2/11, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), ĐBQH Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) chia sẻ những bất cập của người mua hàng gặp phải. Theo đó, trong quan hệ mua bán thì người tiêu dùng được xem như thượng đế, nhưng sau khi mua hàng lại thành... nô lệ.

Ông lấy ví dụ, người tiêu dùng mua phải hàng lỗi hay có vấn đề chất lượng, song lại ngại và không khiếu nại. Nhận thức về việc đi đòi quyền lợi của người tiêu dùng còn hạn chế nên họ đã không thực hiện những quyền mà pháp luật cho phép. Một lý do khác, ĐBQH chỉ ra là có thể do cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quá phức tạp, không tạo thuận lợi trong việc đi đòi quyền lợi. Người tiêu dùng có tâm lý là công sức bỏ ra để đi đòi quyền lợi, khiếu nại không tương xứng với những quyền lợi mang lại. Trong khi đó, việc xử phạt đôi khi chưa đủ sức răn đe.

Các yếu tố nhận thức, cơ chế bảo vệ, xử lý làm gương chưa tốt… chính là nguyên nhân mà theo ĐBQH là đang “làm hại” người tiêu dùng.

“Như trong lĩnh vực văn hóa, tôi thấy nhiều văn nghệ sĩ đi quảng cáo thuốc suốt ngày, từ thuốc đau lưng, đau gối, đau đầu, cả yếu sinh lý nữa. Thực ra đó là câu chuyện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì họ là nhân vật nổi tiếng, ảnh hưởng, chi phối nhận thức hành vi của người tiêu dùng, nên cần phải chấn chỉnh", ĐBQH Bùi Hoài Sơn nêu ý kiến. 

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đã bổ sung các trách nhiệm cá nhân trong mua bán online

ĐBQH Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) cho biết, qua phản ánh của báo chí cho thấy có các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp đến người tiêu dùng nhưng không đạt được chất lượng, không đạt được nhu cầu nhưng người tiêu dùng không biết đi đâu để giải quyết. Người dân dường như cũng không hiểu được luật này được triển khai thực hiện để bảo vệ quyền lợi của họ trong giao dịch, sử dụng các dịch vụ, hàng hóa, hành nghề. 

ĐBQH tỉnh An Giang đánh giá, việc sử đổi Luật lần này sẽ khắc phục những vấn đề hạn chế, bất cập hiện hành, đồng thời để kịp thời nắm bắt và cập nhật theo kịp những diễn biến mới của thị trường như thị trường giao dịch điện tử hiện nay. Việt Nam là một trong những nước có sự phát triển về giao dịch thương mại điện tử là đứng hàng đầu thế giới. Đại biểu cũng chia sẻ, thời gian qua, không ít chuyện bi hài xảy ra do người tiêu dùng đặt hàng mua sản phẩm, mua hàng hóa, dịch vụ qua các sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên đây là vấn đề Luật hiện hành chưa có quy định nên phát sinh nhiều hạn chế, bất cập.

Giải trình, làm rõ ý kiến về dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, Dự thảo Luật lần này cũng đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế. Theo đó đã bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng. Đồng thời luật cũng phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; quy định một số nội dung phải kết hợp đồng từ xa. Dự luật bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số…

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI