Người tiêu dùng luôn chịu thiệt khi mua phải hàng lỗi

02/07/2022 - 06:12

PNO - Khi mua phải hàng lỗi, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng không thể chứng minh được lỗi của bên bán do thiếu kết luận giám định. Doanh nghiệp cũng lợi dụng điều này để phủi trách nhiệm.

 

Rất nhiều vụ khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm điện máy nhưng hiện chưa có cơ quan kiểm định sản phẩm nên không có cơ sở quy trách nhiệm cho nhà sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu - ẢNH: THANH HOA
Rất nhiều vụ khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm điện máy nhưng hiện chưa có cơ quan kiểm định sản phẩm nên không có cơ sở quy trách nhiệm cho nhà sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu - ẢNH: THANH HOA

Mua xe tiền tỷ, chuốc bực vào mình 

Phản ánh với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Võ Duy Tiến - Giám đốc một doanh nghiệp (DN) - kể: Ông mua một chiếc ô tô hiệu Lexus với giá 2,9 tỷ đồng. Chạy được một thời gian ngắn thì xe bị rung, lắc. Ông đem xe đến đại lý yêu cầu kiểm tra, tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, chủ đại lý nơi ông mua xe nói họ không có thiết bị kiểm tra bộ phuộc nhún xe. Sau đó, chủ đại lý này cho rằng, qua kiểm tra cảm quan, phuộc nhún và xe vẫn an toàn, nên không chấp nhận thay. 

Không bằng lòng với cách giải quyết của đại lý, ông Tiến kiện ra tòa và tòa yêu cầu phải có kết quả kiểm định xe. Ông Tiến đã liên hệ nhiều cơ quan quản lý chất lượng như trung tâm đăng kiểm, Sở Công Thương TPHCM về vấn đề này nhưng đều nhận được câu trả lời: Việt Nam có đơn vị thẩm định nhưng hiện tại không có máy móc, thiết bị để kiểm định chất lượng của xe. Sau nhiều tháng, thấy ông Tiến quyết tâm theo đuổi vụ kiện, đại lý xe đành chấp nhận thay mới bộ phận phuộc nhún bị lỗi. 

Chị Đỗ Hương Giang (Q.Tân Bình, TPHCM) kể: Chị mua một chiếc ti vi thương hiệu nổi tiếng 51 inches với giá 20 triệu đồng, bảo hành trong hai năm. Khi mua, chiếc ti vi này hoạt động bình thường nhưng sau đó xuất hiện vết nứt gạch chéo nhỏ trên màn hình. Chị Giang liên hệ với hãng để yêu cầu bảo hành, nhân viên hãng đến nhà kiểm tra nhưng kết luận rằng, ti vi này đã bị ngoại lực tác động vào nên không nằm trong diện bảo hành. Chị Giang không đồng ý với kết luận này bởi trong quá trình sử dụng, không có bất cứ tác động nào tới màn hình ti vi. Chị đã khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) TPHCM.

Anh Đỗ Văn Hường (Q.4, TPHCM) mua một ti vi thông minh màn hình tinh thể lỏng với giá 40 triệu đồng nhưng sau bốn tháng, màn hình bị đen phân nửa. Cho rằng sản phẩm kém chất lượng, anh muốn đổi hoặc trả nhưng hãng không chấp nhận. Anh liên hệ với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TPHCM nhờ kiểm định nhưng đơn vị này nói không có khả năng kiểm định ti vi này. Sau khi Hội BVQLNTD TPHCM can thiệp, nhà sản xuất kiểm tra và cho rằng, do hơi nước tích tụ làm rỉ chip nên hư màn hình chứ không phải do sản phẩm kém chất lượng và chỉ chấp nhận chịu một nửa chi phí thay màn hình ti vi. 

Theo luật sư Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội BVQLNTD TPHCM - phần lớn khiếu nại mà hội tiếp nhận liên quan đến chất lượng của mặt hàng điện máy như ti vi, máy lạnh, máy giặt, máy làm kem, máy làm tỏi đen… Hầu hết người bán và nhà sản xuất viện đủ lý do để thoái thác trách nhiệm khiến người tiêu dùng (NTD) phải chạy tới chạy lui phản ánh, khiếu nại. 

Cần sửa đổi, bổ sung luật 

Luật sư Phan Thị Việt Thu nhận định, Luật BVQLNTD còn nhiều lỗ hổng, chưa sát thực tiễn. Ví dụ, theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nếu xác định được lỗi của đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu thì các đơn vị này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho NTD, đồng thời NTD có quyền kiện ra tòa để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, hiện nay, không có đơn vị thứ ba nào đứng ra kiểm định được lỗi sản phẩm. Do đó, người mua sản phẩm không có cơ sở để kiện ra tòa và không được bồi thường. 

“Khi tiếp nhận khiếu nại, phản ánh của NTD, chúng tôi phân tích cụ thể về lỗi và trách nhiệm của các bên, đề xuất phương án giải quyết. Nhưng do đơn vị sản xuất, nhập khẩu nắm được lỗ hổng của pháp luật nên họ luôn có lý lẽ để thoái thác trách nhiệm, chây ì, không giải quyết cho NTD” - luật sư Phan Thị Việt Thu nói. 

Là thạc sĩ luật nên khi trở thành “nạn nhân”, ông Võ Duy Tiến thấy rõ bất cập khi không có cơ quan nào kiểm định được chất lượng sản phẩm. Ông cho rằng, cơ sở kinh doanh có thể lợi dụng điều này để nhập khẩu sản phẩm lỗi, giá rẻ về bán, gây thiệt hại cho NTD. Theo ông Võ Duy Tiến, bên cạnh quy định đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, nên có thêm yêu cầu đơn vị sản xuất, kinh doanh phải tự trang bị máy móc, thiết bị để kiểm tra chất lượng các chi tiết của sản phẩm đang sản xuất, kinh doanh.

Trong báo cáo ngày 24/6 về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BVQLNTD giai đoạn 2010 - 2022, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo tính nhất quán, phù hợp với thực tế, trong đó có vấn đề BVQLNTD khi giao dịch thông qua mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ. 

Hiện Nhà nước đã ban hành luật về thương mại điện tử, Chính phủ cũng có các nghị định hướng dẫn, nhưng người kinh doanh vẫn lợi dụng được lỗ hổng của pháp luật để tránh né nghĩa vụ với khách hàng. Luật sư Phan Thị Việt Thu dẫn chứng, hàng kém chất lượng được rao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook, YouTube nhưng không thể kiểm định được thông tin người bán, thông tin về giá cả, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa. Không ít NTD mua phải hàng kém chất lượng nhưng không thể khiếu kiện do không có hóa đơn, chứng từ. 

Bên cạnh đó, Luật BVQLNTD và Nghị định 99/2011 hướng dẫn thực hiện luật không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Ví dụ như mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ đã xuất hiện, kết nối những người tham gia giao dịch với nhau mọi lúc, mọi nơi như Gojek, Grab, Agoda, Traveloka… nhưng vấn đề bảo mật thông tin NTD, cơ chế hoạt động của nền tảng, trách nhiệm pháp lý của các bên vẫn chưa được luật hóa.

Luật sư Phan Thị Việt Thu nêu nghịch lý: “Hội BVQLNTD được giao trách nhiệm đại diện NTD khởi kiện nhưng lại không được giao quyền hạn, nguồn lực, kinh phí để điều tra, thu thập, giám định chứng cứ, thuê luật sư, bồi thường trong trường hợp thua kiện…”. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI