Doanh nghiệp lúng túng
Theo Nghị định 15/2022, các loại hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT theo chính sách mới bao gồm hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, hiện không ít doanh nghiệp (DN) vẫn còn lúng túng, không rõ lĩnh vực kinh doanh, sản xuất của mình có được giảm thuế hay không. Đại diện một công ty sản xuất nhựa gia dụng cho biết, theo Nghị định 15/2022 thì hạt nhựa nhập khẩu thuộc sản phẩm chịu thuế 10%. Vậy khi sản xuất sản phẩm rồi bán ra thì thuế suất là 10% hay 8%? Rất nhiều DN cho rằng, ở đầu vào, thuế là 10% thì khi bán ra vẫn phải bán với giá đã tính thuế là 10%.
Một cán bộ thuộc Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Ngân Hà băn khoăn, Nghị định 15/2022 nêu cồn 80 độ thuộc sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên không được giảm thuế VAT, vậy DN đang nhập khẩu cồn 75 độ thì sản phẩm bán ra có được giảm thuế VAT hay không. “Nếu sản phẩm không được giảm thuế mà DN giảm thì có khi sẽ bị truy thu thuế, bị phạt.
|
Các chuyên gia cho rằng chính sách giảm thuế VAT là đúng đắn, sẽ kích thích người dân mua sắm nhiều hơn - Ảnh: T.Hoa |
Nhiều chủ kinh doanh lẫn người tiêu dùng cũng chưa rõ sản phẩm mình đang bán, đang mua có được giảm thuế VAT hay không. Khi chúng tôi hỏi mua chai dầu ăn 5 lít tại một tiệm tạp hóa trên đường An Dương Vương (Q.8, TPHCM), chủ cửa hàng vẫn báo với giá 220.000 đồng/bình như hồi trước tết Nguyên đán. “Tôi chưa nghe thông tin về việc giảm thuế VAT trên sản phẩm. Hiện tôi mới nhập sản phẩm và vẫn được nhà phân phối đưa bảng giá cũ nên vẫn bán với giá như cũ”, chủ cửa hàng này cho biết lý do chưa điều chỉnh giảm giá bán.
Cần truyền thông rộng rãi
Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM - cho biết hội đã triển khai thông tin giảm thuế VAT đến các DN hội viên nhưng vẫn còn nhiều DN chưa hiểu rõ quy định do chưa cập nhật đầy đủ thông tin. “Giảm thuế suất VAT hiếm khi xảy ra và mặc dù DN chỉ thu hộ số thuế này cho Nhà nước nhưng cả DN và người tiêu dùng đều được lợi. Giá sản phẩm được giảm sẽ có tác dụng kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, còn DN thì có cơ hội gia tăng sản xuất, thu hồi vốn đọng tại các đại lý. Do đó, rất cần cơ quan thuế truyền thông thật tốt về chính sách giảm thuế này” - ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Luật sư Trần Xoa - chuyên gia thuế, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang - thông tin những ngày gần đây, ông liên tục nhận được các cuộc gọi thắc mắc từ các DN về vấn đề này. Khi DN không hiểu rõ, còn vướng mắc, họ sẽ chọn cách “không giảm thuế cho chắc” để tránh những rắc rối về sau.
Theo luật sư Trần Xoa, việc giảm thuế suất thuế VAT lần này là một chính sách tốt, đối tượng được giảm thuế rộng rãi hơn chứ không giống lần giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 7% trong hai tháng cuối năm 2021, vốn chỉ áp dụng cho các dịch vụ vận tải, du lịch đang bị tê liệt do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, để chính sách đi vào đời sống, cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở đối với các điểm kinh doanh vì đa phần các điểm này bán hàng không có hóa đơn, ít bị kiểm soát, kiểm tra về giá bán. Nếu DN giảm thuế trên sản phẩm nhưng điểm kinh doanh lại không giảm thì người kinh doanh sẽ hưởng lợi chứ không phải người
tiêu dùng.
Luật sư Trần Xoa cho rằng, có thể yêu cầu các điểm kinh doanh treo bảng thông báo giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% để người tiêu dùng biết, từ đó đòi quyền lợi của mình. “Hiện các DN có nhiều vướng mắc, rất cần cơ quan thuế tổ chức đội ngũ tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, có bộ phận chuyên trả lời, giải quyết vướng mắc liên quan đến chính sách giảm thuế này” - ông kiến nghị.
Theo đại diện nhiều DN, hiện sức mua sản phẩm đang rất yếu, trong năm 2022, sức mua sẽ không thể bằng năm 2019 và 2020. “Để kích cầu mua sắm, mức giảm thuế suất VAT nên nhiều hơn 2%, tốt nhất từ 3-5%. Khi sức cầu tăng, DN đẩy mạnh sản xuất thì sẽ đóng thuế cho Nhà nước nhiều hơn” - chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn nói.
Giảm thuế suất VAT giúp giảm áp lực giá xăng dầu Theo đánh giá của Bộ Tài chính, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 11/2 có thể tăng mạnh do tác động từ giá của thị trường thế giới. Mặt bằng giá cả hàng hóa, nhất là giá các ngành sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất, sẽ chịu áp lực tăng giá mạnh nhất. Ngoài ra, các nhóm hàng sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu cũng chịu áp lực tăng giá chung theo giá thế giới. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên dự báo giá cả không có nhiều biến động, sớm trở lại bình thường sau tết; giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ giá ổn định, hoặc giảm theo các chương trình khuyến mãi. Bên cạnh đó, nhiều địa phương thực hiện chủ trương hạn chế tổ chức các hoạt động lễ hội đầu năm để phòng, chống dịch COVID-19 nên các dịch vụ ăn uống, vui chơi, đi lại sẽ không có bất thường về giá. Đặc biệt, thuế suất VAT của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ giảm từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2 cũng góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá. Tại cuộc họp ngày 8/2 về tình hình và công tác đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn TPHCM do bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - chủ trì, đại diện UBND TPHCM cho biết sẽ kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có cơ chế linh hoạt, điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời để các DN đầu mối chủ động, điều phối nguồn cung phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các DN kinh doanh xăng dầu. UBND TPHCM cũng giao Sở Công thương phối hợp Sở Giao thông Vận tải xem xét, nhanh chóng cấp phép lưu thông vào giờ cao điểm cho các xe bồn vận chuyển xăng dầu của các DN kinh doanh xăng dầu trong trường hợp DN có khó khăn trong hoạt động lưu thông, vận chuyển, để kịp thời cung ứng xăng dầu đến các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ người dân trong các khung giờ cao điểm. UBND TPHCM đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có. Được biết, TPHCM hiện có 548 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. |
Thanh Hoa