Người tiêu dùng chưa được bảo vệ trước biến động giá điện

07/11/2024 - 16:50

PNO - ĐBQH chỉ ra dự án Luật điện lực (sửa đổi) chưa có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng trước biến động giá điện, nhất là người có thu nhập thấp.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng đề xuất có những quy định bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng trước biến động giá điện - ảnh: QH
ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng đề xuất có những quy định bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng trước biến động giá điện - Ảnh: QH

Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật điện lực (sửa đổi). ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) quan tâm tới giá điện và các dịch vụ điện.

ĐBQH chỉ ra, dự luật đã có quy định các loại giá điện, vai trò của Chính phủ trong điều tiết giá điện nhưng chưa làm rõ được cơ chế xử lý giá điện thay đổi nhanh hoặc không rõ ràng về các loại chi phí cấu thành giá.

Dự luật cũng nêu ra cơ chế giá điện bình quân nhưng không quy định rõ về tần suất điều chỉnh giá điện, cách thức thực hiện. Do đó, ĐBQH kiến nghị Chính phủ thông báo trước thời gian điều chỉnh để người tiêu dùng có thể dự đoán, điều chỉnh chi tiêu của mình. Ngoài ra, cần bổ sung điều khoản yêu cầu công khai toàn bộ cơ cấu giá điện, cơ cấu, cách thức tính, yếu tố chi phối...

Qua nghiên cứu, ĐBQH cũng nêu, chưa có quy định bảo vệ người tiêu dùng trước biến động giá điện, nhất là người thu nhập thấp hay ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điện.

ĐB đề xuất bổ sung cơ chế bảo vệ người tiêu dùng bằng cách thiết lập trần giá điện cho hộ gia đình thu nhập thấp hoặc trợ giá cho các công ty, doanh nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Duy Thanh chỉ ra nhiều bất cập giữa cung - cầu điện hiện nay
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh chỉ ra nhiều bất cập giữa cung - cầu, đẩy giá điện tăng như hiện nay - Ảnh: QH

ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) góp ý về vấn đề độc quyền của ngành điện lực. Khoản 2 Điều 5 qui định “nhà nước độc quyền vận hành lưới điện, truyền tải điện , trừ lưới điện truyền tải điện do tư nhân đầu tư xây dựng”.

Tuy nhiên, quy định này lại mâu thuẫn chính khoản 5 Điều 5: “xóa bỏ mọi độc quyền rào cản bất hợp lý thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải quốc gia trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện”.

ĐBQH phân tích, lưới điện quốc gia hiện nay khoảng 95% do nhà nước đầu tư, như vậy, không thể xã hội hóa. Ông kiến nghị chỉ quy định: ‘’Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp’’.

Ông cũng thẳng thắn chỉ ra nghịch lý: Hiện nay đang thiếu điện nhưng EVN vẫn đều đều cắt giảm, sa thải sản lượng điện của các dự án điện mặt trời áp mái qui mô nhỏ đã ký với nhà đầu tư. Trong khi đó, EVN tăng giá bán điện, như vậy là chưa đúng với chủ trương của Đảng và nước về khuyến khích theo quyết định 13/2020/QĐ-Ttg của Thủ tướng chính phủ.

Ông cũng nêu quan điểm: nhu cầu về điện ngày càng tăng cao nhưng dự thảo thắt chặt, kiểm soát nguồn cung. Cụ thể như quy định nhiều giấy phép tại dự thảo luật, điều này sẽ đẩy giá điện tăng cao, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI