Người tiêu dùng chưa biết nhiều về sản phẩm OCOP

19/07/2024 - 07:13

PNO - Thường xuyên mua sắm ở các siêu thị nhưng chị Thu Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM) chỉ mua hàng dựa vào thương hiệu, giá cả chứ không quan tâm đó có phải là sản phẩm thuộc chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm” (viết tắt là OCOP) hay không.

Chị Thu Hòa cho biết có nghe nói nhưng cũng chưa tìm hiểu OCOP là gì và có gì khác biệt so với sản phẩm khác cùng loại.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 3 sao trở lên và có 46% chủ sản phẩm OCOP đạt tăng trưởng về sản phẩm cũng như doanh thu với tỉ lệ tăng doanh thu khoảng 29,7%. Còn theo Sở NNPTNT TPHCM, tính đến hết năm 2023, toàn thành có 191 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP.

Siêu thị Co.opmart Xa lộ Hà Nội (ngã tư Thủ Đức) dành những vị trí nổi bật trưng bày các sản phẩm OCOP
Siêu thị Co.opmart Xa lộ Hà Nội (ngã tư Thủ Đức) dành những vị trí nổi bật trưng bày các sản phẩm OCOP. Ảnh: Mai Ca

Tuy nhiên, theo chủ các doanh nghiệp (DN) có sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, không nhiều người tiêu dùng biết đến các sản phẩm này và việc tiêu thụ chúng hết sức trầy trật. Chủ thể làm ra sản phẩm OCOP đa phần là DN nhỏ và siêu nhỏ, mới khởi nghiệp nên có nhiều hạn chế về vốn đầu tư, công nghệ, xây dựng và quảng bá thương hiệu. Thời gian qua, một số hệ thống siêu thị ở TPHCM đã có chương trình đồng hành, quảng bá sản phẩm OCOP - chẳng hạn dành vị trí đắc địa nhất trong siêu thị để trưng bày sản phẩm OCOP - nhưng cái tên OCOP vẫn chưa có nhiều tác động.

Ông Lê Trọng Đôn - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại Cà Mèn - cho hay, công ty có 3 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, gồm miến lươn, bún lươn xào nghệ, bánh canh cá lóc: “Để được gắn sao OCOP, chúng tôi phải trải qua quá trình đánh giá gắt gao nhưng hầu hết người tiêu dùng không biết OCOP là gì; chúng tôi phải giải thích, họ mới hiểu. Đối tượng biết đến sản phẩm OCOP chủ yếu là các DN làm thực phẩm, cán bộ các ban, ngành”.

Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên có 6 sản phẩm đã được công nhận OCOP 3-4 sao nhưng ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc công ty - cho biết, khi mua sản phẩm của Xuân Nguyên, khách hàng chỉ biết tên thương hiệu chứ không hiểu sản phẩm được gắn nhãn 3 sao, 4 sao có gì đặc biệt hơn sản phẩm cùng loại khác. Trong khi đó, chi phí sản xuất, thiết kế mẫu mã, bao bì theo đúng chuẩn OCOP rất tốn kém, làm đội giá thành sản phẩm. Ông cho rằng, ngoài nỗ lực của các nhà sản xuất, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ tuyên truyền để người dân hiểu hơn về giá trị của sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đồng thời có chính sách hỗ trợ các DN, hợp tác xã trong chương trình OCOP vay vốn với lãi suất ưu đãi để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - nhìn chung, OCOP chủ yếu là các sản phẩm ở dạng thô (không qua chế biến sâu) do quy mô sản xuất của các chủ thể tạo ra OCOP còn nhỏ. Cũng vì vậy nên các chủ thể này khó đáp ứng được những đơn hàng lớn hoặc dài hạn, nên chỉ có một số ít sản phẩm vào được kênh phân phối hiện đại hoặc xuất khẩu. Muốn sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường, các chủ thể phải sản xuất ra lượng sản phẩm ổn định, đầu tư thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm.

Chọn ra vài sản phẩm để đầu tư sản xuất, quảng bá

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 nhằm phát triển ngành nghề, kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững trên phạm vi cả nước. Rất nhiều nông sản, thực phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ ở các địa phương đã được đăng ký và có những bước quy hoạch để phát triển. Tuy nhiên, phạm vi phát hành và sản lượng của chúng rất nhỏ, hầu hết chỉ mang tầm địa phương cấp xã, huyện. Do đó, việc đăng ký chủ yếu nhằm có thương hiệu riêng chứ chưa có biện pháp để phát triển thành sản phẩm có số lượng đủ lớn để tiêu thụ trên cả nước hay xuất khẩu.

Thực tế, một số địa phương đã đưa sản phẩm OCOP ra quốc tế giới thiệu, nhưng khi có đối tác đặt hàng thì chủ thể (nhà cung cấp sản phẩm) không có đủ sản lượng. Đây là vấn đề mà chính quyền cấp tỉnh cũng như Chính phủ cần quan tâm. Cấp trung ương, cấp tỉnh cần chọn ra một số sản phẩm mang tính đặc thù, có chất lượng tốt để quy hoạch phát triển đồng bộ, có thể đáp ứng được yêu cầu về mặt sản lượng, chất lượng, từ đó đầu tư nguồn lực để quảng bá rộng rãi trên cả nước và ra thế giới chứ cấp xã không thể có đủ nguồn lực tài chính để quảng bá.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI