Người tiêu dùng chưa biết cách tự bảo vệ mình

15/04/2014 - 23:14

PNO - PNO – Ngày 15/5, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) đã tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp và niềm tin người tiêu dùng” tại TP.HCM. Qua đó, các ý kiến đều cho rằng, người tiêu dùng (NTD) vẫn đang...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Bà Đào Thị Cúc - Đại diện văn phòng tư vấn khiếu nại của Vinastas tại TP.HCM cho biết: “Thời gian qua, văn phòng đã tập trung vào mục tiêu tư vấn hướng dẫn NTD khiếu nại qua điện thoại và qua email với các nội dung về quyền và trách nhiệm; giải quyết tranh chấp với bên bán hàng hóa, dịch vụ; hướng dẫn NTD khi mua và lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; quy định của pháp luật liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà họ khiếu nại, nhằm giúp NTD hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ của mình và các quy định pháp lý có liên quan đến hàng hóa, dịch vụ khiếu nại”.

Trong năm 2013, Văn phòng đã nhận được 721 trường hợp NTD nhờ tư vấn, hướng dẫn; tiếp nhận 137 vụ khiếu nại liên quan đến: bảo hành, chất lượng hàng hóa, dịch vụ; an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), mỹ phẩm, môi trường; hàng điện tử, điện lạnh; quảng cáo sai, lừa đảo; thuốc chữa bệnh, dịch vụ y tế, trang thiết bị y tế, bệnh viện... Trong đó, 109/137 vụ hòa giải thành công (đạt tỷ lệ 79,56%...). Hai lĩnh vực NTD khiếu nại nhiều nhất là dịch vụ ngân hàng và dịch vụ bảo hiểm. Tuy nhiên khi xảy ra tranh chấp, phần thiệt thòi luôn về phía NTD.

Trong quá trình nhận hồ sơ, hỗ trợ giải quyết khiếu nại, phía Vinatas cho biết, khiếu nại hàng hóa hữu hình tỷ lệ hòa giải thành công cao. Cao nhất là lĩnh vực ATVSTP (86,95%); khiếu nại về dịch vụ tỷ lệ hòa giải thành công thấp nhất vì bằng chứng luôn nằm trong tay doanh nghiệp (DN). Riêng lừa đảo bán hàng qua mạng không có địa chỉ của người bán hoặc địa chỉ không có thực, thì hoàn toàn không giải quyết được. Đối với các DN thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước như xăng dầu, bưu chính viễn thông, hàng không, điện, nước… các liên kết để thống lĩnh thị trường, NTD rất khó được bảo vệ trong lĩnh vực này.

Luật sư Phan Vũ Tuấn - Văn phòng Luật sư Phan, cho rằng: các quan hệ giao dịch giữa NTD và các tổ chức đa dạng ở các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, bảo hiểm, bất động sản…Phần lớn là do NTD không hiểu biết nhiều về pháp luật nên không biết cách bảo vệ mình. Chẳng hạn như bảo hiểm là lĩnh vực chuyên sâu chỉ những người kinh doanh mới nắm rõ. Khi giao dịch NTD phải kí vào hợp đồng mẫu do DN bảo hiểm soạn sẵn. Vì là hợp đồng mẫu nên những điều khoản có xu hướng bảo vệ quyền lợi nhà cung cấp. Đồng thời NTD cũng không hiểu đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ trong hợp đồng và rủi ro có thể phát sinh trong tương lai khi có tranh chấp. “Để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà cung cấp và NTD thì ít nhất nhà cung cấp ngay từ ban đầu có thể gửi hợp đồng đến cơ quan luật trung gian hoặc đơn bị bảo vệ quyền lợi NTD để đàm phán các điều khoản cho hợp lý giữa các bên…”, Luật sư Tuấn nêu ý kiến.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI