'Người tị nạn' của Viet Thanh Nguyen: Cuộc đối thoại của những bản thể

10/01/2018 - 15:55

PNO - Đề tài về thân phận người vượt biên không mới, nhưng cách viết ở đây lại cực kỳ ám ảnh. Những người còn sống như đối thoại với chính nỗi đau hằn sâu, đè nén.

Người tị nạn (The Refugees, dịch giả Phạm Viêm Phương, Phương Nam Books và NXB Hội Nhà văn) của Viet Thanh Nguyen (người từng đoạt giải Pulitzer văn học 2016) không chỉ xoay quanh những người tị nạn mà còn là những cuộc tìm về với nguồn cội, bản sắc và giá trị nhân bản.

Đề tài về thân phận người vượt biên không mới, nhưng cách viết ở đây lại cực kỳ ám ảnh. Những người còn sống như đối thoại với chính nỗi đau hằn sâu, đè nén. Họ vẫn tồn tại nhưng đã chết theo cách mà bóng đen ký ức cứ đeo bám. Cái chết và những hồn ma trên biển, quá khứ trở về như một tảng đá lạnh lùng chèn chặt mọi tri giác. Họ lẩn khuất trong bóng tối của chính tâm hồn mình và mở ra thế giới của những người tị nạn, để xác quyết một điều rằng: không có người tị nạn nào tìm thấy được bản thể của chính họ trong hiện tại.

'Nguoi ti nan' cua Viet Thanh Nguyen: Cuoc doi thoai cua nhung ban the
 

Phó giáo sư Viet Thanh Nguyen (tên thật là Nguyễn Thanh Việt, hiện là giảng viên Anh ngữ tại Trường đại học Nam California, Mỹ) bộc bạch rằng, ông luôn có cảm giác xa lạ, luôn sống hai đời sống: một trong nền văn hóa lớn hơn mà phải cố hòa nhập, và một gần với bản chất hơn khi ở trong cộng đồng của mình, nói thứ tiếng của mình. 

Nỗi niềm này được gửi gắm qua từng nhân vật. Tác giả như đứng giữa hai mảng màu đối lập để viết: giữa quá khứ - hiện tại, quê hương bản quán - xứ lạ quê người; truyền thống - cái mới, sự thật trần trụi - những giấc mơ… Bao trùm lên đó là toàn bộ ký ức, những ám ảnh dài theo trục thời gian, đến gần với sự chết.

Tác giả soi chiếu mình trong những bản thể khác, miêu tả nó, trải nghiệm nó và cũng đối diện với nó. Giọng văn tường thuật, không kiểu cách, dễ hiểu, nhưng mỗi truyện đều được viết với một kết cấu lắt léo. Sự nhẩn nha của việc miêu tả, trần thuật quá chi tiết đôi lúc khiến người đọc mất kiên nhẫn, nhưng đúng lúc ấy, tác giả lại đẩy cảm xúc lên cao trào.

Bi kịch của nhân vật, kỳ lạ thay, lại khởi từ họ. Một bà Khanh quẫn trí không thể nhớ tên mình, lại nghĩ người bạn đời cũng đã kém tinh anh có quan hệ ngoài luồng khi cho rằng ông luôn gọi nhầm tên vợ. Một người cha nhớ mãi quá khứ huy hoàng, về già bật khóc khi phải nhờ con gái dìu đi lại trong bệnh viện. Một ảo tưởng “có chị về từ Mỹ”, mơ một giấc đổi đời, cuối cùng bị hắt một gáo nước lạnh về những giả dối sau cái mác Việt kiều và những con người mãi không chấp nhận được hiện tại mà cứ đau…

Có lẽ đó là lý do mà Người tị nạn được giới phê bình Mỹ đánh giá là cuốn sách vượt qua mọi biên giới quốc gia, sắc tộc để “đối thoại với toàn bộ loài người”.

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI