Người thương của phố

05/02/2019 - 18:00

PNO - Chúng tôi gọi cô là 'người thương của phố' không phải vì cô đã giúp chị em chúng tôi biết thêm nghề làm hoa vải, kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống, mà bởi tấm lòng của cô dành cho cuộc đời này, rộng lớn, bao dung.

Cô là Nguyễn Thị Bảy - nữ hội viên ưu tú của Chi hội Phụ nữ khu phố 3, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM, cũng là giáo viên Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM.

Nguoi thuong cua pho
Cô Bảy bên các học viên lớp dạy nghề làm hoa vải miễn phí ở khu phố 3, P.Đông Hưng Thuận, Q.12.

Lớn lên trong một gia đình công chức có truyền thống làm nghề giáo, nhưng từ nhỏ, cô Bảy đã đam mê nghệ thuật. Là bà mẹ đơn thân khi tuổi còn rất trẻ, tay xách nách mang tới 3 đứa con nhỏ, cô phải xoay xở đủ nghề, bỏ qua giấc mơ làm nghệ thuật để lo cơm - áo - gạo - tiền. Năm 1985, cô Bảy thành lập cơ sở Tự Lập, chuyên gia công sản phẩm mây, tre, lá xuất sang Liên Xô, Ba Lan, có thời điểm sử dụng đến 80 nhân công. Tuy nhiên, đến năm 1995, cơ sở phải đóng cửa do tình hình chính trị ở các nước Đông Âu biến động. Năm 1996, cô Bảy làm công tác xóa đói giảm nghèo của P.Đông Hưng Thuận. Thấy trong phường còn nhiều chị em khó khăn về kinh tế, cô Bảy thành lập cơ sở may thêu. 

Đến năm 2006, qua lời giới thiệu của một người bạn, cô tham gia công tác tại Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM. Tại đây, cô dạy nghề làm hoa, vẽ tranh sơn dầu, tranh 3D cho trẻ khuyết tật và cơ nhỡ. Hơn 10 năm truyền dạy nghề, cô Bảy đã giúp hàng trăm người khuyết tật tìm thấy giá trị của chính mình trong cuộc sống với nghề làm hoa vải, hoa đất sét. 

Đầu năm 2018, trong một lần tình cờ, tôi gặp cô. Khi chuyện trò, biết tôi là chi hội trưởng phụ nữ, cô Bảy dò hỏi về việc đào tạo nghề cho phụ nữ trong khu phố 3. Tôi trình bày cái khó của một khu phố đông dân nhập cư, lao động nghèo. Vừa nghe xong, cô hỏi: “Liệu em có thể tập hợp chị em để cô dạy nghề miễn phí không?”. Tôi mừng quá, về khu phố mở lời rao, không ngờ, có đến gần 30 chị em đăng ký học nghề. Suốt 3 tháng hè vừa qua, không quản mưa gió, mỗi tối thứ Tư, thứ Sáu hằng tuần, sau giờ dạy ở trung tâm, cô Bảy lại về trụ sở ban điều hành khu phố 3 đứng lớp. 

Ở lớp học nhỏ này, học viên đa số lớn tuổi, tay chân lóng ngóng, cô Bảy vẫn không ngớt động viên, vuốt sửa từng chút một. Sau mấy tháng miệt mài, ngày tổng kết, lớp học chúng tôi là một vạt hoa vải đủ sắc màu rực rỡ. Từ lớp học, nhiều chị đã ra nghề, làm hoa vải, hoa đất sét bán để trang trải cuộc sống. 

Từ khi có cô Bảy về chi hội sinh hoạt, chúng tôi như có thêm điểm tựa cả về vật chất lẫn tinh thần. Cô bày chúng tôi những nội dung cần đưa vào các buổi sinh hoạt Hội cho sinh động, phong phú, thu hút chị em. Biết chi hội gặp khó khăn về kinh phí, cô làm cầu nối giới thiệu các nhà hảo tâm trao quà cho phụ nữ nghèo, người bệnh, giúp học bổng cho con em hội viên khó khăn trong chi hội. Nghe chị em chúng tôi rối rít cảm ơn, khen cô dễ thương, cô chỉ mỉm cười đôn hậu: “Khu phố mình, ai cũng dễ thương”.  

 Nguyễn Thị Ngọc Nhàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI