Người thương của khu phố

03/08/2018 - 07:41

PNO - Sự tận tâm của dì đã tạo được sự lan tỏa. Ngoài thành lập nhóm nấu ăn từ thiện, dì còn thành lập được một đội văn nghệ hoạt động rất mạnh, vừa giúp thành viên giải trí, vừa thu hút hội viên mới

“Bà Tám ơi, cứu con với!”. Tiếng kêu thảng thốt trong đêm của một phụ nữ người Khmer đã thôi thúc dì Võ Thị Kim Phụng (Tám Phụng), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 5, P.Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM - luôn dặn lòng cố gắng hòa giải mâu thuẫn cho cư dân trong khu phố, đồng thời đi sớm về khuya lo từng phần cơm, suất cháo cho người nghèo. 

Nguoi thuong cua khu pho
Dì Tám Phụng trao phần cơm nghĩa tình cho ông Lê Văn Ba - 78 tuổi, ngụ P.Bình Trưng Đông.

Bà Tám "ve chai"

Trong văn phòng Ban điều hành khu phố 5, P.Bình Trưng Đông, dì Tám Phụng đứng nêm nếm nồi canh. Cạnh đó, hơn 5 thành viên khác đang lui cui nấu cơm, nhặt rau, chặt thịt gà. Căn bếp nho nhỏ này, như lời dì nói, có “lịch sử hẳn hoi”. Và dì - một cựu binh trở về từ chiến trường Tây Nam - góp mặt trong đoạn lịch sử ấy. 

Xót cảnh nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng, ốm yếu, còi cọc, cụ già neo đơn, người khuyết tật chật vật với từng bữa ăn, cuối năm 2011, dì Tám Phụng cùng 5 cán bộ Hội Phụ nữ (PN) gồm các dì, chị Trần Thị Thanh Thủy, Võ Thị Kim Em, Nguyễn Thị Bảy, Doãn Thị Thơi, Nguyễn Thị Giận chung tay “đặt gạch” xây bếp.

Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, để có tiền mua gạo, mua rau, các dì phải thu gom ve chai trong nhà và đi xin những hộ lân cận bán, tạo quỹ. Mặc nắng mưa, những PN ngấp nghé tuổi 50, 60 ấy vẫn đẩy xe rảo quanh khu phố. Khi đã gom được nhiều ve chai, dì Tám Phụng lấy xe máy chở tới vựa. Cứ 3-4g sáng thứ Bảy hằng tuần, các dì lại lặn lội lên chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM) mua rau, củ về nấu 100 phần cháo nóng hổi, trao tận tay người nghèo. 

Qua 7 năm, bếp giờ đã chuyển sang nấu cơm, với 300-350 suất/ngày, phục vụ miễn phí hộ nghèo, người già neo đơn, khuyết tật... Xúc động trước tấm lòng, sự tận tâm của các dì, nhiều nhà hảo tâm đã ghé phụ bao gạo, chai nước mắm nên nguồn quỹ không quá hạn hẹp như trước. Thế nhưng, nhóm của dì Tám Phụng vẫn giữ thói quen đẩy xe đi xin ve chai. Những hôm trời đột ngột đổ mưa, thấy dì lui cui ngoài đường cùng ngổn ngang chai lọ, bìa các-tông, người dân lại xuýt xoa: “Bà Tám ve chai cực quá”. 

Dì Tám Phụng bộc bạch: “Bây giờ, chị em tôi thu gom ve chai là để có quỹ mua bảo hiểm y tế tặng hội viên, thăm hỏi hoặc giúp đỡ đột xuất những trường hợp đang lâm cảnh ngặt nghèo. Mình chẳng có gì ngoài tấm lòng, cực xíu mà mang lại niềm vui cho chị em, cũng đáng”. 

Địa chỉ tin cậy

Phát hết mấy trăm phần cơm, dì Tám Phụng kéo tay tôi vô phòng đọc sách của khu phố, chỉ mấy thùng giấy đã được đóng cẩn thận: “50 phần gạo, dầu ăn, mắm muối đó. Tôi để dành bữa giờ, vài tuần nữa sẽ tặng hội viên nghèo. Mình có gì cho nấy, của ít lòng nhiều”. 

Năm 1978, dì Tám Phụng theo chân đội phẫu thuật tiền phương chi viện cho chiến trường Campuchia; đến năm 1983, dì trở về TP.HCM, công tác tại Công ty dệt Việt Thắng. Về hưu, dì làm Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh P.Bình Trưng Đông, nhưng mối duyên với những hoàn cảnh không may lại kéo dì sang Hội PN.

Đêm nọ, đang ngồi coi ti vi, dì giật mình nghe tiếng kêu vọng từ ngoài đường: “Bà Tám ơi, cứu con với!”. Tung cửa chạy ra, trước mắt dì là chị L. - một phụ nữ Khmer - đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, đang kêu khóc. Dì Tám Phụng nắm tay hồi lâu, chờ chị L. bình tĩnh. “Cha chồng đánh con” - chị L. nấc nghẹn. Chị L. đi làm thuê, chồng phụ hồ, con còn nhỏ. Những khó khăn về vật chất kéo theo bí bách tinh thần nên đôi lúc vợ chồng lời qua tiếng lại. Bực mình, cha chồng đè con dâu mà tát.

Ngay trong đêm, dì Tám Phụng đích thân đưa chị L. về nhà, gặp chồng và cha chồng, để chị giãi bày nỗi buồn lẫn uất ức. Sau nhiều lần “ba mặt một lời”, bên nào cũng nhận có phần lỗi, hứa sửa chữa. Giờ, gia đình chị L. sống hòa thuận, êm ấm. 

Đêm khác, đã 23g, đang thiu thiu ngủ, dì Tám Phụng bật dậy sau những tiếng kêu cửa. Bên ngoài, một bà cụ lang thang không nơi nương tựa đang cần một chỗ tá túc qua đêm. Dì liền mời vào, lo cơm nước, chỗ nghỉ ngơi cho cụ và những ngày sau, chính dì chạy lo thủ tục để đưa cụ vào viện dưỡng lão. 

Khu phố 5, P.Bình Trưng Đông có 17 tổ PN với hơn 650 hội viên, đa phần là lao động tự do, buôn bán nhỏ, công nhân, kinh tế khá chật vật. Thấy chị Phương làm công nhân, thu nhập thấp nhưng phải nuôi chồng và con trai mắc bệnh tâm thần, dì Tám Phụng liền cho chị Phương mượn tiền mở quán bán hủ tíu với lời động viên: “Không có tiền trả lại dì, cũng không sao”.

Dì Tám Phụng còn giới thiệu cho chị Mỹ Ngọc được vay vốn của Hội PN để mở quán tạp hóa, từng bước thoát nghèo. Từ khi khá hơn, chị Ngọc đã tích cực đồng hành cùng Hội PN trong những hoạt động xã hội - từ thiện. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Chủ tịch Hội LHPN Q.2 - tự hào về vị chi hội trưởng này: “Chị em hội viên thường nói vui: “Dì Tám Phụng là người thương của khu phố”. Sự tận tâm của dì đã tạo được sự lan tỏa. Ngoài thành lập nhóm nấu ăn từ thiện, dì còn thành lập được một đội văn nghệ hoạt động rất mạnh, vừa giúp thành viên giải trí, vừa thu hút hội viên mới”. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI