Cô Thanh rao bán nhà. Một cặp vợ chồng người Peru đã đồng ý mua. Vì mới qua ở với cô mấy ngày nên Út không rành lắm về thủ tục bên cái xứ cờ hoa này, chỉ nghe cô nói luật sư cho ở thêm một tháng nữa để dọn đồ và chuẩn bị làm giấy tờ để hoàn tất thủ tục thanh toán. Ngày Út qua, tính ra chỉ còn chưa đến hai tuần là phải dọn hết để nhà trống cho chủ mới.
- Tội bây quá. Mấy khi qua đây mà ngay lúc cô bán nhà. Thôi, ở nhà thuê tạm với cô. Đợi ba tháng nữa, em Luân học xong bên này, cô dọn qua Houston cho nó học tiếp đại học bên đó. Con coi mai mốt nếu muốn chuyển trường qua Houston thì ở với cô. Nhà cô mua bên bển bự lắm - cô Thanh an ủi Út.
Thật ra, vì trường học bên Atlanta chưa đến ngày khai giảng nên Út bay qua Rochester thăm cô, chứ ở nhà trọ hay nhà riêng gì cũng không sao. Mục đích chính vẫn là tìm hiểu vài danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tiểu bang New York. Út chỉ cần cái giường để ngủ ngon là được. Lo ngại của cô về chỗ ở xem như thừa vậy.
Cô cháu gì mà trước giờ ít gặp nên Út chưa biết nhiều về cô Thanh. Ngay cả lúc ở Sài Gòn cũng thi thoảng alo hỏi thăm nhau vài câu. Từ lúc cô tái giá với ông Tây rồi theo qua vùng ngoại ô của New York này, ngót ra gần mười năm rồi chưa gặp.
Máu mủ thì chắc cũng sắp loãng và lạt nhách như nước lã nên Út không mong cầu gì nhiều. Trước lúc qua thăm cô, lòng chỉ nghĩ đi qua cho biết, đánh dấu thêm một thành phố để mang tiếng là có đi đây đi đó với người ta.
- Luân ơi, con coi còn cái gì thì rao bán hết, kiếm được nhiêu kiếm, qua bên kia trả tiền thuê nhà, được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu. Nhà thuê không có chỗ để, mà có để thì mai mốt qua bên kia cũng phải bán hết hà.
Út chạy lên lầu một, thấy cô lom khom xuống gầm giường xem còn sót thứ gì không. Đang muốn ra ngoài để ngắm lá vàng mùa thu rắc khắp lối, đẹp nhức nhối con tim nhưng thấy cô lúi cúi dọn dẹp, Út không dám đi chơi.
Dù gì cũng phận ở nhờ một thời gian, nên Út phải phụ dọn dẹp. Cô hứa chở đi thác Niagara chơi nhưng kiểu này chắc phải nhắc khéo để cổ nhớ mới được.
- Cái danh sách mấy món má bán được cho con Mỹ đen là mấy cái nào vậy? Để con đánh dấu, bán lộn thì chết.
Thằng Luân kỹ tính, hỏi lại má trước khi chụp hình mấy vật dụng linh tinh còn lại để bán online. Hai mẹ con ngồi tính số tiền đã được một người đặt mua cộng với mấy thứ còn lại sẽ dư được một ít sau khi trả ba tháng thuê nhà. Út nghĩ, trời ơi, có cần phải ti tiện dữ vậy không? Mua cái nhà bự bên tiểu bang kia mà giờ mót từng chút chi cho cực vậy?
Nhưng thôi, là chuyện của cổ. Cái xứ Mỹ này, Út nghe nói nhiều rồi, người Việt cũng khổ trăm bề. Tủn mủn như vậy, chắc đã là căn cơ bản tính của con người rồi, huống chi, cô ở Việt Nam cũng hơn nửa đời người.
Mấy ngày hôm sau, khi Luân với Út vừa bước chân vô nhà sau khi chạy ra một tiệm ăn Việt Nam mua ba tô bún mắm thì cô thở dài thườn thượt:
- Con Mỹ đen nó kỳ quá bây ơi. Hồi nãy nó đòi lấy hết mớ đồ hôm bữa đã mua nhưng tuần sau chồng nó có lương thì mới trả tiền.
Trút mấy hộp nước lèo ra tô, Út nghe cô nói tiếp.
- Má không chịu, rủi nó đi luôn thì sao mà đòi. Hổng lẽ chửi lộn trừ, có giấy tờ gì đâu. Cuối cùng nó nói vậy hổng mua rồi đòi tiền cọc lại.
- Ủa, đã thỏa thuận rồi, khi nào lấy thì đưa tiền một lần. Nó không chịu mua nữa thì mất cọc ráng chịu. Nó rinh của mình mấy món rồi mà.
Cô bước ra bếp, một tay lấy hộp bún ra, phụ Út. Hình như cô ngại nên muốn tránh ánh mắt của thằng Luân. “Thôi, má cũng trả cho nó tiền cọc rồi. Cái đống nó đem đi cũng trả lại rồi kìa. Con coi có bán được luôn thì rao bán. Má tưởng bán hết đống này, tính ra còn dư chút đỉnh sau khi đóng tiền thuê nhà ba tháng. Ai dè, kiểu này là phải bán rẻ rồi bù thêm rồi”.
Thằng Luân đế vô thêm: “Má tính cho dữ vô, cuối cùng cũng vậy hà”. Ngặt một cái là mấy món đồ này không bỏ ngoài đường lung tung được, cản trở lề đường đi bộ với xe đạp là bị cảnh sát phạt chết. Út thấy cô có vẻ đau đầu vì vụ này. Nhà bán theo ký kết là dọn sạch hết cho người ta, để lại thì lại bị thưa kiện trừ tiền. Mà bán thốc bán tháo thì tiếc, không bán thì không đặng. Khó xử tứ bề như vậy, nghĩ kỹ ra, Út thương cô hơn một chút.
- Quá lắm thì mốt tới ngày đi, mình canh buổi khuya, coi cái góc vỉa hè nào không có camera thì đem ra đó rồi mình bỏ chạy. - Thằng Luân đề xuất ý kiến nhưng cô bác bỏ: “Trời ơi, làm vậy thấy đau tim vì hồi hộp lắm”. Nhưng rồi cô cũng phải chào thua: “Lỡ không ai mua thì ba người mình phải làm liều vậy quá”.
Người chồng Tây mất cũng đã gần hai năm. Với chế độ ưu đãi của chồng là người phục vụ trong quân đội, tiền chu cấp hằng tháng từ chính phủ cũng đủ để cô sống mà không cần chịu đựng một áp lực nào. Nhưng ngày ngày cô vẫn đi làm ở tiệm nail để kiếm thêm.
Út không rõ cô có hay gởi tiền về cho gia đình ở Sài Gòn không, nhưng từ khi người chồng này mất, sau mấy năm rước cô qua, Út cũng nghe xôn xao trong dòng họ: “Bà Thanh vô mánh, hưởng gia tài ông Tây. Giờ một mình, khỏi hầu hạ cơm nước. Bả coi vậy mà khôn động trời. Thằng Luân, con riêng của bả, giờ cũng qua bển hưởng chung”.
Ấn tượng ban đầu khiến Út không ghét cô là cô không đổ tiền vô sòng bài. Nghĩ bụng, tính gộp tiền trợ cấp của chồng với tiền làm nail một tuần ba ngày, chắc cũng đâu đến nỗi thiếu thốn mà cô tính toán chi cho mệt óc tuổi già. Cô cũng ngót sáu mươi rồi chứ trẻ trung gì nữa đâu.
- Cô phải đi học tiếp tiếng Anh nên đi làm nail một tuần ba buổi thôi. Xong còn phải đi học tiếp một chuyên ngành gì đó ở trường cao đẳng nữa. Hồi xưa, ổng dặn cô phải đi học. Giờ ổng hổng còn nhưng lỡ hứa rồi, cũng phải ráng.
- Mà cô học xong cũng có đi làm được đâu mà học.
- Biết là vậy nhưng không làm theo lời hứa thì ổng về bẻ giò hà.
Cái máu âm lịch vẫn còn sờ sờ vậy đó. Út nghĩ, cô có đi học thêm ba năm nữa chắc cũng không khác được đâu. Nhưng do lỡ hứa với người chồng, dù để giết thời gian nhàm chán thì cũng tốt hơn so với không có kiến thức. Chắc cô cũng bị áp lực bởi học thức và công việc trong cái xã hội nổi tiếng tự do này.
Mấy đồ linh tinh cần thiết được dọn từ từ qua nhà thuê mới. Trước ngày dọn đi hai ngày, có hai người khách đến xem đồ. Kỳ kèo qua lại, cô với thằng Luân đồng ý bán rẻ hơn một chút xíu. Một cô khách Mỹ trắng thấy tờ giấy chứng nhận về thời gian phục vụ quân ngũ của chú liền đưa thẻ quân nhân ra và khoe cùng ngành.
Vậy là cô cho luôn mấy món linh tinh còn lại cho người khách đó. Tính tổng ra số tiền cũng vừa đủ để trả tiền thuê nhà ba tháng.
Trời Rochester đang chớm thu, tính ra còn lạnh hơn cả Đà Lạt. Buổi tối ngủ đá tung mền nên phải dậy mà bò tìm để đắp cái chân. Đêm cuối cùng trước khi giao nhà, Út dậy đi toilet thì giật mình khi thấy cái bóng đen thù lù ngồi bệt dưới sàn. Cô Thanh ngồi đó, sụt sùi ôm hũ tro cốt của chồng.
- Honey ơi, em xin lỗi. Honey theo em qua chỗ mới nha. Em không muốn bán căn nhà này đâu nhưng vì tương lai của con. Mình hiểu cho em mà phải không? Honey phù hộ cho em với con qua chỗ mới bình an nha!
Sáng hôm sau, cô nhất quyết ôm hũ tro cốt đó, không cho Út hay thằng Luân ôm phụ. Trước khi đi, cô còn nắm tay chủ nhà mới mà rớt nước mắt: “Đây là căn nhà kỷ niệm của vợ chồng tôi. Nếu được, tôi rất biết ơn nếu cô chăm sóc nó cẩn thận”. Không biết có phải người chủ Peru kia vì lịch sự hay không mà cũng ân cần hứa, còn ngỏ ý mời cô về thăm bất cứ lúc nào thấy tiện.
Út theo cô lên xe cho thằng Luân lái qua chỗ mới. Chuyến này là chuyến cuối cùng từ nhà, phải gọi là nhà cũ mới đúng, qua chỗ thuê. Cô quẹt nước mắt thật nhanh, hình như cố không cho thằng Luân nhìn thấy, “Mình đi thôi con”.
Qua cửa kính chiếu hậu, Út thấy ánh mắt cô xa xăm ngược lại nhà cũ. Trước nhà, mấy nhánh hồng trái mùa tàn lụi vì bị bỏ lại, có một đóa hoa bé tí vừa hé đỏ rực, rung rinh nhè nhẹ như chào tạm biệt ba người. Tự dưng, trước cái nhìn lưu luyến này, Út quên hẳn việc mình muốn đi thăm thác Niagara.
- Cô Thanh ơi, mốt con với cô cá nhau coi ai tốt nghiệp trường cao đẳng trước nha!
- Cô sợ con à? Cô coi vậy chứ cũng không đến nỗi nào đâu nha Út.
Tim