“Nếu không có đồng đội thì tôi đã chết”
|
Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày được xây dựng trên mảnh đất hương hỏa của ông Lâm Văn Bảng |
Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội, được dựng lên trên nền đất hương hỏa của gia đình ông Lâm Văn Bảng - cựu binh, thương binh hạng 1/4. Ông Bảng nhập ngũ tháng 4/1965. Đến tháng 5/1968 ông bị thương và sa vào tay giặc.
Ngồi trên ghế, vầng trán đồi mồi, mái đầu bạc trắng như bất động, mắt nhắm, giọng ông đều đều: “Ngày đó, nếu không có đồng đội thì tôi đã chết. Ở khám Chí Hòa, tôi không đi lại được. Anh em thay nhau khiêng từng thùng nước về tắm rửa, giặt giũ quần áo cho tôi. Anh Trọng - người huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội - lo cho tôi từng giấc ngủ. Tôi còn gặp anh Lê Trung Dư là người cùng quê. Anh Dư đi lại được nên cách 1 ngày lại lần tường đến thăm tôi 1 lần”.
Trong câu chuyện, ông cũng nhắc nhiều về những đồng đội bị thương nặng và những tiếng kêu rên. “Có lần hệ thống thoát nước khu điều trị trong trại tạm giam bị vỡ, chuột cống theo ống nước bò vào. Anh Dư đến thăm tôi và bảo “Bảng ơi, chuột nó cắn đến môi, đến tai, đến mũi anh em rồi”. Sau hôm đó, tiếng kêu thưa dần, rồi im bặt, đó là khi đồng đội tôi lần lượt ra đi. Cho đến bây giờ, những ngày trái gió trở trời, trong đầu tôi, bên tai tôi, vẫn văng vẳng những tiếng kêu rên đó…” - ông Bảng kể, đôi lông mày chau lại.
Sau đó, ông bị chuyển ra nhà tù Phú Quốc. Mỗi ngày ông và đồng đội được 1 nắm cơm, 1 ca nước, cũng có ngày bị bỏ đói. Mùa hè nắng cháy thịt da, chúng mang “chuồng cọp” phơi giữa trời. Đêm đông thì chúng mang nước lạnh dội lên người chiến sĩ. Cũng ở nhà tù Phú Quốc, ông Bảng và ông Sanh - người ở huyện Yên Mô, Ninh Bình - đã điểm danh thay, để 2 đồng đội vượt ngục. Làm việc ấy, các ông đều biết, nếu bị phát hiện sẽ chỉ còn con đường chết. Nhưng họ vẫn chọn làm để đồng đội mình được sống.
Sau 4 năm, 8 tháng, 7 ngày trong “địa ngục trần gian”, ông Bảng được trở về theo Hiệp định Paris. Nhưng kể từ ấy, suốt mấy chục năm qua, hình ảnh đồng đội bị đánh gãy chân tay, bị đổ xà phòng sôi vào miệng… cứ hiển hiện trước mắt ông như mới hôm qua. Rồi khi tìm được mộ phần của đồng đội đã hy sinh, ông không biết đưa về đâu thờ tự, bởi cha mẹ, người thân của đồng đội đều đã mất. Những điều đó cứ ám ảnh, thôi thúc ông phải làm điều gì đó để đáp đền ơn nghĩa đồng đội.
Mỗi hiện vật đều là xương máu đồng đội
Năm 1985, khi đang làm Hạt trưởng Hạt Quản lý giao thông số 5, ông Bảng tình cờ nảy ra ý tưởng về một bảo tàng. Chẳng là trong quá trình sửa chữa cầu đường, phát hiện 1 quả bom đang còn nguyên vẹn, ông Bảng nhờ chuyên gia tháo kíp, tháo thuốc nổ, rồi mang về đặt ở trụ sở. Và mọi người đã kéo nhau đến xem. Từ đó, ông nghĩ: “Các anh em đồng đội bị địch bắt tù đày, tra tấn, luôn cận kề cái chết. Hiện vật của cuộc đấu tranh, của anh em để lại rất nhiều. Sao mình không tập hợp lại để trưng bày?”. Nghĩ vậy, nhưng phải đến năm 1995 ông mới bắt đầu thực hiện.
Ông báo cáo với ông Tô Diệu - nguyên Phó cục trưởng Cục Địch vận, Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam - về ý tưởng muốn lập một ngôi đền để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng thời sưu tầm, trưng bày những hình ảnh, hiện vật về sự bạo tàn của địch nơi “địa ngục trần gian” - nhà tù Phú Quốc. Được ông Tô Diệu ủng hộ, ông Bảng liền viết thư cho anh em bạn bè, cho Ban Liên lạc chiến sĩ bị địch bắt tù đày trong cả nước để sưu tầm hiện vật. Mỗi hiện vật trong bảo tàng hôm nay đều là xương, là máu của đồng đội ông. Đó là những chiếc đinh đóng vào đầu đồng đội, là những chiếc răng của đồng đội bị địch bẻ gãy… Đáng chú ý là lá cờ Đảng được nhuộm bằng máu các chiến sĩ trong tù - lá cờ thiêng liêng đã có mặt trong những ngày lễ lớn, trong ngày kết nạp đảng viên giữa chốn lao tù.
Lá cờ nhuộm máu đào ấy vốn được ông Nguyễn Mạnh Dư (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) cất giữ. Trong lao tù, ông Dư đã bảo vệ lá cờ còn hơn mạng sống của mình. Hòa bình lập lại, cuộc sống dù rất khó khăn, nhà cửa tuềnh toàng, nhưng lá cờ vẫn được ông Dư giữ gìn kỹ lưỡng. Ông Bảng cùng anh em đã hơn chục lần đạp xe đến nhà thuyết phục thì ông Dư mới đồng ý trao lại lá cờ cho bảo tàng (bấy giờ còn là Phòng Truyền thống chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày). Giây phút trao và nhận lại lá cờ, cả ông Bảng và ông Dư đều khóc.
Những nhân chứng sống làm thuyết minh viên
|
Ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày |
Nhìn bảo tàng khang trang, được nhiều thế hệ ủng hộ như ngày hôm nay, ít ai biết ông Bảng đã trải qua vô vàn gian khó. Kinh phí ban đầu, ngoài lương hưu và lương thương binh của ông Bảng thì không còn nguồn nào. Rồi xóm giềng dị nghị, họ bảo “rước ma về thờ”. Vợ ông cũng kịch liệt phản đối, nhất là khi biết ông đã giả cả chữ ký của bà để bán 1 ngôi nhà và 1 suất đất lấy tiền lo cho bảo tàng. Có lúc quá căng thẳng, ông bà đã suýt bỏ nhau. Ông nói với bà: “Anh không rước ma về thờ mà là rước đồng đội của anh, là những người đã nằm xuống cho anh được sống. Nếu không có họ, thì không có gia đình ta hôm nay”. Cuối cùng, bà cũng thấu hiểu công việc thiêng liêng của chồng mình.
Bảo tàng hiện có 16 “nhân viên” và cả 16 người đều là nhân chứng sống trở về từ “địa ngục trần gian”. Ông Bảng đã cùng anh em đi rất nhiều bảo tàng để học cách bảo quản, cách trưng bày hiện vật, sắp xếp, quản lý tư liệu, kiêm luôn việc dọn dẹp vệ sinh, coi xe, xây sửa… với phương châm 4 tự: tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Giờ đây, các ông đã đảm nhiệm mọi công việc chẳng kém nhân viên chuyên nghiệp của bảo tàng nào. Hôm nào bảo tàng đón khách, các ông Nguyễn Văn Quốc, Phùng Xuân Nghị phải đi mấy chặng xe buýt để từ nội đô xuống huyện Phú Xuyên, rồi từ Quốc lộ 1 quá giang vào thôn Nam Quất. Ông Kiều Văn Uỵch, Lê Trung Dư, nhà ở gần thì đạp xe đến. Ông Vũ Kim ở Bắc Ninh cũng tập trung về…
Năm xưa, trong chuồng cọp, ông Uỵch bị bọn giám thị treo chân ngược lên hàng rào thép gai vì tội cầm dao rạch bụng để đấu tranh đòi quyền lợi cho anh em bạn tù. Tương tự, ông Kim cũng từng rạch bụng để đấu tranh với bọn giám thị trại giam… Nên giờ đây, việc thuyết minh cho khách tham quan của các ông thêm phần sống động. Ông Bảng kể: “Có giáo sư sử học người Mỹ khi nghe tôi thuyết minh về 56 hình thức tra tấn trong nhà tù Phú Quốc, tôi nói đến đâu ông ấy chắp tay lạy và nói “ác quá, ác quá” đến đó. Ông hứa khi trở về sẽ kể lại những câu chuyện này cho sinh viên và người Mỹ nghe. Có bà người Ý làm việc ở Đại sứ quán Ý tại Philippines đã viết: “Những hiện vật ở đây là báu vật trong việc giáo dục để không chỉ người dân Việt Nam, mà cả nhân dân thế giới hiểu thế nào là chiến tranh. Đây là những tư liệu lịch sử quý giá”.
Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chính thức thành lập vào năm 2006 với hơn 2.000 hiện vật, kỷ vật, hình ảnh của các chiến sĩ, đồng đội trao tặng lại. Cho đến nay, bảo tàng đã sưu tập, lưu giữ, trưng bày, tái hiện hơn 4.000 hiện vật và chia thành 10 khu vực. Năm 2015, 2016, ông Lâm Văn Bảng và bảo tàng đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. |
Ngọc Minh Tâm