Người thức khuya, dậy trễ tăng nguy cơ bị tiểu đường type 2

10/09/2024 - 09:23

PNO - Nghiên cứu mới cho thấy, người thức khuya, hoạt động nhiều về đêm rồi dậy trễ có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao hơn hẳn người sinh hoạt lành mạnh.

Lối sống “cú đêm” khiến con người bị đảo lộn đồng hồ sinh học — Ảnh: Shutterstock
Lối sống “cú đêm” khiến con người bị đảo lộn đồng hồ sinh học - Ảnh: Shutterstock

Nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Leiden ở Hà Lan công bố nghiên cứu mới về bệnh tiểu đường, trong đó cảnh báo rằng những người thức khuya có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao hơn người sinh hoạt lành mạnh.

Nghiên cứu sẽ được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội nghiên cứu bệnh tiểu đường châu Âu (EASD) tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, vào ngày 13/9 tới đây. Tiến sĩ Jeroen van der Velde, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng thời gian biểu sinh hoạt trễ, đi ngủ trễ và dậy trễ, có liên quan đến lối sống không lành mạnh”.

Tiến sĩ van der Velde cho biết, nhóm của ông đã phân tích thời gian ngủ, chu vi vòng eo và chỉ số khối cơ thể (BMI) của hơn 5.000 người. Trong nhóm này, 1.576 người đã được chụp MRI để đo lượng mỡ nội tạng và gan, còn dữ liệu trong hồ sơ sức khỏe điện tử được sử dụng để kiểm tra xem có bao nhiêu người mắc bệnh tiểu đường type 2. Những người tham gia được phân loại thành 3 nhóm, dựa trên thời gian ngủ của họ, trễ, sớm và trung bình.

Các nhóm được theo dõi trong thời gian trung bình là 6,6 năm, với 225 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2. Kết quả, những người thích thức khuya có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn 46% so với những người trong nhóm trung bình.

Tiến sĩ van der Velde cho biết: “Những người có kiểu gen sinh hoạt trễ thường có xu hướng hút thuốc hoặc có chế độ ăn uống không lành mạnh, người ta cho rằng đây là lý do họ có nguy cơ béo phì và rối loạn chuyển hóa cao hơn, bao gồm cả bệnh tiểu đường type 2”. Vị chuyên gia chia sẻ thêm, những người thức khuya dậy trễ thường có BMI cao hơn, vòng eo lớn hơn, nhiều mỡ nội tạng hơn và hàm lượng mỡ gan cao hơn người sinh hoạt đúng giờ giấc.

“Một lời giải thích hợp lý là nhịp sinh học hoặc đồng hồ sinh học ở những người sinh hoạt trễ không đồng bộ với lịch trình hoạt động và làm việc của xã hội. Điều này dẫn đến mất cân bằng nhịp sinh học, rối loạn chuyển hóa và cuối cùng là bệnh tiểu đường type 2” - ông nói.

Trường An (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI