Người thua cuộc vẫn... vui vẻ

09/10/2019 - 15:23

PNO - Chìa khóa dẫn đến sự thành công là làm mọi việc thật hoàn hảo? Không, đó là một nhận định sai lầm. Nhà báo Kate Graham khám phá tại sao thất bại cũng có thể là điều tốt nhất cho bạn.

Với tâm trạng nặng trĩu, Jessica biết rằng cuộc phỏng vấn tìm việc đã không diễn ra như mong đợi.

Trong buổi thuyết trình, với cái đầu vẫn còn lơ mơ vì phải thức trông con ốm vào đêm trước, cô thấy sự tự tin dần tan biến: “Tôi cố gắng hoàn thành bài thuyết trình, nhưng tôi biết nó không được chuẩn bị đầy đủ. Sáng hôm sau, khi nghe phản hồi của công ty thông qua văn phòng môi giới tuyển dụng, rằng tôi có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng chất lượng còn kém, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ. Sự tự tin của tôi bị tổn thương nặng nề. Tôi không còn hứng thú tìm việc mới, thậm chí khi sếp tôi nghỉ việc, tôi biết mình thừa sức vào vị trí thay thế, nhưng tôi đã không đủ tự tin để ứng tuyển”.

Hầu hết ai trong chúng ta cũng có những câu chuyện về sự thất bại, có thể là bị từ chối tình cảm, một lỗi lầm ngu ngốc trong kỳ thi. Những câu chuyện này có khả năng làm chúng ta cảm thấy ớn lạnh dù chúng xảy ra đã lâu. Thậm chí khi bạn chưa từng thất bại, nhưng nỗi lo sợ thất bại cũng có thể để lại một dấu ấn mạnh mẽ trong cuộc sống của bạn. 

Nguoi thua cuoc van... vui ve
Ảnh minh họa

Theo nhà báo Kate Graham, lúc còn đi học, cô sợ nhất là các con số. Lúc lên đại học, cô chẳng bao giờ dám tham gia các hoạt động thể thao. Cô tránh càng xa càng tốt các môn mà cô biết chắc mình sẽ không hứng thú và sẽ không thành công. Tại sao phải làm mình ngượng trước mặt mọi người? Trong thế giới của riêng mình, cô tự nhận định việc nào mình có khả năng, và việc nào mình không nên dành thời gian cho nó. Cô kiên trì đi theo con đường mình vạch sẵn, đầu tư vào các công việc trong khả năng của mình để hạn chế thất bại.

Đến khi làm mẹ, cô quan sát hai con gái nhỏ của mình: đứa bé một tuổi té lên té xuống cả trăm lần nhưng vẫn tự mình đứng lên mỗi khi bị ngã; đứa lớn ba tuổi thì vui vẻ chấp nhận mỗi khi nó không đạt chỉ tiêu từ môn tiếng Pháp cho đến bơi lội. Ở tuổi ba mươi chín, cô muốn khám phá điều bí mật của hai con mình là gì. Cô muốn chúng duy trì tinh thần chiến bại, chứ không muốn các con né tránh thất bại của chính mình. 

Thật may mắn là vào thời điểm này, việc học cách chấp nhận thất bại là một chủ đề nóng không kém gì việc học yoga. Có vô vàn cuốn sách nói về cách đối đầu với thất bại. Thậm chí, ngành thời trang cũng vào cuộc với khẩu hiệu trên chiếc khăn choàng được một nhân vật nổi tiếng diện lên ti vi: “Thua xịn hơn” (Failed better), lấy cảm hứng từ câu nói của Samuel Beckett: “Từng cố gắng. Từng thua. Không sao cả. Cố gắng tiếp. Thua tiếp. Thua xịn hơn” (Ever tried. Ever failed. No matter. Try again. Fail again. Fail better).

Nguoi thua cuoc van... vui ve

Ảnh minh họa

Các khóa học của The School of Life thông qua các hội thảo và sự kiện để phát triển tư duy cảm xúc cho thấy, khóa “học cách thất bại” rất phổ biến ở London, và đã được truyền tải tại Amsterdam, Taipei, Sydney, Melbourne và Antwerp. Hơn 700.000 người đã nghe chương trình phát sóng ”Làm thế nào để thất bại” của Elizabeth Day, có sự góp mặt của các người nổi tiếng kể về những kinh nghiệm của chính họ, là cơ sở để cuốn sách How to Fail: Everything I've Ever Learned from Things Going Wrong sẽ ra mắt vào mùa xuân này. 

Quan niệm chung của các chuyên gia xoay quanh việc làm thế nào để chúng ta thoát khỏi các suy nghĩ xiềng xích về sự hoàn hảo và có được tinh thần dám thử, hay chấp nhận sự thất bại và biến chúng thành điểm mạnh của chúng ta. Các bài học này nên được bắt đầu càng sớm càng tốt.

Natalie Costa, nhà hướng dẫn cuộc sống làm việc với trẻ từ năm tuổi trở lên cho biết, hiện nay 90% các trăn trở của cha mẹ là con trẻ sợ làm lỗi, hay các lỗi lầm có thể dẫn đến cao trào cảm xúc tiêu cực. Vì thế, từ năm 2017, cô đã có lớp hướng dẫn cho trẻ với khẩu hiệu: “Lỗi lầm là ngầu” (Mistakes are cool).

Phương pháp của cô là cho trẻ đóng khung các lỗi lầm: “Thay vì để lỗi lầm làm trẻ tức giận, chúng ta dừng lại và chúc mừng chúng. Tôi khuyến khích trẻ nhớ lại xem chúng học được gì từ các lỗi lầm, cho trẻ viết ra một danh sách các điều chúng học được”. Sau đó, cô cho chúng xem một bộ thần kinh mẫu, và giảng cho chúng hiểu lỗi lầm sẽ giúp phát triển sự liên kết thần kinh mới. Kết quả là cả phụ huynh và học sinh đều vui vẻ. Một bà mẹ kể, bài kiểm tra đánh vần bốn điểm không còn khiến con trai bà buồn nữa, trái lại, nó vui vẻ bảo hệ thần kinh của nó đang… bận tái tạo nơ-ron mới.

Với những người trưởng thành, theo Karen Rinaldi, tác giả cuốn "It’s Great to Suck at Something" cho rằng, bài học đầu tiên là hãy làm mọi việc với sự nhiệt thành cao nhất mà không bị áp lực. “Khi chúng ta sợ thất bại, tức là chúng ta kiềm chế các cơ hội phát triển. Hãy làm một việc bạn mong muốn từ lâu nhưng chưa thực hiện được: học một nhạc cụ, may vá hay bất cứ việc gì mà bạn thích nhưng nghĩ rằng mình không làm được. Bằng cách đó, bạn sẽ làm quen với việc thất bại. Điều này sẽ giúp bạn không còn bỡ ngỡ mỗi khi thất bại nữa. 

Một cách khác hiệu quả không kém là cho cả thế giới biết những thất bại của mình. Năm 2016, giáo sư tâm lý học Johannes Haushofer đã chia sẻ những thất bại trong đời mình qua phong trào “CV of failures“, ông liệt kê hàng loạt chương trình ông không vào được, các giải thưởng ông bị trượt, những công việc ông không hoàn thành. CV này của ông đã trở thành hiện tượng, vì ông được xem là một mẫu mực của sự thành công, và nó chứng tỏ đằng sau mỗi tấm gương thành công là rất nhiều thất bại. 

Jessica phải mất gần bốn năm sau đó mới lấy lại tự tin để kiếm việc khác. “Tôi nhận ra ai cũng có những thất bại, thậm chí với những người rất thành công. Tôi tự nhủ sẽ không để sự thất bại nhấn chìm mình. Khi mắc sai lầm trong lần phỏng vấn kế tiếp, tôi đã ngẩng cao đầu với sự tự tin, và thế là tôi được tuyển dụng”. 

Phan Quỳnh Dao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI