Người thừa cân, béo phì “sống chung” với COVID-19 ra sao?

26/11/2021 - 06:44

PNO - “Đừng để béo phì cướp đi cơ hội sống của bạn khi mắc COVID-19” là khẩu hiệu của câu lạc bộ Liên minh phòng, chống thừa cân và tiểu đường AAOD tại TPHCM trước tình trạng người nhiễm bệnh và tử vong vì COVID-19 do mắc các bệnh nền từ thừa cân và béo phì đang tăng trở lại.


Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong tình hình mới sống chung an toàn với COVID-19, mọi người nên có chế độ ăn hợp lý, và giảm cân an toàn.  

Người béo phì khi nhiễm COVD-19 việc điều trị rất khó khăn
Người béo phì khi nhiễm COVD-19 việc điều trị rất khó khăn

Nguy cơ gấp ba lần người thường

Trong tuần giữa tháng 11, TPHCM có số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại, với trên 50.000 người cách ly điều trị tại nhà, hơn 5.000 người cách ly tại các cơ sở tập trung. Ca bệnh nặng có hỗ trợ hô hấp là 2.648 và số người tử vong vẫn ở mức cao, trung bình hơn 90 ca/ngày, có ngày số tử vong cao nhất tới 139 ca. Những người tử vong và mắc bệnh nặng được các bác sĩ ở các bệnh viện điều trị COVID-19 như Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Quân y 175… thống kê là những người mắc bệnh nền xuất phát từ bệnh thừa cân béo phì, như: huyết áp, tiểu đường, tăng men gan, rối loạn mỡ máu… 

Sau thời gian tham gia đội bác sĩ tư nhân tình nguyện giúp đỡ và điều trị F0 tại nhà, bác sĩ Đỗ Triều Hưng, Trưởng ban điều hành câu lạc bộ Liên minh phòng, chống thừa cân và tiểu đường AAOD tại TPHCM, cho biết nhiều bệnh nhân F0 mắc bệnh gọi điện nhờ giúp đỡ. Khi anh đến nhà bệnh nhân thấy tình trạng thừa cân béo phì, anh ái ngại, lo lắng và tìm cách điều trị. Với những bệnh nhân béo phì, thừa cân, bác sĩ cũng toát mồ hôi “cân não” để chiến thắng virus.

Một gia đình có bốn người đều nhiễm COVID-19, trong đó có thanh niên 17 tuổi, cao 1,7 mét nhưng nặng tới 100kg. Bác sĩ lo lắng, theo dõi đặc biệt và phải dùng thuốc, ô-xy dự phòng với trường hợp thừa cân, béo phì, phòng khi bệnh nhân chuyển nặng kịp thời đưa đến bệnh viện. Bởi, khi chỉ số BMI lớn hơn 30, mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ chuyển vào khu điều trị hồi sức cấp cứu gấp ba lần so với người bình thường. 

Nghiên cứu tại các nước Âu, Mỹ cho thấy, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 46%, tăng nguy cơ nhập viện khi đã mắc COVID-19 lên 113%, tăng nguy cơ chuyển vào khoa hồi sức tích cực (ICU) lên 74%, và tăng nguy cơ tử vong lên 48% so với người bệnh bình thường. Thừa cân, béo phì dẫn đến bệnh tiểu đường, cao huyết áp, đột quỵ và thậm chí là 18 loại bệnh ung thư.

Theo các bác sĩ, người thừa cân, béo phì (thuộc nhóm tiền tiểu đường) có thể thay đổi tương lai của mình bằng cách ăn đúng và siêng năng vận động, giảm cân trong vòng 3 - 4 tháng thì có thể không bước chân vào nhóm phải điều trị tiểu đường và huyết áp cao, khi gặp COVID-19 cũng nhanh chóng vượt qua.  

Giảm cân phải an toàn

Bác sĩ Triều Hưng khuyến cáo, phương pháp giảm cân an toàn là điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện thể dục. Tập thể dục không chỉ giúp đốt năng lượng dư thừa mà còn giúp tăng các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể, vì thế sẽ giúp đốt mỡ để giảm cân và mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe như phòng, chống các bệnh tiểu đường, tim mạch, mỡ máu cao.

Các môn đốt lượng calo nhiều là: aerobic, đi bộ, chạy bộ, đạp xe, nhảy dây… Tuy vậy, nếu chỉ tập thể dục thì số cân nặng giảm được sau mười tháng chỉ dao động từ 4 - 6% cân nặng ban đầu. Do đó, muốn giảm cân được nhiều hơn thì phải kết hợp ăn uống tiết chế. 

Phương pháp ăn kiêng, dựa trên nguyên lý năng lượng ăn uống vào phải thấp hơn năng lượng tiêu hao, từ đó tính toán ra số calo của khẩu phần ăn phù hợp cho từng người mỗi ngày để giảm cân. Nhưng việc ăn uống theo calo trên thực tế chỉ có thể thực hiện tốt trong các cơ sở y tế vì có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng tính toán, có trang thiết bị cân đo và việc tuân thủ của bệnh nhân gần như tuyệt đối.

Ngoài ra, các phương pháp giảm cân khác như dùng thuốc giảm cân có thể có một số tác dụng phụ không mong muốn: buồn nôn, nôn, nhức đầu, chóng mặt, khô miệng, chán ăn... có trường hợp suy gan, suy thận và tử vong. Đặc biệt, sau khi ngưng uống thuốc giảm cân thì cân nặng thường bị tăng ngay trở lại.

Phương pháp phẫu thuật nối tắt dạ dày, thắt dạ dày, nối tắt dạ dày - ruột non… cũng có nhiều rủi ro hơn các phương pháp giảm cân khác. Phương pháp phẫu thuật hút mỡ cũng tồn tại nhiều nguy cơ và không làm thay đổi được thói quen, lối sống sai lầm trước đây dẫn đến thừa cân, béo phì và không giúp làm săn chắc vùng da nhão, chảy xệ, sần sùi…

Do đó, để giảm cân, mọi người cần chọn phương pháp phù hợp nhất và đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu. Đồng thời, cần tầm soát sức khỏe định kỳ để biết được những rối loạn chuyển hóa sớm của cơ thể. Từ đó, bác sĩ có thể can thiệp tốt nhất, bệnh không có cơ hội tiến triển nặng hoặc có các biến chứng lâu dài khi nhiễm COVID-19. 

Bảo Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI