Người thứ 7 trên thế giới được chữa khỏi HIV

20/07/2024 - 07:44

PNO - Liệu pháp cấy ghép tế bào gốc đã giúp người đàn ông Đức đánh bại “căn bệnh thế kỷ” và cả bệnh ung thư máu.

Virus HIV lẫn với tế bào máu — Ảnh: Shutterstock
Vi rút HIV lẫn với tế bào máu - Ảnh: Shutterstock

Bệnh AIDS, do vi rút HIV gây ra, thường được xem là “bản án chung thân” đeo bám người bệnh đến hết đời, chỉ có 6 bệnh nhân trong quá khứ được tuyên bố chữa khỏi HIV. Bệnh viện Đại học Charite ở Berlin, Đức, vừa công bố trường hợp thứ 7 trên thế giới được chữa khỏi “căn bệnh thế kỷ”, góp thêm hy vọng cho những người không may mắc bệnh, theo báo Daily Mail đưa tin ngày 19/7.

Người đàn ông 60 tuổi, chưa được công khai danh tính và hình ảnh, đã trải qua ca phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc, nhưng không phải để chữa HIV mà là ung thư máu, cũng là bệnh rất nguy hiểm. Người này hiện đã khỏi cả 2 căn bệnh. Các bác sĩ gọi ông là “bệnh nhân Berlin tiếp theo”, sau “bệnh nhân Berlin” đầu tiên là Timothy Ray Brown, người được chữa khỏi HIV vào năm 2008 cũng bằng phương pháp ghép tế bào gốc.

Trường hợp được chữa khỏi HIV mới nhất này dự định sẽ được công bố tại Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 25, được tổ chức tại thành phố Munich ở Đức vào tuần tới. Bác sĩ Christian Gaebler, thành viên Bệnh viện Đại học Charite, trưởng nhóm điều trị cho bệnh nhân, cho biết: “Trường hợp của bệnh nhân này cho thấy khả năng chữa khỏi HIV bằng liệu pháp tế bào gốc. Ông ấy hiện cảm thấy khỏe và nhiệt tình đóng góp cho nghiên cứu của chúng tôi”.

Nhóm của ông Gaebler cho biết, người bệnh này đã được điều trị bằng cách ghép tế bào gốc vào tháng 10/2015 để điều trị bệnh bạch cầu tủy cấp tính. Ông này đã ngừng dùng thuốc kháng vi rút, loại thuốc cần thiết để ức chế HIV, từ tháng 9/2018, nhưng các bác sĩ điều trị không phát hiện thấy bất kỳ mức độ vi rút gây bệnh AIDS nào trong gần 6 năm kể từ đó tới nay, khiến họ quyết định công bố ông là người bệnh thứ 7 được chữa khỏi HIV.

Bác sĩ Olaf Penack, thành viên Bệnh viện Đại học Charite, giải thích rằng việc chữa khỏi HIV xảy ra do người hiến tế bào gốc cho người bệnh đã thừa hưởng tự nhiên 2 bản sao của CCR5-delta32, một đột biến của gen tế bào bạch cầu CCR5. Đột biến gen này về cơ bản giúp con người miễn dịch với HIV bằng cách ngăn chặn khả năng xâm nhập vào tế bào miễn dịch của retrovirus.

Bác sĩ Gaebler cho biết thêm: “Bằng cách thay thế hệ thống miễn dịch của bệnh nhân, rõ ràng là chúng tôi đã phá hủy mọi nơi ẩn náu của vi rút HIV, do đó, vi rút không còn khả năng lây nhiễm tới các tế bào miễn dịch mới từ người hiến tặng nữa”.

Trường An (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI