Người thổi hồn vào những cánh hoa vải ruy-băng

10/12/2024 - 07:14

PNO - Bén duyên với nghề thêu hoa vải ruy-băng từ năm 2013, đến nay, hành trang của Trần Đường là nhiều dự án hợp tác cùng các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Nhiều sản phẩm do cô hợp tác thực hiện được đánh giá cao về gu thẩm mỹ và tính ứng dụng.

Tác phẩm hoa thêu ruy-băng trên khăn voan cưới  của cô dâu Hoàng Huế do Trần Đường thực hiện
Tác phẩm hoa thêu ruy-băng trên khăn voan cưới của cô dâu Hoàng Huế do Trần Đường thực hiện

Trần Đường luôn trăn trở: “Tại sao thêu không được xem là một phương tiện để thể hiện nghệ thuật? Tại sao chỉ hay ruy-băng lại không được nhìn nhận như sơn dầu hay màu nước hoặc acrylic? Thứ khiến một tác phẩm được xem là nghệ thuật chính là bởi ý niệm tác phẩm truyền đạt. Nhưng tại Việt Nam, những tác phẩm kiểu textile art (nghệ thuật vải sợi) thường chỉ được nhìn nhận như nghề thủ công hơn là nghệ thuật”.

Mang niềm trăn trở lớn lao đó cùng với tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết, sự say mê của tuổi trẻ, cô gái nhỏ xinh xắn này đang cố gắng từng ngày để góp phần đưa nghệ thuật thêu ruy-băng đến gần với công chúng; thông qua những tác phẩm thêu đặc sắc trên quần áo, vải vóc và phụ kiện thời trang, sản phẩm trang trí.

Trần Đường - nghệ nhân thêu hoa vải ruy-băng
Trần Đường - nghệ nhân thêu hoa vải ruy-băng

Bén duyên từ sự tình cờ

Trần Đường cho hay, sau khi tốt nghiệp, cô chưa từng đi làm. Thời gian học đại học và sau đó 1 năm, cô làm cộng tác viên dịch thuật bán thời gian cho phòng công chứng. Công việc không phải gặp nhiều người nên lúc đó cô chưa phát hiện điểm yếu của bản thân, cho đến khi cô thử việc 1 tuần tại 1 công ty. Cô nhận thấy mình không thoải mái làm việc khi có người xung quanh. Thiếu kinh nghiệm thực chiến cũng là một thứ khiến cô không thể hoàn thành tốt việc được giao. Vậy là cô bị từ chối.

Trần Đường sinh năm 1989, tốt nghiệp Trường đại học Văn Lang, ngành thiết kế nội thất, hiện sống và làm việc tại TPHCM. Cô tự nhận mình là người hướng nội. Với cô, ý tưởng về những cánh hoa xinh xắn mềm mại nở ra trên những sợi vải ruy-băng thật tuyệt diệu.

Cú sốc trên thật ra lại là khởi đầu cho hướng đi mới hoàn toàn độc lập của Trần Đường. Để không lãng phí thời gian vô ích, cô làm đủ mọi việc: một mặt vẫn tiếp tục công việc bán thời gian, mặt khác cô viết truyện ngắn, bán quần áo online. Cuối năm 2013, trong 1 chuyến du lịch, tình cờ cô bắt gặp và ấn tượng bởi tấm áo gối thêu hoa rất đẹp tại 1 khu chợ ở Malaysia. Khi về, cô quyết định thêu 1 cặp để chưng vào dịp tết.

Trần Đường mang sách thêu có sẵn ra tự học. Ban đầu, thêu chỉ để giải trí nhưng không ngờ cô lại bén duyên với công việc này và trở thành nghệ nhân thêu hoa từ ruy-băng khi tuổi đời còn rất trẻ. Thông qua hoạt động thêu hoa ruy-băng, cô phát hiện ra sở thích thật sự của mình: thích chi tiết, thích những thứ trong định dạng 3D và thích sự chuyển động (thời gian, gió, sự sống…). Chính điều này giúp cô có sự tĩnh tại và cân bằng hơn khi làm nghề mình yêu thích. Sức hút đặc biệt của nghệ thuật thêu vải ruy-băng khiến cô gái nhỏ quyết định gắn bó với nghề thêu lâu dài.

Sản phẩm thêu hoa vải ruy-băng của Trần Đường
Sản phẩm thêu hoa vải ruy-băng của Trần Đường

Thêu ruy-băng để thể hiện những điều mình muốn

Khi được hỏi “Nghề thêu có phải là thứ giúp cô gái sống hướng nội có nội tâm phong phú hơn?”, Trần Đường nhẹ nhàng chia sẻ: “Tôi nghĩ nội tâm phong phú của một người đến từ rất nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan. Thêu ruy-băng cũng như hội họa, là một cách để tôi thể hiện những điều mình muốn mà thôi.

Trong quá trình thực hành cũng như hướng dẫn người khác thêu, tôi đã học được rất nhiều: buông bỏ sự bám chấp và làm sao để truyền tải một cách trọn vẹn đến người khác. Từ thêu ruy-băng, tôi hiểu hơn về các chất liệu và tìm cách ứng dụng chúng. Điều này giúp tôi cảm thấy dễ chịu hơn và có động lực để gắn bó mỗi ngày với công việc mình đang làm, tạo ra những sản phẩm có tính sáng tạo, không gò bó”.

Bất cứ nghề nào cũng có khó khăn nhất định. Khó khăn lớn nhất của Trần Đường là phải vượt qua chính bản thân, một phần vì cô còn quá trẻ. Trong quá trình trưởng thành, cô thường không được đánh giá cao. Có lần, Trần Đường nghe một người trong trường nói về mình rằng cô “chỉ có cái tên là đặc biệt” (tên cô có tới 6 chữ, cô rút gọn thành 2 chữ cho dễ nhớ). Khi tài năng không được người khác công nhận, ở cái tuổi còn chưa thực sự vững vàng, cô có phần nhụt chí. Vì vậy, dù biết rằng mình thêu đẹp nhưng cô vẫn không tự tin khi nhận khách hàng mới hay trình bày mẫu thêu mới với khách hàng cũ. Điều này dẫn đến hệ lụy: sự trì hoãn.

Cô nhận ra điều đó, cố tìm cách chế ngự và khắc phục: vừa đóng vai nghệ sĩ, phiêu lưu và nuông chiều cảm xúc; vừa đóng vai người quản lý sắt đá thường xuyên thúc giục bản thân phải thật sự cố gắng nhưng cô phải thừa nhận rằng: “Thường thì người quản lý trong tôi chỉ thành công 60% thôi!”.

Trước tiên phải hiểu rõ mình

Nhìn lại hành trình đã đi, bây giờ, cô gái ấy đã hoàn toàn tự tin khi đứng ra hợp tác với các nhà thiết kế (NTK) thời trang tên tuổi và các nhãn hàng lớn.

Khi nắm vững các kỹ thuật của nghề, biết rõ mình làm được những gì, mọi việc trở nên suôn sẻ hơn. Nếu NTK đưa ra một yêu cầu mà cô biết mình khó có khả năng thực hiện hoặc không phù hợp thực tế hay giá cả, cô sẽ đưa ra các đề nghị khác. May mắn, các NTK thường tin tưởng và để cô tùy nghi thực hiện các mẫu thêu dựa trên miêu tả về cảm hứng hay ý muốn về bố cục của họ.

Sau mỗi lần thực hiện các mẫu thêu, đối với cả hàng thiết kế lẫn hàng thương mại, Trần Đường đã học được cách xử lý vấn đề. Trước đây, khi xảy ra sự cố, mọi người thường cố gắng tìm xem lỗi sai từ ai. Về sau, cô nhận ra lỗi từ ai không quan trọng bằng việc làm sao để sửa chữa và hạn chế lặp lại lỗi ấy trong tương lai.

Tác phẩm hoa thêu ruy-băng do nhà thiết kế Trần Đường thực hiện trên trang phục  của Võ Văn Tuấn và nhà thiết kế Lê Đức Hiếu
Tác phẩm hoa thêu ruy-băng do nhà thiết kế Trần Đường thực hiện trên trang phục của Võ Văn Tuấn và nhà thiết kế Lê Đức Hiếu

Một tâm hồn thiện mỹ

Tự nhận mình là người hướng nội, chỉ âm thầm đứng ở hậu trường quan sát những thành quả của mình tỏa sáng trên sân khấu nhưng Trần Đường lại sẵn sàng tham gia lớp dạy miễn phí nghề thêu cho các bạn trẻ khiếm thính của Trường Hy Vọng (quận Bình Thạnh, TPHCM).

Cô nói: “Sau buổi work shop năm ngoái do tổ chức Simple and Special và Trốn Academy tổ chức, tôi có cơ hội tiếp xúc với các bạn khiếm thính. Các bạn không có khả năng ngôn ngữ nên dễ mắc các căn bệnh tâm lý như trầm cảm. Nghề thêu cũng như hội họa, có thể trở thành một công cụ để các bạn bộc lộ cảm xúc cũng như thể hiện chất riêng trong các bức thêu. Các ngành nghề dành cho người khiếm thính cũng khá hạn chế. Tôi không dám nói rằng các bạn nên theo nghề này nhưng ít nhất qua đó, các bạn biết có một nghề như vậy trên đời và sẽ có thêm định hướng cho tương lai”.

Trần Đường mong mỏi nghề thêu trên vải ruy-băng sẽ phát triển hơn bằng việc cạnh tranh lành mạnh. “Hiện tại, ở lĩnh vực thêu ruy-băng, xét về thương mại và nghệ thuật hầu như rất ít sự cạnh tranh. Vậy nhưng điều này cũng là một sự bất lợi vì tôi tin rằng mọi sự phát triển đều cần sự cạnh tranh lành mạnh”.

Trần Đường đang thực hiện một quyển sách về nghề thêu vải ruy-băng. Sắp tới, cô sẽ tham gia nhiều cuộc triển lãm nhóm. Đó là nơi giúp những nghệ sĩ, nghệ nhân kết nối tốt hơn. Ngoài ra, cô còn có kế hoạch phát triển mảng đồ dùng nội thất với các đối tác, thử nghiệm áp dụng nghệ thuật thêu ruy-băng trang trí cho các vật dụng trong nhà.

Trần Huyền Trang

Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI